Xử lý nghiêm sai phạm trong đầu tư công
Tin tức - Ngày đăng : 09:05, 02/11/2016
Quốc hội thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 ...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn vào sự thật
để ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn đầu tư hiện nay. Ảnh: TTXVN
Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn
Nhiều đại biểu đồng ý với báo cáo đánh giá của Chính phủ, cho rằng Chính phủ đã đánh giá thẳng thắn, đầy đủ về huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, đầu tư công giai đoạn 2011-2015. Trong đó chỉ rõ: nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, việc chấp hành các quy định về đầu tư công một số nơi chưa nghiêm, quyết định đầu tư nhưng không tính toán khả năng vốn, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, chưa khắc phục được tình trạng dự án chuẩn bị sơ sài, phê duyệt hình thức, phải bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian làm thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư. Báo cáo đã chỉ ra nguyên nhân buông lỏng quản lý, chấp hành không nghiêm quy định về đầu tư công.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng đánh giá như trên là thẳng thắn, nhìn vào sự thật nhưng lại thiếu đi phần rất quan trọng là thực tế có bao nhiêu dự án đầu tư mang lại hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, nguyên nhân, giải pháp quản lý. Có như vậy mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học, hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư hiện nay. Nêu ra 5 dự án đội vốn gồm gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học của Dung Quất, xơ sợi Đình Vũ đã làm mất trên 30.000 tỷ đồng; trong đó gang thép Thái Nguyên dự kiến đầu tư 3.800 tỷ đồng tăng lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần, đại biểu Phương chỉ ra rằng kiểu báo cáo và thẩm tra như trên là "bắn chỉ thiên", cái chung chỉ ra được, nhưng cái cụ thể trong thất thoát vốn đầu tư lãng phí, trách nhiệm tổ chức, cá nhân lại không chỉ ra được và không tạo được bước đột phá làm chuyển biến nhận thức trong quản lý vốn đầu tư thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng việc Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 sẽ giúp các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện chủ động hơn, hạn chế cơ chế "xin - cho" và chồng chéo giữa các nguồn lực. Tuy nhiên, theo đại biểu Bé, việc phân bổ theo kế hoạch này chưa bám sát quan điểm, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư đã nêu trong báo cáo. Còn nhiều công trình, dự án được xác định là cấp bách, trọng điểm chưa đưa vào kế hoạch. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, QH ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, thủy lợi để cứu đồng bằng sông Cửu Long, cũng là cứu vùng lúa trọng điểm của cả nước. Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, QH quyết định hướng tiêu chí, nguyên tắc phân bổ, còn dự án, chi phí đầu tư nên giao Ủy ban Thường vụ QH hoặc Chính phủ quy định.
Về danh mục đầu tư, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo rõ dự kiến phân bổ vốn cho các dự án, trong đó xác định rõ các dự án, công trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, ODA, để các dự án này phải góp phần tái cơ cấu nền kinh tế; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, xử lý nghiêm sai phạm trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư, khắc phục triệt để những hạn chế thời gian qua.
Làm rõ về nợ công đang tăng nhanh, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Nguyên nhân chính là tăng trưởng kinh tế không đạt dự kiến, trong khi về chi thì lại giữ mức chi theo tốc độ tăng trưởng kinh tế Chính phủ trình QH. Đại hội Đảng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao ở mức 7-7,5%, sau đó Chính phủ điều chỉnh còn 6,5-7% và thực tế đạt chỉ 5,91% trung bình trong 5 năm qua". Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong khi tăng trưởng kinh tế không như dự kiến thì các khoản chi lại giữ nguyên. Vì thế chi thường xuyên tăng nhanh lên tới 67,8% tổng chi năm 2015. Tương tự, tỷ lệ bội chi cho đầu tư phát triển tăng lên tới 1.027 triệu tỷ đồng, từ mức dự toán 872.000 tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm qua.
Giải trình thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề khó vì nhu cầu lớn, các nhiệm vụ, mục tiêu nhiều và đều để thực hiện các nghị quyết của QH, Trung ương và Chính phủ, phù hợp với kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, trong khi khả năng về ngân sách hạn hẹp, khả năng huy động nguồn lực khó khăn. Từ trước đến nay đang tồn tại hai quan điểm mâu thuẫn và đi ngược chiều với nhau, đó là cần tập trung đầu tư ưu tiên cho một số ngành, lĩnh vực để thúc đẩy phát triển nhanh hơn, đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhanh hơn. Tuy nhiên, tại các địa phương đang có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn cũng cần phải có sự quan tâm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương.
Thành phố lớn lo bị cắt giảm ngân sách
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách năm 2016 và phương án ngân sách năm 2017.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục kiến nghị QH xem xét tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020. Đại biểu Tâm cho biết TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Trung ương cho phép được thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị trong đó có nội dung giữ nguyên hoặc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh để phát triển. “Chúng tôi đồng ý giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách để chia sẻ khó khăn ngân sách nhưng đề nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ quan tâm xem xét lại tỷ lệ này", đại biểu Tâm đề nghị.
Cụ thể hơn, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) đề nghị nếu điều tiết thì chỉ nên giảm từ 23% hiện nay xuống còn 18% thay vì 17% như đề xuất của Chính phủ trước đó. Đại biểu Tuyết cho rằng TP Hồ Chí Minh còn phải thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, phải bảo đảm cho lao động, người dân từ các nơi khác về thành phố làm ăn, học tập, chữa bệnh nên cần có nguồn lực để bảo đảm những nhiệm vụ này. “Nếu bị cắt giảm đột ngột, thành phố không thể nào giải quyết được các vấn đề đang tồn tại hiện nay như kẹt xe, ngập úng, bệnh viện quá tải”, đại biểu Tuyết nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Quang (TP Đà Nẵng) cũng đề nghị QH xem xét lại tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đà Nẵng; đồng thời xem xét lại nhiệm vụ thu ngân sách giao cho Đà Nẵng. “Mức giao dự toán ngân sách 2017 cho Đà Nẵng gấp đôi so với bình quân cả nước. Điều này là không phù hợp với Đà Nẵng và có thể khiến Đà Nẵng phải tăng thu đối với doanh nghiệp và người dân”, đại biểu Quang nói. Theo ông Quang như vậy là thành phố sẽ bị dồn cho rất nhiều khó khăn.
Ngày 2-11, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
TTXVN-TT