Thiếu đồng bộ trong cơ giới hóa nông nghiệp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:49, 07/11/2016
Cơ giới hóa trong sản xuất là giải pháp hàng đầu để tháo gỡ những nút thắt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, việc này còn chậm và bộc lộ một số hạn chế.
Cơ giới hóa nông nghiệp vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa nâng cao năng suất, chất lượng nông sản
Vừa thừa, vừa thiếu
Sản xuất nông nghiệp là một chuỗi các quy trình đòi hỏi nhiều công sức, thời gian. Việc cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất sẽ giảm áp lực về lao động, thời vụ, tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Dù vậy, trên thực tế việc áp dụng CGH vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Những năm qua, nông dân trong tỉnh đã tích cực đưa máy móc vào sản xuất để thay thế cho lao động thủ công, nhất là những khâu nặng nhọc. Ở lĩnh vực trồng trọt, người dân chủ động sử dụng máy làm đất, máy gặt, máy cấy... Đến nay, tỷ lệ làm đất bằng máy đạt hơn 70%; vận tải nông thôn đạt 50%; diện tích lúa được thu hoạch bằng máy đạt hơn 70%; tỷ lệ xay xát bằng máy đạt 99%. Tuy nhiên, việc CGH lại không đồng bộ giữa các khâu. Hiện nông dân mới chỉ tiếp cận máy móc ở khâu làm đất, thu hoạch mà bỏ ngỏ khâu quan trọng nhất, quyết định lớn tới chất lượng sản phẩm là bảo quản. Hơn nữa việc CGH chủ yếu tập trung nhiều vào cây lúa, còn thâm canh rau màu mới chỉ dừng lại ở khâu làm đất. Việc CGH trong sản xuất lúa cũng còn nhiều hạn chế. Toàn tỉnh có hơn 850 máy gặt đập liên hợp nhưng phân bổ không đều giữa các địa phương. Trong khi đó máy cấy cỡ lớn chỉ có 7 chiếc, mặc dù đây là công đoạn vất vả và mất nhiều thời gian.
Các loại máy móc phục vụ trồng trọt chủ yếu là công suất nhỏ, hiệu suất hoạt động thấp. Phương tiện vận chuyển đa phần vẫn là công nông, xe tự chế, không được kiểm định về chất lượng nên dễ hỏng hóc, gây mất an toàn giao thông. Trong chăn nuôi, các hộ cũng chủ động trang bị máy móc để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả. Nhiều trang trại lớn sử dụng máy thái rau, máy trộn thức ăn, đầu tư thiết bị thông gió hay máy sục khí cho các ao nuôi thủy sản.
|
Việc CGH vẫn còn mang tính tự phát, chưa có định hướng cụ thể, rõ ràng. Sau khi địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa, gia đình ông Phạm Quang Ảnh ở thôn Phù Nội, xã Hùng Sơn (Thanh Miện) đã đầu tư gần 800 triệu đồng để mua 2 máy làm đất, 1 máy gặt phục vụ gia đình và làm dịch vụ. Ông Ảnh cho biết: "Lúc đầu, tôi làm ăn rất thuận lợi, nhưng sau đó thì lại gặp khó vì cạnh tranh cao. Thấy hiệu quả nên mọi người ồ ạt mua máy gặt. Để không bị thua lỗ, tôi phải mang máy sang tận Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh làm thêm. Tôi vừa phải bán máy gặt và đang tìm hiểu mua máy cấy bởi máy gặt thừa nhiều mà máy cấy thì chỉ đếm trên đầu ngón tay".
Phải đồng đều giữa các khâu
Việc chỉ đáp ứng được vài khâu trong sản xuất là bất cập lớn nhất của việc CGH hiện nay, nhất là trong trồng trọt. Sau khi dồn điền, đổi thửa, diện tích ruộng được gộp vào tăng gấp 2 lần nhưng vẫn còn manh mún nên khó đưa máy móc công suất lớn vào hoạt động. Sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ theo từng hộ cũng là cản trở lớn trong áp dụng CGH. Mặt khác, để mua một loại máy móc nông nghiệp cần nguồn vốn lớn trong khi cơ chế hỗ trợ chưa nhiều nên người dân vẫn còn dè chừng, không mạo hiểm đầu tư. Lực lượng lao động nông nghiệp đông nhưng số nông dân có hiểu biết để có thể điều khiển máy móc còn ít và đa số đều không được đào tạo bài bản, chuyên sâu nên sẽ lúng túng nếu như xảy ra sự cố. Vì vậy, để có thể thực hiện CGH trong sản xuất đồng bộ, nhịp nhàng, cần phải có giải pháp toàn diện.
Trước hết, cơ quan chuyên môn cần phải có định hướng rõ ràng về CGH theo từng vùng, từng địa phương để tư vấn cho nông dân chọn lựa loại máy móc phù hợp, tránh tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu. Đồng thời phải có lộ trình, giới hạn cụ thể cho từng loại máy, không để cung vượt cầu. Về lâu dài, phải tổ chức lại sản xuất, từng bước đồng bộ hóa và khép kín quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để thu hút và khai thác nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp.
Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, CGH trong sản xuất nông nghiệp là động lực thúc đẩy tái cơ cấu ngành. Thực hiện CGH sẽ giảm thiểu rủi ro, thất thoát trong sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Mặc dù vậy, nếu CGH không đúng hướng cũng sẽ gây thiệt hại lớn. Do đó, CGH phải phù hợp với yêu cầu của sản xuất và phải đồng đều giữa các khâu.
DŨNG CƯỜNG