Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thí điểm cho phá sản ngân hàng

Tin tức - Ngày đăng : 14:23, 22/10/2016

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 22-10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém.


​Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: thí điểm cho phá sản ngân hàng

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

“Lập ngân hàng cổ phần rồi để nhà nước phải mua lại 0 đồng, nhà nước phải đứng ra xử lý hậu quả thì ai cũng muốn làm” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Không thể ném tiền vào những dự án như Gang thép Thái Nguyên

Phó thủ tướng khẳng định trong giai đoạn tới, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ triển khai quyết liệt hơn, với nhiều giải pháp mới.

Ông cho biết: “Trước đây cổ phần hóa số lượng doanh nghiệp thì rất nhiều nhưng tổng vốn hóa thì rất thấp, mỗi anh một tí thôi. Lần này xác định rõ là với loại 100% (vốn nhà nước) cần giữ thì phải giữ, rồi loại 65% và loại 50%, còn loại dưới 50% thì có thể thoái hết vốn”.

“Chúng ta thay đổi cơ bản cách thức quản trị. Anh nào đã cổ phần hóa rồi thì dứt khoát phải lên sàn, dứt khoát phải công bố thông tin. Tuần này Chính phủ đốc thúc rất quyết liệt. Anh nào trốn tránh thì trước hết công khai lên để dân biết”.

“Doanh nghiệp thua lỗ trước đây thường xin cơ chế nọ kia. Bây giờ phân loại ra, nếu thua lỗ do vấn đề khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu. Không cho lạm dụng từ tái cơ cấu. Doanh nghiệp nào thua lỗ, dự án đầu tư không có hiệu quả (như gang thép Thái Nguyên bây giờ mà bỏ tiền vào nữa thì có mà chết), dứt khoát phải xử lý”.

“Không nói đến tái cơ cấu mà nói là xử lý các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thu lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả. Nhà nước không cứu những anh như vậy, phải rõ ràng” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Giải pháp mạnh: cho phá sản ngân hàng

Đối với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, ông Huệ cho biết hiện nay báo chí, dư luận đang quan tâm là có hay không việc sử dụng các nguồn lực nhà nước để giải quyết nợ xấu.

“Chúng ta đừng lẫn lộn hai khái niệm ngân sách nhà nước và nguồn lực nhà nước. Thực tế là từ trước đến giờ và có lẽ sau này cũng vậy, chúng ta rất cân nhắc chuyện sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém” - ông nói.

Theo Phó thủ tướng, thực tế hiện nay chúng ta đang dùng nguồn lực nhà nước rồi, khi một tổ chức tín dụng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Tức là nếu cho phép ngân hàng trích lập 100 đồng vào chỗ này thì ngân sách đóng 25 đồng rồi, bởi vì không cho trích lập thì nhà nước thu được 25 đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp).

“Rồi khi nhà nước cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt thì có nghĩa là dùng ngân sách nhà nước rồi, bởi nếu cho vay thông thường thì lãi suất 7-8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%. “Cho nên đừng nghĩ chỉ dùng kỹ thuật là xử lý được nợ xấu. Lần này chúng ta khẳng định rằng có thể sử dụng nguồn lực của nhà nước lớn hơn để xử lý nợ xấu”.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém”.

“Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm. Như vậy với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém”.

Không để tình trạng “xe sang thành xe biếu tặng”

Đề cập đến tình hình ngân sách nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định ưu tiên của Chính phủ là tái cơ cấu thu chi ngân sách để đảm bảo an toàn nợ công.

“5 năm trước chúng ta không nói nhiều về cái này, nhưng bây giờ đặt lên thành số 1. Tới đây Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này, nhấn mạnh triệt để tiết kiệm là quốc sách. Quan điểm là chi tiêu phải nằm trong khả năng của nền kinh tế, vay phải trong khả năng trả nợ. Phấn đấu tăng thu để tăng chi, còn nếu thu mà không đạt thì phải giảm chi tương ứng. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính” - ông cho hay.  

Dành thời gian phân tích vấn đề, ông Huệ nói rằng hiện nay trần nợ công đã sát ngưỡng 65% GDP. Đang có 2 loại ý kiến, một loại cho rằng không tăng đầu tư thì lấy gì mà phát triển, con nhà nghèo thì cũng có giai đoạn phải đi vay nợ. Có những nước trần nợ công 70-80%, thậm chí 100% GDP, mình mới có 65% thì tại sao không nới lên?

“Chính phủ, anh em chúng tôi cũng muốn nới trần nợ công để có cái mà tăng trưởng, nhưng chính Chính phủ cương quyết đề nghị giữ nguyên trần nợ công. Vì sao? Trần nợ công chỉ là một chuyện thôi, quan trọng là tỷ lệ mà trả nợ mới quan trọng. Năm ngoái nghĩa vụ trả nợ chiếm khoảng 27,5% thu ngân sách, trong khi giới hạn an toàn có 25% thôi. Chứ nếu tỷ lệ trả nợ chỉ khoảng 15% thì có thể nới trần lên được”.

“Trong năm 2016, 2017 có thể trần nợ công bị vượt lên một chút, lý do là tăng trưởng kinh tế thấp xuống một chút. Nhưng dứt khoát phải kéo nợ công xuống dưới 65% GDP” - ông nói.  

Về vấn đề thu - chi ngân sách. Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ chỉ đạo đổi mới căn bản lĩnh vực này.

“Nói về thuế thì có hai cái mạnh nhất, thuế nội địa thì là cơ sở tính thuế, đưa hóa đơn chứng từ vào. Còn thuế nhập khẩu thì phải quản lý thật chặt giá tính thuế, đừng có xe sang lại biến thành xe biếu tặng, như ngày xưa cái xe máy mấy chục triệu đưa về tính có mấy triệu bạc” - ông phân tích.

“Dự toán chi phải trên cơ sở dự toán thu. Bây giờ tỉnh nào cũng muốn làm dự toán chi cao lên còn dự toán thu thì thấp thôi. Tôi mà làm Chủ tịch tỉnh thì tôi cũng muốn thế thôi: thu thì ít, chi thì nhiều. Nên bây giờ phải đổi mới cách thu như tôi nói. Còn chi thì phải theo kết quả đầu ra, chứ cứ lấy dân số mà nhân lên thì rất vô lý, ví dụ các tỉnh miền Đông Nam Bộ có dân số vãng lai rất lớn, người ta phải lo nhiều vấn đề xã hội. Vì vậy phải có các chỉ tiêu và phản ánh kết quả đầu ra”.

Phó thủ tướng cho rằng thu chi tốt, triệt để tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, giảm biên chế và sắp xếp lại bộ máy, chúng ta mới thực hiện được các mục tiêu về ngân sách.

Theo Tuổi trẻ