"Cuộc chiến" dạy con

Đời sống - Ngày đăng : 15:50, 24/10/2016

Vừa đến cơ quan, Hồng đã nhận được điện thoại của Trang nhờ làm giúp một số việc còn dang dở bởi Trang phải đưa con lên bệnh viện khám gấp.



"Con bé bị làm sao? Hai mẹ con đã vào khám được chưa?", Hồng gọi điện hỏi thăm. "Còn chưa biết. Bác sĩ đang nghi con bị dạ dày", Trang than thở. "Chết, mới tý tuổi đầu mà đã dạ dày, dạ mỏng. Thôi, lo khám cho con đi. Công việc ở nhà cứ yên tâm", Hồng cúp máy nhưng lòng nặng trĩu.

Nghĩ đến con gái Trang rồi lại nghĩ đến con mình mà Hồng thấy lo. Bọn trẻ bây giờ chịu quá nhiều áp lực học hành, bảo sao mà số lượng trẻ bị bệnh dạ dày, cận thị, loạn thị... ngày càng tăng. Ngay ở nhà Hồng, con đã đi học bán trú cả ngày nhưng tối nào về cũng là một "cuộc chiến". Quy định của Bộ, của Sở Giáo dục và Đào tạo là bậc tiểu học không được giao bài về nhà. Nhưng hôm họp phụ huynh, cô giáo hỏi ý kiến thì phụ huynh nào cũng đề nghị cô giao bài, bởi nếu không có "khoán định mức" của cô giáo thì về nhà bọn trẻ nhất định sẽ không chịu ngồi vào bàn học. Thế là cô giao bài theo từng tuần. Về nhà, cứ cơm tối xong một lát là Hồng gọi con vào bàn học. Thằng bé đang tuổi ăn tuổi chơi nên lần nào cũng khất lần: "Mẹ chờ con một lát", "Mẹ cho con chơi thêm một tý thôi"... "Không được, nếu con không học thì mẹ con mình phải ngồi đến 12 giờ đêm đấy. Việc chỉ có ngần ấy, xong sớm thì nghỉ sớm con ạ". Và hễ con cứ ngồi vào học được một lát là y như rằng nhà cửa lại ầm ĩ lên. Hồng vốn là người nóng tính, hướng dẫn một lúc mà thằng bé vẫn không hiểu là y như rằng cô quát tháo ầm ầm. Mỗi lần mẹ nổi cơn thịnh nộ là thằng bé lại nước mắt ngắn, nước mắt dài. Phải mươi, mười lăm phút sau việc học mới ổn định trở lại. Mỗi tối cũng phải vài trận dậm dọa, quát nạt như thế. Thời gian đầu chứng kiến cảnh mẹ con Hồng mắng mỏ, khóc lóc, chồng Hồng sốt ruột quá cũng "ra tay". Nhưng anh chỉ ngồi vào dạy con học được một lát thì cũng không giữ nổi bình tĩnh. Được vài lần như thế, anh mặc kệ để mẹ con Hồng muốn làm gì thì làm. Có lần mẹ đẻ Hồng đến chơi, chứng kiến cảnh ấy, bà đã khuyên: "Vừa phải thôi con ạ. Thằng bé đã đi học cả ngày ở trường rồi. Thứ bảy, chủ nhật lại bắt nó đi học thêm. Đến cái máy còn có lúc phải nghỉ nữa là con người. Nếu con cứ ép cháu quá, nó sẽ sợ học, học không hiệu quả đâu". Nhưng Hồng vẫn giữ quan điểm vì nếu không ép con học, con sẽ bị thua kém, không theo nổi bạn bè. Mà không có kết quả tốt ngay từ bây giờ thì đến lúc xét tuyển vào trường THCS, con sẽ bị dạt ra những trường kém hơn.

Hồng cảm thấy "cuộc chiến" này cũng bình thường bởi nó không chỉ diễn ra ở nhà Hồng mà các nhà khác cũng vậy. Cô bạn đồng nghiệp cùng phòng mới đây còn than: "Có lẽ em phải thuê gia sư cho con thôi chị ạ. Em không thể dạy nổi nó nữa". "Gớm, cháu mới học lớp 1 làm gì đã đến mức không dạy được. Mà ai chịu nhận làm gia sư cho trẻ lớp 1", Hồng góp ý. Một chị đồng nghiệp khác lại bảo: "Hay hết giờ học, em gửi con đến nhà cô nhờ cô kèm cặp cho. Khối nhà cũng làm thế". Có nhà vì không có người trông con nên sau khi tan học lại tìm lớp UCMAS hoặc tiếng Anh để vừa gửi con, vừa bổ trợ thêm kiến thức. Ở những nhà có con học THCS hoặc THPT, các bậc phụ huynh thường "chạy sô" để kịp đưa đón con đến các lớp học thêm buổi tối, ngày cuối tuần. Những dịp cuối tuần hoặc nhà có đám giỗ, đám cưới lẽ ra là dịp cho con trẻ về quê thăm quê, thăm họ hàng nhưng ở gia đình Hồng chỉ thấy bọn trẻ lau nhau đang học mầm non, hiếm khi thấy mặt các cháu lớn hơn. Hỏi ra thì con nhà nào cũng bận đi học thêm.

Cũng may con nhà Trang chỉ bị rối loạn tiêu hóa. Nhưng bác sĩ cũng khuyến cáo Trang phải giảm bớt áp lực học hành cho con. Bởi nếu cứ duy trì lịch học kín đặc, trẻ vừa ăn uống xong, không được nghỉ ngơi gì đã bắt phải ngồi vào bàn học hoặc đưa ngay đến các lớp học thêm thì việc mắc bệnh này, bệnh kia chỉ là chuyện sớm hay muộn. Hồng nghe xong thấy mừng cho bạn. Cô cũng thở phào vì cũng may con mình chưa vấn đề gì. Chuyện của nhà Trang sẽ là bài học cho cô. Cô tự nghĩ nhất định sẽ phải điều chỉnh lại việc dạy con, không thể biến việc học thành một "cuộc chiến" bởi hậu quả chắc chắn rất khó lường.

HƯƠNG GIANG