An Thanh mất mùa rươi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:20, 03/11/2016

Xã An Thanh (Tứ Kỳ) có hơn 100 ha đất bãi, trong đó có hơn 80 ha cho khai thác rươi, là một trong những xã có diện tích khai thác rươi lớn trong tỉnh.



Nhiều người dân xã An Thanh lo lắng vì số lượng rươi đã giảm đi nhiều

Theo nhiều hộ dân ở đây, năm nay sản lượng rươi thu được giảm rõ rệt so với nhiều năm trước. Ông Phạm Xuân Thưởng ở thôn Thanh Kỳ cho biết: "Tôi có 7 mẫu ruộng rươi. Những năm trước có thời điểm tôi thu đến gần 1 tấn rươi, nhưng mấy năm nay thì càng ngày càng giảm. Năm kia tôi thu được hơn 7 tạ, năm ngoái chỉ thu được hơn 5 tạ. Đầu vụ này tôi mới thu được khoảng 50 kg rươi ".

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ tại đây. Ông Phạm Văn Ngợi ở thôn An Lao có 3,5 mẫu ruộng khai thác rươi, vụ này ông mới thu được trên 40 kg, giảm gần một nửa so với đầu vụ năm trước. Giá rươi đầu mùa năm nay khá cao, từ 500.000 - 550.000 đồng/kg, tăng từ 50.000 - 100.000 đồng/kg so với mức giá trung bình của năm ngoái. Vì sản lượng thấp nên chúng tôi thu đến đâu, thương lái mua hết đến đó. Nhiều hôm thương lái phải đặt trước mới có", ông Ngợi nói. Cũng như ông Thưởng, ông Ngợi, anh Vũ Văn Hời ở thôn An Lao nhận xét: "Năm nay số lỗ rươi giảm khoảng 80% so với năm ngoái. Nhìn số lỗ rươi là biết mất mùa".

Sản lượng rươi thu được ngày càng giảm trong khi chi phí đầu tư khá cao khiến không ít người "đau đầu". “Hiện nay, chi phí đầu tư cho mỗi mẫu nuôi rươi từ 300 - 350 triệu đồng (san đất, hút bùn, đầu tư các cống tiêu thoát nước, đắp bờ vùng…). Trước kia chỉ 2 - 3 vụ rươi được mùa là chúng tôi đã thu hồi vốn, giờ thời gian thu hồi vốn lâu hơn", anh Phạm Văn Huỳnh ở thôn An Định cho biết.

Ông Phạm Văn Rồng, Phó Chủ tịch UBND xã An Thanh khẳng định: "Theo ước tính, một nửa số hộ nuôi rươi toàn xã có sản lượng thấp hơn năm ngoái. Chúng tôi phỏng đoán là do nguồn nước sông bị ô nhiễm nên rươi ít thức ăn”.

Tiến sĩ Phạm Đình Trọng (Viện Sinh thái và Môi trường nhiệt đới) là chủ nhiệm đề tài khoa học "Nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi rươi và phát triển nghề khai thác rươi dựa vào cộng đồng ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương" thực hiện từ năm 2016 đến năm 2018. Ông Trọng đánh giá: “Sản lượng rươi giảm đi hằng năm do nhiều nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, lượng thức ăn trong tự nhiên ít đi và kỹ thuật canh tác còn hạn chế. Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã phát hiện số lượng các loài thực vật phù du tại các cửa sông lớn đã giảm đi đáng kể so với kết quả nghiên cứu những năm trước. Cụ thể, năm 2012, tại cửa các sông ở khu vực huyện Thanh Hà có 47 loài thực vật nổi, đến năm 2016 giảm còn 19 loài; tương tự ở huyện Tứ Kỳ từ 95 loài giảm còn 26 loài; Kinh Môn từ 108 loài giảm còn 23 loài, Kim Thành từ 45 loài giảm còn 19 loài".

Nhiều người dân ở đây đã phản ánh từ khi có nhà máy sản xuất thú bông ở xã Cộng Lạc,  lượng rươi giảm đi đáng kể.

VIỆT QUỲNH