Chênh vênh đường phượt
Du lịch - Ngày đăng : 08:32, 17/10/2016
Phượt (hay còn gọi là du lịch bụi) đang là trào lưu thu hút giới trẻ. Dù vậy, chặng đường phượt cũng lắm gian nan, nguy hiểm, thậm chí có phượt thủ phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Trên mỗi cung đường, phượt thủ phải đặt sự an toàn lên hàng đầu
Quên hiểm nguy
Anh Nguyễn Đình Thắng, 23 tuổi ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) có nhiều kinh nghiệm trên các cung đường từ Bắc vào Nam. Đối với anh Thắng, phượt là niềm đam mê và có sức hút kỳ lạ. Mỗi hành trình lại có một trải nghiệm riêng, thú vị, lôi cuốn nhưng cũng đầy mạo hiểm. Anh cho biết: "Khác với các tour du lịch khác, phượt có thể tự chủ về thời gian, phương tiện nên mọi người sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu sâu về phong tục, tập quán, nét đẹp riêng có của mỗi vùng miền. Hơn nữa, đi phượt còn giúp các bạn trẻ có thể kết nối, giao lưu, từ đó khơi gợi tinh thần đồng đội trong suốt hành trình dài. Tuy nhiên, nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những cung đường càng ngoằn ngoèo, khúc khuỷu thì lại càng hấp dẫn các phượt thủ và càng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy". Bản thân anh Thắng dù đã là "xế" cứng tay nhưng cũng không tránh khỏi những bất trắc. 6 năm gắn bó với phượt, anh Thắng chỉ nhớ bị ngã xe 8 lần, trong đó có 1 lần khi chinh phục cung đường Hà Nội - Hà Giang, xe của anh Thắng va chạm với xe đi ngược chiều nên anh bị thương nặng phải đi cấp cứu. Còn những sự cố như hỏng xe, hết xăng, thời tiết bất lợi làm gián đoạn hành trình thì nhiều vô kể.
Rong ruổi trên những con đường để được khám phá những vùng đất mới lạ cũng là sở thích của chị Trần Thị Luyến, 25 tuổi ở phường Hải Tân (TP Hải Dương). Mặc dù đã đi làm, thời gian dành cho những chuyến phượt cũng eo hẹp hơn nhưng chị Luyến vẫn tranh thủ sắp xếp công việc, tham gia các chuyến phượt ngắn ngày. Đã từng góp mặt trong hơn 100 chuyến phượt nên chị Luyến cũng đã thấm những nguy hiểm rình rập trên từng cung đường. "Thời sinh viên nông nổi nên cứ hứng lên là xách ba lô đi mà không có sự tính toán, lên phương án từ trước. Do vậy, nhiều lúc bọn mình lúng túng trong việc xử lý các sự cố phát sinh. Có lần, một thành viên trong đoàn bị đau bụng nhưng cả đoàn lại quên mang thuốc. May mà có sự trợ giúp của người dân địa phương, nếu không bạn đó có thể nguy hiểm tới tính mạng”, chị Luyến chia sẻ. Hiện nay, giới trẻ lại chuộng kiểu phượt độc hành nên khả năng xảy ra rủi ro, nguy hiểm càng cao.
|
Nguy hiểm không chỉ xuất phát từ nguyên nhân khách quan mà ngay chính những phượt thủ nhiều khi vì mải mê theo sở thích mà quên đi sự an toàn của bản thân. Nhiều bạn trẻ thích thể hiện bằng cách phóng nhanh, vượt ẩu trên những đoạn đường chênh vênh nơi triền núi, quyết tâm chinh phục những mỏm đá, vực sâu dù đã được cảnh báo nguy hiểm. Do vậy đã dẫn tới những hệ lụy đau lòng. Sự việc một nữ phượt thủ quê ở khu 3, thị trấn Ninh Giang tử nạn trên cung đường đi Hà Giang vào năm 2014 chính là bài học cảnh tỉnh cho sự lơ là, chủ quan của giới trẻ trên các cung đường. Chuyến phượt để chinh phục cánh đồng hoa tam giác mạch tuyệt đẹp ở Hà Giang đã bị gián đoạn khi chiếc xe máy của chị G. bị tai nạn, bạn trai cầm lái bị thương nặng còn chị mãi mãi không trở về.
Không đánh đổi
Chính vì sự mạo hiểm và khát khao chinh phục mạo hiểm của phượt thủ đã khiến trào lưu này ngày càng hấp dẫn giới trẻ. Song chuyến phượt chỉ thực sự có ý nghĩa và bổ ích khi các thành viên trong đoàn ngoài việc có thể trau dồi thêm vốn hiểu biết thì phải trở về an toàn, khỏe mạnh. Vì thế, để hạn chế tối đa những sự cố có thể xảy ra, trước mỗi chuyến đi, các nhóm phượt phải có lịch trình cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.
Dù là phái yếu, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng chị Nguyễn Thị Thơm, 23 tuổi ở Thanh Hà vẫn được nhóm phượt giao trọng trách trưởng nhóm gồm 10 thành viên bởi chị Thơm có sự quyết đoán và bản lĩnh. Để được tham gia nhóm của chị thì phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt do chị đặt ra. Bên cạnh những chuẩn bị theo sự phân công của nhóm, mỗi cá nhân phải trang bị các vật dụng bảo đảm an toàn cho bản thân. Không được nói chuyện, cười đùa khi đang chạy xe. Khi xảy ra sự cố phải tuân theo quyết định của trưởng nhóm. Chị Thơm cho biết: Nguyên tắc của nhóm là di chuyển an toàn và khám phá an toàn. Trên các cung đường, phượt thủ phải kiểm soát được tốc độ, các xe phải bám sát nhau theo cự ly hợp lý, không được tách đoàn. Như vậy, khi một xe xảy ra sự cố thì cả nhóm có thể hỗ trợ. Lúc tham quan các địa điểm cũng phải tuân theo lịch trình chung, không vì sở thích cá nhân mà ảnh hưởng đến cả nhóm.
Sau nhiều lần gặp sự cố trên các cung phượt, anh Thắng cũng rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm cho bản thân. Theo anh Thắng, phượt luôn song hành với nhiều rủi ro nhưng không có nghĩa là không an toàn. Nguy hiểm là không tránh khỏi nhưng phượt thủ phải có bản lĩnh vượt qua và đó là kinh nghiệm quý cho phượt thủ để vượt qua không chỉ trên những cung đường, mà còn cả khó khăn trong cuộc sống. Và một phượt thủ chuyên nghiệp sẽ không bao giờ đánh đổi sự an toàn của bản thân để thỏa mãn thú vui nhất thời.
DŨNG CƯỜNG