EVN nợ gần nửa triệu tỷ đồng
Công nghiệp - Ngày đăng : 14:17, 07/11/2016
Theo các chuyên gia, khó có thể chỉ vì lỗ tỷ giá mà tăng giá điện. Trong ảnh: Công nhân ngành điện đi chốt chỉ số công tơ. Ảnh: VIỆT HÀ |
Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm vừa được EVN công bố cho thấy EVN đạt gần 131.000 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 19.200 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chi phí tài chính tăng từ 7.681 tỷ năm 2015 lên gần 15.500 tỷ đồng, khiến EVN lỗ.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN giải thích: Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN là 5.814 tỷ đồng. Tuy nhiên, lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 6.371 tỷ đồng, dẫn tới EVN bị lỗ. Báo cáo tài chính của EVN cũng nêu rõ riêng khoản lỗ của công ty mẹ lên tới 929 tỷ đồng. “Nguyên nhân lỗ sau thuế cụ thể vì tỷ giá đồng yen Nhật tăng mạnh” - ông Tri nói.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của các tổng công ty phát điện của EVN mới thấy rõ mức độ lỗ do chênh lệch tỷ giá. Phải vay nhiều để làm nhà máy điện, đơn vị nào càng vay bằng đồng yen thì càng lỗ. Điển hình là Tổng công ty Phát điện 1 vay yen Nhật tương đương 6.730 tỷ đồng, trong khi đồng yen tăng giá mạnh lên tới 17% từ đầu năm đến cuối quý 3-2016 đã làm lỗ tăng lên.
Đáng lưu ý, báo cáo tài chính của EVN nêu nợ vay của tập đoàn này đã lên tới 475.357 tỷ đồng. Vì vậy, mỗi ngày EVN phải trả khoảng 38 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.
Giải thích nguyên nhân dẫn tới khoản lỗ của EVN, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Công thương nhắc thêm việc EVN phải đổ dầu phát điện để bảo đảm điện cho miền Nam. Ông Vượng cho rằng cứ lỗ như vậy thì đến một lúc nào đó “áp lực Chính phủ phải điều chỉnh giá điện là khó tránh khỏi”.
Tuy nhiên, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng nếu chỉ lỗ vì tỷ giá mà “dồn” vào tăng giá thì ngành điện phải có giải trình rõ. Bởi ông Ánh nhấn mạnh tỷ giá biến động thì tất cả doanh nghiệp vay ngoại tệ đều chịu. Họ thường có khoản dự phòng rủi ro tỷ giá để sử dụng nhằm không làm biến động giá thành.
Ông Ánh cho rằng nếu tăng giá điện, EVN cần có một báo cáo đầy đủ, phân tích từng yếu tố liên quan đến lỗ lãi. “Báo cáo này cũng cần được đánh giá khách quan, chứ hiện nay mới chỉ có ngành điện đưa ra và Bộ Công thương đánh giá thì chưa đủ tính thuyết phục” - ông Ánh nói.
Theo nhiều chuyên gia, chỉ độc lỗ tỷ giá vài trăm tỷ thì EVN khó đủ thuyết phục để tăng giá mà phải xem tổng hòa các yếu tố đầu vào khác. EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỷ giá. PGS.TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực cảnh báo khi đi vay nhiều sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không có chính sách quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Nhiều chuyên gia cũng đề nghị ngành điện cần quyết liệt tăng tự động hóa, giảm chi phí và đội ngũ đi ghi côngtơ, đi thu tiền điện để tiết kiệm...
Theo Tuổi trẻ