Cần sửa triệt để Bộ luật Hình sự 2015
Tin tức - Ngày đăng : 09:19, 27/10/2016
Ngày 26-10, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận): Bộ luật Hình sự 2015 phải bảo đảm được tính răn đe, phòng ngừa,
ngăn chặn loại tội phạm trẻ vị thành niên đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhấn mạnh đây là một đạo luật quan trọng, nếu để xảy ra sai sót sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Đại biểu Xuân nêu quan điểm thống nhất với ý kiến thứ 2 được nêu trong tờ trình của Chính phủ là cần khắc phục tối đa các sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Đại biểu Xuân nhấn mạnh việc sửa đổi bộ luật phải thận trọng, tránh tình trạng sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn còn những sai sót, bất cập, không áp dụng được trong thực tế.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) có quan điểm không nên chỉ xem xét sửa đổi trong phạm vi 141 điều vì thực tế qua rà soát sẽ phát sinh thêm những điều khác, có liên quan với nhau cần phải sửa đổi. Đại biểu Cương nêu quan điểm nên thực hiện theo nguyên tắc loại bỏ hết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Bộ luật Hình sự sau khi ban hành.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn về việc bỏ quy định xử lý hình sự người đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm một số tội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết đề nghị xem xét lại quy định không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134), tội hiếp dâm (điều 139) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169) thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng. “Thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi gây ra có xu hướng gia tăng…”, ông Tuyết cho biết. Ông Tuyết đề nghị cần xử lý hình sự những tội trên để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lên tiếng: “Nếu nhân đạo với người phạm tội thì không nhân đạo với người bị hại. Thời gian qua có nhiều vụ gây thương tích rất nghiêm trọng, trong đó trẻ vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng, nhiều vụ có tính chất phức tạp, mức độ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại”. Đại biểu Phúc đề nghị quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 phải bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm bởi tội phạm trong thanh thiếu niên đang ở mức báo động như hiện nay.
Chia sẻ những lo lắng của các đại biểu nhưng đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lại nghĩ khác. Đại biểu Tám cho rằng quan điểm nhân đạo trong xử lý tội phạm vị thành niên đã thể hiện nhất quán trong quá trình xây dựng pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và các công ước mà Việt Nam tham gia. Đại biểu Tám nhất trí với quy định không xử lý hình sự đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến người khác, tội hiếp dâm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. “Chỉ quy định trách nhiệm hình sự của đối tượng này trong trường hợp một số tội rất nghiêm trọng do cố ý và phạm tội, tội đặc biệt nghiêm trọng. Phải tăng cường các mức hình phạt khác, như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục… để ngăn ngừa các hành vi phạm tội”, đại biểu Tám nói.
Sáng 27-10, QH làm việc tại hội trường, nghe các tờ trình dự án Luật: Quản lý ngoại thương, Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Cuối giờ sáng và buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về các dự án Luật: Quản lý ngoại thương, Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
TTXVN-TT
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Xây dựng Luật về Hội trên tinh thần khơi dậy và phát huy tinh thần đại đoàn kết Hội ở Việt Nam đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài, mang đặc điểm truyền thống dân tộc, đó là sự kết nối những tấm lòng thân thiện, đoàn kết, yêu nước, thương nòi. Vì vậy, xây dựng luật cũng phải trên tinh thần văn hóa dân tộc, nghĩa là không được hoài nghi, do dự mà phải vững tin, tỏ rõ tinh thần khơi dậy và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều đó nên quán triệt không những trong luật mà trong từng điều lệ của các hội. Để phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nên đưa vào định nghĩa về hội tại điều 4: Hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân Việt Nam, cùng chung mục đích, hoạt động không vì lợi nhuận. Hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và vì lợi ích, hạnh phúc của dân tộc. Trong chính sách của Nhà nước quy định ở điều 7 nên đưa vào 2 chữ "tự do" như điều 25 của Hiến pháp năm 2013 đã nêu. Tại khoản 1, điều 7 nên bổ sung: Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tự do lập hội và tham gia hội của công dân Việt Nam. Vì tự do lập hội và tự do tham gia hội mới đầy đủ ý nghĩa của quyền này. Về đối tượng áp dụng, trong Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nên bao gồm các đầu mối Hội Liên hiệp thanh niên và Hội Sinh viên Việt Nam thì mới bao quát hết tổ chức của thế hệ trẻ. Để đáp ứng vai trò nòng cốt chính trị của các tổ chức nhân dân thì các tổ chức - chính trị xã hội cần sớm có đề án đổi mới tổ chức và hoạt động, làm đúng quy định theo tinh thần điều 9 và điều 10 của Hiến pháp năm 2013. Về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội ở điều 8, cần thêm một khoản là không hạn chế việc tham gia hội của cán bộ, công chức. Các hành vi bị cấm tại điều 9, khoản 1 cũng nên viết đầy đủ là việc cản trở hoặc ép buộc cá nhân thực hiện quyền lập hội và tham gia hội. Đại biểu BÙI MẬU QUÂN (Hải Dương): Có chế tài xử lý các hội, nhóm hoạt động không hợp pháp Xây dựng dự án Luật về Hội là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những vướng Tôi nhất trí với quy định các hội đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập và có thể gọi đây là các hội hợp pháp. Tuy nhiên, cần có quy định phân biệt rõ các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc thành lập hội và có hoạt động như hội mà không được cơ quan thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập và xác định đây là những hội lập trái phép hay hội bất hợp pháp. Thực tế hiện nay có rất nhiều hội, nhóm núp dưới danh nghĩa của các tổ chức xã hội dân sự, các câu lạc bộ xã hội nghề nghiệp, dân chủ nhân quyền... do các đối tượng chống đối chính trị thành lập để tập hợp các hội viên là những người tiêu cực trong xã hội để tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống đối, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các hội, nhóm này đều có sự móc nối, hướng lái chỉ đạo từ bên ngoài và tiếp nhận tài trợ từ bên ngoài để tiến hành các hoạt động chống đối. Đến nay có gần 100 loại hội nhóm thuộc dạng này, tuy nhiên công tác đấu tranh xử lý rất khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý. Nghị định 45 của Chính phủ chỉ điều chỉnh các hội thành lập hợp pháp có đăng ký còn các hội bất hợp pháp tự ý thành lập hoạt động như hội không có đăng ký không xin phép nhưng không có chế tài nào để xử lý. Vì vậy, dự thảo luật lần này cần khắc phục và điều chỉnh. Về quy định nguyên tắc tổ chức, nên bổ sung một quy định có tính nguyên tắc là các tổ chức, cá nhân thành lập, hoạt động như hội mà không đăng ký, không được cấp giấy phép là bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây chính là căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hội, cũng như góp phần hạn chế, vô hiệu hóa các hội, nhóm bất hợp pháp do các đối tượng phản động, chống đối thành lập và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. |