10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 3-11

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 20:42, 03/11/2016

Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về; Hội nghị Kinh tế đối ngoại - 2016... là những sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 3-11.




Ngày 3-11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017, đó là sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, song hiệu quả quản lý nhà nước lại không cao, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.  Trong ảnh: Toàn cảnh phiên họp ngày 3-11. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN



Ngày 3-11, tại TP Hồ Chí Minh, khai mạc Hội nghị Kinh tế đối ngoại - 2016 (VietNam Summit 2016) với chủ đề “Ra khơi thuận buồm xuôi gió” do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tạp chí Economist (Vương quốc Anh) tổ chức. Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đến dự và giao lưu với hơn 250 doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giao lưu với doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN



Ngày 3-11, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), đã diễn ra hội nghị sơ kết thực hiện bản ghi nhớ “Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang với Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia tỉnh Kandal và tỉnh Takeo (Campuchia) giai đoạn 2015-2016 và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh An Giang với tỉnh Kandal và tỉnh Takeo (Campuchia) năm 2017. Trong ảnh: Lễ ký kết bản ghi nhớ “Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang với Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia tỉnh Kandal năm 2017. Ảnh: Công Mạo-TTXVN



Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học giữa các trường đại học châu Âu và Việt Nam, ngày 3-11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ sở nước ngoài tổ chức Diễn đàn Giáo dục đại học Việt Nam - châu Âu. Tham gia có gần 80 cơ sở đào tạo đại học trong và ngoài nước cùng một số Đại sứ quán và cơ quan Chính phủ quốc tế. Trong ảnh: Quang cảnh Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam - châu Âu. Ảnh: Quý Trung – TTXVN



Đến trưa 3-11, mưa lũ ở Bình Định đã làm ngập lụt 1.211 nhà, 42 hộ phải di dời khẩn cấp; 1.324 ha lúa và 24 ha cây hoa màu bị ngập; 3.550 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi, 128 đập tạm và đập bồi bị cuốn trôi, 12km đường giao thông bị sạt lở; nhiều tuyến đường bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt. Trong ảnh: Đường đi qua dân cư Nhơn Phú, nối với TP Quy Nhơn bị ngập sâu. Ảnh: Viết Ý-TTXVN



Ngày 2-11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chứng kiến sự kiện 17 ngư dân Việt Nam được nhà chức trách Philippines trả tự do tại tỉnh Sual, phía bắc thủ đô Manila. Các ngư dân trên 3 tàu cá này bị nhà chức trách chính quyền Manila bắt giữ với cáo buộc đánh bắt trái phép tại vùng biển ngoài khơi Vigan thuộc tỉnh miền tây bắc Ilocos Sur hôm 8-9 vừa qua. Trước đó, ngày 30-10, Tổng thống Rodrigo Duterte đã chỉ thị trả tự do cho các ngư dân Việt Nam để thể hiện "thiện chí của Philippines" sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo này tới Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua. Trong ảnh: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ ba, phải) trò chuyện với các ngư dân Việt Nam tại thị trấn Sual ngày 2-11. Ảnh: AP/TTXVN



Ngày 2-11, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,25-0,5% trong quyết định chính sách cuối cùng của cơ quan này trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức (8-11). Thông báo của FED sau hai ngày nhóm họp khẳng định kinh tế Mỹ đã có đà và tỉ lệ tăng trưởng việc làm dược duy trì vững chắc, đồng thời bày tỏ lạc quan hơn về việc tỉ lệ lạm phát sẽ đạt mục tiêu tăng 2% trong năm nay. Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu cho thấy FED có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm nay vào giữa tháng 12 tới. Trong ảnh: Chủ tịch FED Janet Yellen trong phiên điều trần tại Ủy ban Dịch vụ tài chính Thượng viện Mỹ ở thủ đô Washington ngày 28-9. Ảnh: THX/TTXVN



Ngày 2-11, Hạ viện (Duma Quốc gia) Nga đã thông qua một thỏa thuận thành lập nhóm các lực lượng chung Nga - Abkhazia. Văn kiện này được Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình trước đó. Thỏa thuận trên xác định mục tiêu, thủ tục thành lập, triển khai và vận hành nhóm chung giữa các lực lượng vũ trang Nga và Abkhazia, được ký tại Moskva ngày 21-11-2015. Mục đích thành lập nhóm này là "ứng phó phù hợp với một cuộc tấn công vũ trang cũng như các mối đe dọa an ninh khác do bất kỳ bên nào đặt ra". Trong ảnh (tư liệu): Toàn cảnh phiên họp Duma Quốc gia Nga tại Moskva ngày 5-10. Ảnh: EPA/TTXVN



Ngày 3-11, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chỉ định Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết dân tộc Han Gwang-ok làm Chánh văn phòng và chính trị gia Hur Won-je làm thư ký cao cấp của tổng thống phụ trách các vấn đề chính trị.  Đây là những thay đổi mới nhất trong đội ngũ ban thư ký của Tổng thống Park, được xem là nhằm xoa dịu những chỉ trích về vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân của bà. Trong khi đó, cựu thư ký của Tổng thống Park phụ trách vấn đề điều phối chính sách, ông An Jong-beom, đã bị tạm giam khẩn cấp tối 2-11 do liên quan tới việc thành lập các quỹ phi lợi nhuận của bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Park và cũng là nhân vật chính của vụ bê bối chính trị. Trong ảnh (tư liệu): Ông Han Gwang-ok (phải) và Tổng thống Park Geun-hye (trái) tại Seoul tháng 7-2013. Ảnh: YONHAP/TTXVN



Ngày 3-11, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông và nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi đã nhất trí hợp tác trong các nỗ lực chấm dứt xung đột sắc tộc tại quốc gia Đông Nam Á này. Đề cập đến những tin tức mới đây về các vụ tấn công thảm khốc do quân nổi dậy tiến hành nhằm vào các đồn biên phòng tại bang Rakhine (Myanmar), ông Kishida đã nói với bà San Suu Kyi rằng: "Bất cứ hình thức bạo lực nào cũng không thể được dung thứ, và tôi hoan nghênh những nỗ lực vì hòa bình và ổn định của bang Rakhine". Trong ảnh: Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và bà Aung San Suu Kyi tại cuộc gặp ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN