Khổ vì sự cưng chiều
Đời sống - Ngày đăng : 11:03, 07/11/2016
Lấy nhau được 10 năm, gia đình chồng ở thành phố, hai vợ chồng lại là công chức nhà nước, thu nhập tuy không cao nhưng ổn định, ai cũng bảo chị sướng vì được nhờ nhà chồng.
Nhưng chị lại có nỗi khổ tâm riêng của mình, khi có một người chồng được nuông chiều thành ra ỷ lại...
Nhà có ba anh em trai nhưng chỉ có mỗi anh lập nghiệp ở TP Hải Dương còn các anh trai đều sống và công tác trên Hà Nội, nên chuyện vợ chồng chị sống chung với bố mẹ chồng là đương nhiên. Nhiều nàng dâu sống với bố mẹ chồng rất miễn cưỡng, nhưng chị thì ngoại lệ. Vốn sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nên chị sớm thích nghi và tự lập từ nhỏ, chẳng nề hà vất vả. Tự vươn lên bằng con đường học vấn cộng với sự năng động, nhạy bén, vì thế ở cơ quan chị đã có một vị trí tương đối. Bên ngoài, chị còn làm thêm một số việc tay trái nên thu nhập gia đình tương đối dư dật. Chị quan niệm: “Cuộc sống thì không tránh khỏi mâu thuẫn, quan trọng là cách xử lý của mình. Dù tính cách có thể không hợp, nhưng trong cuộc sống, chỉ cần một chữ nhẫn là đủ”. Với phương châm ấy, chị rất thoải mái khi sống cùng gia đình chồng.
Vậy mà giờ đây chị đang rất nản lòng? Không phải do mâu thuẫn với bố mẹ chồng, mà do không thể chịu nổi sự ỷ lại của chồng.
Hai vợ chồng chị có với nhau hai mặt con, một trai một gái. Đi làm cả ngày, chiều về chị chỉ tắm và cho con ăn, ngủ, thời gian còn lại đều do ông bà đưa đón, trông nom. Phải nói rằng, bố mẹ chồng của chị là những người yêu chiều quan tâm cháu hết lòng. Nhưng đó lại là nguyên nhân khiến chồng chị trở nên ỷ lại và thụ động trong việc gia đình.
Buổi sáng dù là ngày nghỉ, trong khi chị tranh thủ đi làm thêm, mẹ chồng chị trông cháu và cho ăn còn anh cứ ngủ nướng đến 9-10 giờ. Mẹ chồng chị không hề phàn nàn, lại còn dặn chị: “Đừng gọi, để nó ngủ thêm! Mọi chuyện đã có mẹ ở nhà”. Buổi chiều, anh thoải mái đi chơi thể thao. Nếu chị chưa về kịp thì bà nội, ông nội lại sấp ngửa đi đón cháu từ trường về, rồi tắm rửa và trông cháu. Thời gian được ở nhà rất ít, như người ta hễ rảnh rỗi là muốn được bên con. Nhưng ngày nghỉ, sẵn tâm lý yên trí vì có người ở nhà lo cơm nước, con cái nên anh thoải mái đi nhậu, đi cà phê cùng đồng nghiệp, bạn bè... Thời gian anh dành cho con chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những lúc ở nhà, anh cũng chỉ chơi với con được một lúc rồi lại lên gác ôm điện thoại, máy tính, để mặc ông bà chơi với cháu. Từ ngày lấy nhau, chưa bao giờ anh biết nấu một bữa cơm hẳn hoi vì mọi việc cứ hơi khó một tý là anh lại gọi mẹ giúp. Những khi ông bà có việc về quê, đi ăn cỗ một hai ngày, anh không thể tự lo được việc gì. Anh chỉ cắm nồi cơm rồi loanh quanh đợi vợ.
Đỉnh điểm sự ức chế của chị là ngày hôm nay. Cơm nước xong xuôi, chị bế con lên, anh bảo: “Sao không để dưới cho ông bà trông?”. Chị gắt: "Có bố có mẹ ở nhà thì anh chơi với con một chút cho nó vui vẻ chứ ông bà trông cả ngày rồi". Anh vẫn tảng lờ như không nghe thấy. Chị bực quá xuống phàn nàn với mẹ chồng thì mẹ chồng thủng thẳng: “Gớm, nó đi làm cả ngày về nhà mệt thì cho nó nghỉ một tý, chồng mới chơi một lúc mà chị cứ lồng lộn lên. Thế nhẽ thường mọi ngày tôi không bế thì ai bế, còn bày vẽ”. Trước sự bênh vực ra mặt của mẹ chồng, chồng chị chạy thẳng xuống chỉ tay vào mặt vợ quát to: “Đã nhiều lần cô có thái độ hậm hực, gây sự nhưng tôi chưa thèm nói đâu nhé. Tôi nhờ bố mẹ tôi trông chứ tôi nhờ người ngoài à, ông bà ngoại đã trông được ngày nào chưa mà cô lên giọng?”. Đúng lúc đó, thằng con 18 tháng mò mẫm trèo lên thành ghế và bất ngờ ngã xuống đất. Nhìn con gào khóc mặt mày sây sát, chị vừa xót, vừa thất vọng, cảm giác bất lực khiến những giọt nước mắt cứ rơi xuống.
Đã mấy hôm nay, chị suy nghĩ nung nấu và đưa ra quyết định quan trọng. "Mình sống riêng đi anh!", chị nhẹ nhàng thủ thỉ. Anh tròn mắt ngạc nhiên vì cứ nghĩ chị vẫn còn giận anh và sẽ làm căng sau sự việc vừa rồi. Nhìn vào đôi mắt dịu dàng và van lơn của chị, anh thở dài… Không phải anh buồn mà vì anh đang rất lo lắng khi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn vất vả nếu phải ra ở riêng. Vì anh đã quen với sự giúp đỡ của ông bà, rồi bàn tay chăm sóc của vợ, thành ra tính ỷ lại ăn sâu vào trong tính cách mất rồi. Mà phàm cái gì phải làm lại từ đầu đã là rất khó, huống hồ anh đã trên 40 tuổi.
“Chả có gì là không khắc phục được phải không anh? Em biết, ra ở riêng, vợ chồng mình sẽ vất vả hơn nhiều. Nhưng có lẽ ở riêng, không dựa dẫm, anh sẽ tự ý thức hơn về trách nhiệm của mình với em, với các con và mái ấm nhỏ bé này. Không chỉ đơn thuần là đưa tiền nuôi con, chơi với con, mà còn phải là người an ủi con, dỗ dành con, chăm nom con, dạy bảo con làm người nữa... Mình ở riêng nhưng sẽ ở gần với bố mẹ để tiện bề chăm sóc khi ông bà ốm đau cũng như các cháu được gần gũi với ông bà".
Cảm thấy hơi ấm từ mái tóc của chị trên vai mình, bất chợt anh nhận ra nhiều điều mà trước đây anh không để tâm, đó là mong muốn được anh che chở giúp đỡ chứ không phải là một người chồng thụ động, ỷ lại. Bất giác, anh cảm thấy mình cần một sự tự tin vững chãi hơn bao giờ hết.
BÙI THU HẰNG