Hội chứng trầm cảm sau sinh

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:42, 29/10/2016

Những thay đổi về thể chất và tâm lý là những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều phụ nữ bị mắc chứng trầm cảm sau sinh...



Trang bị kiến thức chăm sóc con và sự quan tâm của người thân là liều thuốc tinh thần tốt nhất
giúp sản phụ phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Bệnh nặng mới điều trị


Khi đứa trẻ chào đời, cùng niềm vui được làm mẹ luôn là những lo âu, căng thẳng đi kèm. Lúc này, cuộc sống của sản phụ thay đổi hoàn toàn. Sự thay đổi này biểu hiện ở cơ thể và tâm lý. Sau sinh, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, từ vóc dáng đến nội tiết. Bên cạnh đó, cuộc sống sinh hoạt của họ bị đảo lộn khi phải thường xuyên thức đêm dỗ con, cho con bú. Những áp lực trên khiến nhiều bà mẹ thường rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, thèm ngủ và dễ cáu gắt. 

Sau 45 ngày kể từ khi sinh con, mọi người trong gia đình thấy chị Đỗ Thị H. ở xã Kim Tân (Kim Thành) có nhiều biểu hiện bất thường. Chị H. thường xuyên kêu mệt mỏi, ngủ không sâu giấc, hay bị giật mình. Chị luôn cảm thấy căng thẳng, lo sợ con mình không được quan tâm, chăm sóc. Sau đó, chị bắt đầu ngại giao tiếp với người thân trong gia đình, hay khóc lóc, than phiền, không kiểm soát được hành vi, ngôn ngữ, nhiều lúc thất thần, ủ rũ. Ban đầu, người thân nghĩ do chị H. thường xuyên thức đêm, không ngủ đủ giấc nên đã mua thuốc về cho chị H. uống. Tuy nhiên, dù uống thuốc nhưng suy nghĩ và hành động của chị H. ngày càng bất thường nên người thân mới đưa chị đến Bệnh viện Tâm thần Hải Dương khám. Tại đây, chị H. được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần và hành vi kết hợp với thời kỳ sinh đẻ hay còn gọi là trầm cảm sau sinh (TCSS). Phải trải qua hơn 1 tháng điều trị, chị H. mới được ra viện.

Bây giờ, nhiều lúc chị P.T.T.N ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cũng không muốn nhắc đến những gì chị vừa mới trải qua. Trước khi sinh đứa con thứ hai, chị N. đã lường trước sẽ gặp khó khăn, vất vả khi cùng lúc phải chăm sóc hai con nhỏ trong khi người chồng thường xuyên công tác xa nhà. Tuy nhiên, con chào đời, chị N. cũng không thể tránh được cú sốc. Chị chia sẻ: "Hằng ngày, hầu như chỉ có mình tôi xoay xở với đứa con nhỏ. Con hay quấy khóc, nên tôi thường xuyên phải thức khuya, giấc ngủ chập chờn, cứ khoảng 2 tiếng lại bị đứt đoạn. Trước đây, khi đi làm tôi thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với đồng nghiệp, bạn bè thì nay chỉ còn đứa con và 4 bức tường trong căn phòng chật hẹp. Bố mẹ chồng đi làm cả ngày nên thỉnh thoảng mới hỏi han vài câu. Không ti vi, không internet, không tiếp cận với thông tin, ít giao tiếp nên đã có lúc tôi cảm thấy bị cô lập với thế giới bên ngoài kèm theo sự hoang mang, bất an". Sau đó, chị N. thẳng thắn chia sẻ những gì mình đang trải qua với người chồng. Rất may, chồng chị đã ân cần, quan tâm chu đáo, cùng chị vượt qua những áp lực.

Những biểu hiện sau sinh như chị N. không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, không phải sản phụ và người thân nào cũng có thể nhận biết và hiểu rõ vấn đề này. Thậm chí, có những người thân không thông cảm mà còn cho rằng sản phụ nhõng nhẽo, ỷ lại...

Theo Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, những biểu hiện của bệnh TCSS thường dễ bị bỏ qua. Chỉ những trường hợp bệnh đã chuyển nặng như chị H. mới được đưa đến bệnh viện điều trị. Do bệnh nặng nên quá trình điều trị kéo dài và phức tạp hơn. Trên thực tế, nhiều khi chính sản phụ cũng không biết mình trải qua những dấu hiệu của căn bệnh TCSS. Việc nhận thức chưa đầy đủ về căn bệnh này tiềm ẩn khá nhiều mối nguy hại. Hải Dương chưa ghi nhận trường hợp nào tự tử do mắc bệnh TCSS, nhưng điều này đã xảy ra ở một số địa phương khác. Đây cũng là lời cảnh tỉnh để mọi người cần có nhận thức đúng về căn bệnh nguy hiểm này.

Cần sự quan tâm của người thân

Theo bác sĩ Vũ Đình Cảnh, Trưởng Khoa 3 (Bệnh viện Tâm thần Hải Dương), đến nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể về chứng bệnh TCSS. Những người phụ nữ thường mắc TCSS trong vòng 6 tuần tính từ thời điểm sinh. Những triệu chứng của căn bệnh này cũng không điển hình, người bệnh thường mệt mỏi, chán nản, ủ rũ không rõ lý do. Những biểu hiện này dễ bị bỏ qua khi người thân của sản phụ nghĩ đó là những mệt mỏi thông thường.

Nguyên nhân của TCSS là do thay đổi nội tiết và yếu tố tâm lý. Nhiều bà mẹ cảm thấy lo lắng, căng thẳng trong việc chăm sóc con trong khi lại thiếu sự giúp đỡ, chia sẻ của người thân. Những người phải đối mặt với áp lực đến từ công việc hoặc có những mâu thuẫn trong quá trình mang thai cũng có nguy cơ mắc TCSS cao hơn so với các sản phụ khác. TCSS dễ xuất hiện ở người sinh con đầu lòng nhưng cũng có thể xảy ra với người sinh con thứ hai trở đi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh thường chểnh mảng trong việc chăm sóc con cái, tâm trạng bất an và nguy hiểm nhất là có thể dẫn đến tự tử.

Các bác sĩ khuyến cáo khi sản phụ có những dấu hiệu của TCSS thì nên tìm gặp các bác sĩ càng sớm càng tốt. Sản phụ cần nói rõ những triệu chứng mà mình đang gặp phải để bác sĩ chẩn đoán chính xác. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, sản phụ rất cần sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của người thân từ giai đoạn mang thai và chăm sóc con sau sinh. Bản thân sản phụ phải tin tưởng vào chính mình, việc vượt qua nỗi đau sau khi vượt cạn cũng góp phần đẩy lùi căn bệnh TCSS. Đặc biệt, ngay trong quá trình mang thai, sản phụ cần được chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý và kiến thức để đón nhận, chăm sóc con.

HUYỀN TRANG