Quyết học nên người

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:41, 24/10/2016

Với tinh thần học để thành người, em Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1998) ở thôn An Lại, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) đã quyết chí vươn lên.



Dù phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng Dung vẫn luôn khao khát được học hành


Sống trong cảnh mất mát, đau thương, nghèo khó từ nhỏ, lớn lên cũng không được ăn học đủ đầy như chúng bạn, nhưng với tinh thần học để thành người, em Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1998) ở thôn An Lại, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) đã quyết chí vươn lên.

Tuổi thơ đau thương

Gần 2 tháng lên Thủ đô nhập học, Dung mới lại về quê thăm ông bà ngoại và em trai. Cô tân sinh viên Trường Đại học Ngoại thương dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn, phong thái đĩnh đạc, giản dị. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, mỗi lần nhắc đến bố mẹ, đôi mắt em lại rưng rưng.

Dung và người em trai ít hơn 2 tuổi sinh ra trong một gia đình thuần nông. Bố mẹ em quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn túng thiếu, khó khăn. Không ít gia đình có hoàn cảnh tương tự đã cho con nghỉ học. Nhưng bố mẹ Dung lại nghĩ khác, càng nghèo càng phải cho con đi học để sau này có công việc ổn định, cuộc sống sẽ bớt khổ. Thương bố mẹ vất vả, hai chị em Dung học hành chăm chỉ, năm nào cũng được giấy khen.

Nhưng rồi đau thương bỗng dưng ập đến với gia đình nghèo. Năm 2009, bố mẹ Dung đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Hai chị em khóc ròng cả tháng, ăn uống thất thường, người gầy gò, ốm yếu. Mất cha thì còn chú bác, song cám cảnh thay, cả 2 anh trai ruột của bố Dung cũng đều mất sớm vì những tai nạn khác nhau. Chỉ còn một bác gái thì lại đi lấy chồng tỉnh xa nên chẳng thể giúp gì. Có người gợi ý đưa 2 chị em Dung đi trại trẻ mồ côi nhưng ông bà ngoại thương nên đã đón về nuôi. Tuổi cao, gia cảnh cũng khó khăn song ông bà ngoại của Dung vẫn cố gắng làm ruộng, nuôi thêm con lợn, con gà để lấy tiền lo cho các cháu ăn học. Biết hoàn cảnh của mình, hai chị em Dung luôn nỗ lực vươn lên trong học tập.

Không bỏ cuộc

Nó nói rằng, ông bà bắt cháu làm việc gì cũng được, khổ đến mấy cũng chịu được nhưng đừng bắt cháu nghỉ học.


Học xong lớp 9, vì kinh tế quá khó khăn nên ông bà ngoại muốn Dung nghỉ học, đi làm công ty để lấy tiền nuôi em trai. Ông Nguyễn Dương Tiến là ông ngoại Dung năm nay 73 tuổi kể lại: “Cháu nó khóc lóc van xin chúng tôi. Nó nói rằng, ông bà bắt cháu làm việc gì cũng được, khổ đến mấy cũng chịu được nhưng đừng bắt cháu nghỉ học. Nghe cháu nói mà vợ chồng tôi lòng quặn đau. Lại nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, vì thế chúng tôi đã đi vay tín dụng cho 2 đứa tiếp tục học hành”.

Lên cấp 3, Dung học tại Trường THPT Gia Lộc. Từ nhà đến trường gần chục cây số, đường xuống cấp, khó đi. Các bạn cùng làng đi xe buýt hoặc xe đạp điện, riêng em một mình với chiếc xe đạp cũ đến trường. Không có điều kiện đi học thêm như các bạn nên ở trên lớp Dung luôn chú ý nghe thầy cô giảng bài và tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Giờ ra chơi, các bạn rủ xuống sân trường nô đùa nhưng Dung từ chối để ngồi xem lại bài thầy cô vừa giảng. Ở nhà, Dung chăm chỉ phụ giúp ông bà việc đồng áng, chăn nuôi, nấu cơm, giặt giũ. Thi thoảng 2 chị em lại rủ nhau đi bắt cua, bắt cá để cải thiện bữa ăn. “Con bé chăm ngoan lắm. Cứ đi học về là lao vào giúp chúng tôi làm đủ thứ việc. Chỉ khi nào thấy việc nhà tươm tất mới chịu ngồi vào bàn học”, bà Phạm Thị Đỉ, bà ngoại của Dung nói.

Sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ siêng năng, chịu khó nên thành tích học tập của Dung rất ấn tượng. Suốt 3 năm THPT, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm bình quân từ 8 trở lên. Dung học đều các môn nhưng thích học nhất 2 môn toán và tiếng Anh. Em từng tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đoạt giải khuyến khích môn tiếng Anh.

Sau khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm học 2015-2016, Dung đăng ký xét tuyển khối A1 (gồm các môn toán, vật lý, hóa học) vào Trường Đại học Ngoại thương và Đại học Sư phạm Hà Nội. Em trúng tuyển vào cả hai trường với tổng điểm 27. Hôm nhận giấy báo nhập học của Trường Đại học Ngoại thương, Dung và ông bà ngoại rất đỗi vui mừng. Nhưng khi nhìn vào khoản đóng góp lên tới gần 10 triệu đồng phía dưới giấy báo nhập học thì nụ cười trên khuôn mặt mọi người bỗng vụt tắt. Cuộc sống quá khó khăn khiến ông bà ngoại phải thêm một lần khuyên Dung từ bỏ sự nghiệp học hành. Vậy là cả tuần em chỉ có khóc và xin ông bà cho đi học. Nước mắt và sự hiếu học của cô cháu gái khiến cả hai ông bà trăn trở, day dứt. Qua nhiều đêm suy tư, cuối cùng họ cũng quyết định để cho cháu gái nhập học. Trước ngày Dung lên trường, chính quyền địa phương và bà con lối xóm đến chia sẻ, động viên. Mọi người vận động nhau quyên góp được 6 triệu đồng ủng hộ cô tân sinh viên nghèo. Ông bà ngoại cũng bán thóc và mấy đôi gà cho cháu gái lấy tiền đóng học. Hội Nông dân xã cam kết sẽ hỗ trợ ông bà làm thủ tục vay vốn để có điều kiện nuôi hai cháu ăn học những năm tới. “Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Miễn sao cháu học hành nên người. Chỉ mong mai này cái Dung ra trường có công việc ổn định. Lúc đó vợ chồng tôi nhắm mắt, xuôi tay cũng yên lòng”, ông Tiến chia sẻ.

Dung cho biết, em muốn đi học là vì không muốn phí hoài kiến thức mà bản thân đã được học tập bao năm. Chỉ có học mới giúp em có việc làm ổn định, thoát khỏi cảnh nghèo khó, có điều kiện chăm sóc người thân và trở thành người có ích cho xã hội. Dung dự định trong thời gian tới sẽ đi làm gia sư hoặc kiếm một việc làm thêm phù hợp để có thêm tiền trang trải việc học. “Em sẽ làm mọi việc có thể để có tiền đi học. Em sẽ không bao giờ từ bỏ con đường học hành của mình”, Dung khẳng định.

Phía trước cô học trò nghèo này chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng với sự quyết tâm của mình, mong rằng em sẽ giành được nhiều thành tích cao trong học tập và sớm hiện thực hóa được những ước mơ của mình trong tương lai.

TIẾN MẠNH