Sống với cha mẹ già

Đời sống - Ngày đăng : 16:12, 31/10/2016

Ngày Hằng quyết định lấy Quân, mẹ bảo: "Con vốn tính trẻ con, quen được bố mẹ nuông chiều nên chẳng biết làm gì cả, giờ về bên ấy lại ở cùng với bố mẹ chồng, mẹ lo lắm!".



Chị Hương lại nói: "Nó không biết làm gì mà ở riêng mới đáng lo. Chứ ở với bố mẹ chồng, tuy có cái khó riêng nhưng nếu ngoan ngoãn, đuợc ông bà quý thì tha hồ sướng mẹ ạ". "Thì đã đành, nhưng...".

Nghe mẹ và chị gái nói Hằng đâm lo. Nhất là khi mấy chị bạn đồng nghiệp ai cũng hô khẩu hiệu: "Tự do muôn năm". Chị Tâm, Trưởng phòng bảo: "Ở chung với bố mẹ chồng thì em cứ xác định từ đi đứng, ăn mặc, nói năng đều phải vào khuôn phép. Ngay cả việc nhỏ như nấu ăn thì thực đơn, cách chế biến, cách gia giảm gia vị... đều phải theo ý các cụ. Mình còn trẻ thường thích đồ xào, đồ hấp, lúc bận có thể tạt té qua hàng ăn sẵn rước về cho nhanh, miễn sao xong bữa. Ngày cuối tuần vợ chồng con cái thường đưa nhau ra nhà hàng ăn tươi. Nhưng các cụ lại chỉ thích món kho, món luộc và đặc biệt ghét đồ chế biến sẵn, đồ hộp. Các cụ cũng chẳng hứng thú chuyện đi ăn hàng. Người trẻ hay thức khuya để vào mạng, xem các game show trên truyền hình... Còn các cụ lại phải đi ngủ sớm bởi người già hay bị mất ngủ, có khi 3-4 giờ sáng đã chẳng thể ngủ được... Nói tóm lại em chuẩn bị học cách sống của người già đi là vừa". Chị Minh cũng thêm vào: "Lúc còn son rỗi thì chưa sao nhưng sau khi em sinh con thì sẽ biết ngay thôi. Các cụ nuôi con thế nào giờ nuôi cháu thế ấy. Các bà luôn mang bài học kinh nghiệm ngày xưa ra áp dụng. Nhưng có cái bây giờ cổ hủ lắm rồi, mình không làm theo được"...

Nghe các chị bàn tán mà Hằng thấy chóng cả mặt. Cô đã thử ngỏ ý với Quân xem hai đứa có ra ở riêng được không nhưng anh gạt phắt đi: "Trẻ cậy cha, già cậy con. Bố mẹ có mỗi mình anh là con trai, anh phải có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi già. Giờ mà mình ra ở riêng thì còn ra thể thống gì hả em?". Biết chẳng thể lay chuyển nổi Quân mà không lẽ lại bỏ anh chỉ vì lý do này nên Hằng đành tặc lưỡi: "Không thử sao biết mình có làm được hay không? Xung quanh mình cũng bao nhiêu người phụ nữ lấy chồng, phải làm dâu mà họ vẫn sống tốt đó thôi".

Thời gian đầu về làm dâu nhà Quân đúng là khó khăn với cô. Trước đây Hằng hay ngủ cố, sáng dậy cô chỉ kịp vệ sinh cá nhân, trang điểm rồi trên đường đi làm mới tranh thủ ghé quán ăn sáng. Hôm nào muộn quá thì mua hộp xôi, cái bánh mỳ là xong. Nhưng ở nhà Quân thì khác, bố mẹ chồng cô thường nấu ăn sáng. Mẹ chồng Hằng hay dậy sớm ra chợ gần nhà mua thịt, cá, rau, củ quả tươi dùng cho cả ngày, rồi về lách cách nấu bữa sáng cho chồng con. Hôm đầu, Hằng cũng để chuông báo thức sớm hơn bình thường 1 tiếng rưỡi để dậy cùng mẹ chồng làm bữa sáng. Cô vừa mắt nhắm, mắt mở vừa lẩm bẩm: "Tưởng chuyện này chỉ có với những cô dâu mới trong phim Nhật Bản, ai dè mình cũng vậy". Nhưng trái ngược với lo lắng của cô, thấy Hằng mắt nhắm mắt mở xuống nhà, mẹ chồng cô rất ngạc nhiên. Khi biết ý định của con dâu, bà cười xòa. Trên đường cùng đi chợ, mẹ chồng Hằng đã trò chuyện rất nhiều với cô. Bà bảo Hằng chỉ cần dậy sớm đi chợ với bà một ngày hôm nay thôi, còn từ mai cứ cố ngủ thêm một chút. Bà có tuổi rồi, hay mất ngủ nên dậy sớm, cứ để bà lo việc chợ búa. Buổi sáng, nếu cô có thời gian thì phụ bà một tay, còn nếu không cũng không cần quá câu nệ vì bà còn khỏe, giúp được các con việc gì hay việc đó.

Ngày Hằng sinh con đầu lòng, đúng vào dịp mẹ đẻ cô đang bị ốm mệt, chị Hương thì đang đi công tác nước ngoài nên mọi việc đều do một tay mẹ chồng cô đảm nhiệm. Nhìn bà cẩn thận lau rửa cho mình, tỉ mẩn, nhẹ nhàng chỉ sợ cô đau, Hằng chảy nước mắt. Người ta cứ bảo mẹ chồng con dâu "khác máu tanh lòng" nhưng hơn lúc nào hết, cô cảm thấy ơn mẹ chồng mình biết bao. Những ngày cô ở cữ, bà lật đật lo chợ búa, cơm nước, giặt giũ... Rảnh rang lúc nào bà lại lên phòng bế cháu và giục con dâu không nên ngồi nhiều, tranh thủ mà ngủ đi một chút không sau này về già sẽ khổ. Qua bàn tay chăm chút của bà nội, hai đứa con của Hằng cứ như ngan như ngỗng, vừa dễ nuôi, vừa khỏe mạnh, ít ốm vặt.

Bây giờ, thỉnh thoảng Quân vẫn trêu Hằng: "Hay là mình ra ở riêng em nhỉ?". Nhưng anh biết rõ ý nghĩ ấy đã tắt trong Hằng từ lâu. Cũng có chị ở cơ quan bảo bây giờ ông bà còn khỏe, mình còn được nhờ ông bà nên Hằng không cảm thấy ngại. Chứ ít năm nữa, khi các cụ yếu hơn, nay ốm mai đau, thậm chí không tự chủ được cả việc đại tiểu tiện liệu Hằng có đảm đương được không? Nghĩ đến những năm tháng sống chung cùng bố mẹ chồng, bao việc bố mẹ chồng đã làm cho mình, Hằng không còn thấy ngại quãng thời gian phía trước. Đó sẽ là cơ hội cho cô trả ơn bố mẹ. Với cô, đó không phải là nghĩa vụ mà là tình thân.    

KIM THANH