Chìa khóa mở cửa nền nông nghiệp thông minh

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 06:39, 24/10/2016

Những nông dân gõ bàn phím, di chuột nhoay nhoáy không còn xa lạ. Họ đã biết ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.



Từ khi được trang bị máy tính có kết nối mạng internet, máy chiếu, việc chuyển giao kỹ thuật cho nông dân thuận lợi hơn


Chủ động

Trước kia, hơn 2 mẫu ổi của gia đình ông Mạc Văn Nhi ở thôn Phương La, xã Cẩm chế (Thanh Hà) được trồng và chăm sóc dựa trên những kiến thức mà ông sưu tầm từ sách báo cũ. Có lúc ông phải cất công sang tận Thái Bình để học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Thông tin chắp vá, học mỗi nơi một kiểu nên nhiều khi ông loay hoay, không biết thực hiện theo cách nào. Năm 2010, gia đình ông sắm máy vi tính phục vụ cho việc học tập của các con. Nhân có máy, ông bắt đầu học tìm hiểu kiến thức về nông nghiệp trên mạng internet. Do đó vốn hiểu biết của ông về cây ổi được cải thiện và phong phú hơn trước. Ông Nhi cho biết: "Trước kia, mỗi khi ổi bị sâu bệnh, tôi lại luống cuống vì không biết phải phòng trừ ra sao. Tôi cũng chịu khó tìm kiếm thông tin trên báo đài, nhưng do tiếp nhận bị động nên kiến thức có được không bài bản, chuyên sâu. Cái gì cũng mơ hồ, khó hiểu nên khi áp dụng vào thực tế không đạt hiệu quả như mong đợi, năng suất ổi không cao. Từ khi có mạng internet, tôi nắm bắt thông tin thuận lợi hơn nhiều".

Nhờ có internet, ông Nhi không chỉ nắm vững các kỹ thuật chăm sóc mà còn cập nhật kịp thời các thông tin về thời tiết, dịch hại để chủ động trong mọi công việc. 2 năm nay, ông Nhi còn bán ổi qua mạng xã hội. Nhờ tự tìm khách hàng, cắt được khâu trung gian nên ổi bán được giá hơn. Làm nông nghiệp nhiều năm nay, ông chưa bao giờ nghĩ có thể bán hàng qua mạng.

Xuất phát điểm là nhân viên kỹ thuật nên khi quyết tâm gắn bó với nông nghiệp, anh Nguyễn Thế Phước ở xã Nam Tân (Nam Sách) đã xác định phải áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất thì mới nâng cao được năng suất, chất lượng nông sản, đỡ vất vả, tốn kém chi phí như trước. Năm 2012, anh bắt tay nuôi cá lồng với vốn kiến thức ít ỏi vì là dân "ngoại đạo". Chính mạng internet đã giúp anh có những thành công như hôm nay. Anh vừa làm, vừa tìm hiểu các kênh thông tin chuyên sâu về nuôi cá trên mạng. Do ham học hỏi nên vốn kiến thức về nuôi cá lồng của anh giờ đây không kém gì kỹ sư nông nghiệp thực thụ. Bây giờ, chỉ cần nhìn qua những dấu hiệu là anh có thể biết được cá mắc bệnh gì và phải điều trị bằng loại thuốc nào. Không chỉ vậy, anh còn sử dụng CNTT ngay trong quy trình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ. Khu vực nuôi cá của anh được gắn camera nên anh có thể quan sát, nắm bắt tình hình sinh trưởng của cá ở bất kỳ địa điểm và thời điểm nào. Việc bảo quản cá sau thu hoạch cũng được lập trình đồng bộ. Anh Phước còn lập website riêng với tên miền cachepgion.vn và có fanpage "cá chép giòn hải dương" để trao đổi thông tin về sản phẩm và kết nối tiêu thụ.

Trước kia, mỗi khi ổi bị sâu bệnh, tôi lại luống cuống vì không biết phải phòng trừ ra sao. Tôi cũng chịu khó tìm kiếm thông tin trên báo đài, nhưng do tiếp nhận bị động nên kiến thức có được không bài bản, chuyên sâu.


CNTT giúp nông dân chủ động từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ. Người dân có thể nắm bắt thông tin về giá vật tư nông nghiệp, tình hình thời tiết, thị trường tiêu thụ để lựa chọn sản phẩm gieo trồng phù hợp. Ngoài ra, nông dân còn có thể trao đổi kinh nghiệm sản xuất thông qua các diễn đàn trên mạng mà không phải tốn thời gian, công sức để gặp trực tiếp như trước.

Phải chọn lọc thông tin

Nhờ có CNTT mà việc giảng dạy các kỹ năng, kiến thức về nông nghiệp trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn đối với các chuyên viên nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc truyền đạt kiến thức nông nghiệp cho nông dân rất khó khăn và mất nhiều thời gian bởi lý thuyết và thực hành phải đi liền nhau. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp có đặc thù mùa vụ nên không phải lúc nào cũng có giáo cụ trực quan. Từ khi được trang bị các thiết bị như máy tính có kết nối mạng internet, máy chiếu, học viên không phải vất vả ra ngoài đồng để quan sát các hiện tượng, dấu hiệu của sâu bệnh. Ngay tại lớp học, học viên cũng có thể nắm bắt được qua những hình ảnh, video clip sinh động, thực tế.

Ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đây cũng là cách thức để người sản xuất và người tiêu dùng có thể tương tác được với nhau, bỏ qua khâu trung gian. Từ đó có thể nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm. Hiệu quả đã rõ ràng nhưng hiện nay việc áp dụng CNTT vào sản xuất vẫn còn hạn chế. Không phải nông dân nào cũng có thể sử dụng thiết bị CNTT và tiếp cận được nguồn tin chính thống. CNTT sẽ là con dao 2 lưỡi nếu như người dân không biết chọn lọc thông tin. Việc áp dụng CNTT vào sản xuất cũng phải phù hợp với thực tế. Do vậy cơ quan chuyên môn vẫn chú trọng sử dụng CNTT để truyền đạt kiến thức cho nông dân hơn là hướng dẫn nông dân các kỹ năng để tự khai thác thông tin.

CNTT là chìa khóa mở cánh cửa của nền nông nghiệp thông minh, hiện đại. Từ đó giảm bớt những rủi ro trong sản xuất. Đây cũng chính là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, dần hình thành những vùng chuyên canh theo chuỗi giá trị. Để thực hiện được điều này cần có sự định hướng của cơ quan chuyên môn trong việc lựa chọn cũng như kết nối thông tin.

DŨNG CƯỜNG