Lấy chồng không phải làm dâu

Đời sống - Ngày đăng : 16:40, 24/10/2016

Chị là con gái thành phố, nhà lại có điều kiện kinh tế. Còn anh là trai nhà quê, vừa đông anh em vừa thiếu thốn đủ đường.



Khi yêu, thi thoảng chị cũng bắt taxi về quê anh xa cả trăm cây số cho biết cửa biết nhà nhưng chị chỉ đi trong ngày. Chị không muốn ngủ lại, phần vì giữ ý, phần vì chị thấy nhà anh chật chội, bất tiện, cái gì cũng thiếu. Bố mẹ anh rất quý người nhưng nhìn cái cách sinh hoạt “nhà quê” của họ thì chị không thể nào quen được. Vì vậy trước khi lấy anh chị có một điều kiện: “Em chỉ về quê khi có công có việc thôi đấy nhé”. Anh đang đắm chìm trong hạnh phúc nên điều kiện của chị, anh coi là “chuyện nhỏ”.

Hai năm đầu anh chấp nhận ở rể vì nhà chị rộng rãi, vì vợ chồng mới cưới cần tiết kiệm khoản nọ khoản kia để chuẩn bị cho tương lai. Trong hai năm ấy, số lần chị theo anh về quê thăm bố mẹ chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị có hàng tá lý do để nhắn với bố mẹ chồng qua anh: rằng chị mang bầu, tránh đi lại xa xôi sợ động thai, rằng công việc ở cơ quan của chị ngập đầu… Nhiều khi ở quê có công to việc lớn như cưới hỏi, giỗ, Tết, cũng chỉ mình anh đại diện. Họ hàng hỏi anh vì sao chị không có mặt, anh chỉ biết cười trừ: “Cô ấy bận lắm”.

Khi em trai chị lấy vợ, chị lại chuẩn bị sinh con, anh quyết định mua một căn hộ chung cư nho nhỏ để vợ chồng có chỗ chui ra chui vào cho thoải mái, không lo đụng chạm. Bố mẹ chị cho hai phần, còn một phần thì do anh chị tiết kiệm, vay mượn bạn bè. Bố mẹ anh chắt bóp bao năm, để dành được vài chỉ vàng cũng đưa anh hết. Biết thế, chị dửng dưng vì vài chỉ vàng với chị thì có đáng là bao.

Chị sinh con, mẹ chồng khăn gói lặn lội từ quê lên chăm cháu nhưng chị không ưng vì bà chẳng biết sử dụng máy móc trong nhà. Đến pha sữa cho cháu bà cũng không biết pha đúng công thức. Chỉ còn mỗi việc bế cháu, chị cũng không khiến mẹ chồng vì chị sợ con chị bện hơi bà, sau này khó dứt ra được. Chị thuê người giúp việc nên mẹ chồng không phải đụng vào việc gì hết. Ăn không ngồi rồi trong bốn bức tường ở thành phố chẳng khác nào ngồi tù trong khi ở quê thì trăm thứ việc không tên nên mẹ chồng chị khăn gói về luôn. Chị sinh đứa thứ hai, bà cũng không lên nữa. Chị cảm thấy cuộc sống của mình thật là dễ chịu vì không bị bố mẹ chồng xét nét, khỏi phải giữ ý giữ tứ, thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm... Có lẽ cũng vì thế mà chị sống tuềnh toàng, đơn giản, nhiều khi vô tâm. Những việc đối nội đối ngoại, răn dạy con cái từ lời ăn tiếng nói, anh đều phải ra tay. Lựa lúc vui vẻ nhất, anh góp ý với vợ: “Em chẳng khác nào người đàn bà chưa lớn, đáng lẽ phải để em sống cùng bố mẹ chồng, phải làm dâu thì em mới trưởng thành lên được”. Chị nguýt anh: “Không bao giờ!”

Thi thoảng, bạn bè, đồng nghiệp đến chơi, ai cũng khen chị “sướng” vì “lấy chồng mà không phải làm dâu”. Chị hồn nhiên: “Xã hội hiện đại rồi, có như thời phong kiến đâu, chẳng gì quý bằng độc lập tự do. Ai bảo bổn phận của con dâu là phải chăm sóc bố mẹ chồng nào?”. Mấy đồng nghiệp của chị thi nhau chia sẻ: “Mình không ở gần bố mẹ chồng nhưng tháng nào cũng về thăm và biếu tiền để các cụ tiêu vặt đấy. Người già ai chả thích được quan tâm”. “Còn mình, không về được thường xuyên thì gọi điện, cho bọn trẻ nói chuyện với ông bà. Mỗi năm cũng đón ông bà lên thành phố nghỉ ngơi được vài tuần”…Không biết chị có nhìn lại bản thân mình không nhưng chị kết luận: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Vừa rồi, mẹ chồng chị bị bệnh nặng, phải chuyển lên tuyến trên để điều trị lâu dài. Bố chồng và các em chồng thì quanh năm chỉ ở trong lũy tre làng nên thành phố đối với họ rất lạ nước lạ cái. Từ nhà chị ra bệnh viện cũng không xa nên mọi việc chăm sóc mẹ, anh lo liệu hết. Anh như muốn bù đắp những ngày không được ở gần mẹ nên chị để mặc anh làm cho anh được thoải mái. Anh xin nghỉ phép, hằng ngày nấu cháo mang đến bệnh viện, kiên nhẫn đút từng thìa cho mẹ. Thay giặt, tắm rửa cho mẹ anh cũng không nề hà khiến những bệnh nhân cùng phòng cứ xuýt xoa khen ngợi.

Chị dẫn hai cậu con trai vào thăm bà, thằng lớn rất chững chạc: “Bố mệt thì để đêm nay con sẽ trông bà thay cho”. Thằng bé cũng tranh giành: “Đêm mai đến lượt em”. Mẹ chồng chị mừng chảy nước mắt, nói với bà bạn ở giường bên: “Đúng là máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đấy bà ạ!”. Bà kia nhìn chị rồi bâng quơ: “Các cụ nói không sai, quả là chân trước bước đâu thì chân sau bước theo đấy”. Chị thoáng đỏ mặt và quyết định rất nhanh: “Anh và các con về nghỉ đi, đêm nay em sẽ ngủ lại với mẹ”. Anh mỉm cười nhìn chị bao dung và gật đầu đồng ý.

TRẦN THỊ LÀNH