Truyền thông phải chân thực, khách quan

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 11:54, 09/11/2016

Thông tin đưa ra phải bảo đảm chính xác, khách quan, đừng tiếp tay cho doanh nghiệp lợi dụng truyền thông để thu lợi bất chính.


Thông tin mập mờ, thiếu chính xác về nước mắm có chứa arsen do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. Rất may, Bộ Y tế đã kịp thời kiểm tra và công bố tất cả các mẫu nước mắm đều an toàn. Nhiều tờ báo đã phải gỡ bài và xin lỗi độc giả. Bộ Công an đang vào cuộc điều tra vụ việc này.

Vinastas công bố thông tin nước mắm chứa arsen nhưng lại không chỉ rõ đây là arsen hữu cơ (không độc hại) hay arsen vô cơ (cực độc). Thông tin mập mờ này đã tạo ra một cú sốc đối với người tiêu dùng. Tai hại hơn họ còn nhấn mạnh “các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng” nhằm ám chỉ nước mắm truyền thống rất độc hại. Ðiều này vô tình đã đẩy nước mắm truyền thống vào thế bí. Ai cũng biết thạch tín (arsen vô cơ) là một chất cực độc nên sự sợ hãi đối với nước mắm bao trùm lên người tiêu dùng là điều dễ hiểu. Do đó, việc đưa thông tin tới bạn đọc sao cho đúng, không làm người tiêu dùng bất an, hoang mang, mất niềm tin mới là việc truyền thông cần làm.

Các cơ quan truyền thông là cầu nối chính sách đến người dân. Những thông tin liên quan đến an toàn tính mạng và sức khỏe được người dân đặc biệt quan tâm. Do đó, đưa thông tin như thế nào để người tiêu dùng hiểu, sử dụng đúng cách hay áp dụng hiệu quả là điều các cơ quan thông tấn, báo chí cần làm hiện nay. Cách đây chưa lâu, việc phóng viên VTV dàn cảnh nông dân dùng chổi quét rau (giả làm rau bị sâu ăn để bán được giá) đã khiến dư luận bức xúc về kiểu đưa tin chụp giật này.

Truyền thông theo lối gieo rắc sự sợ hãi khiến khách hàng bỏ sản phẩm này để tìm đến sản phẩm kia còn gọi là "truyền thông bẩn", không lạ trong kinh doanh. Nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ thì vụ việc này không chỉ dừng lại ở nước mắm. Khi người tiêu dùng vẫn đang loay hoay, lạc lối giữa “ma trận” thực phẩm bẩn thì truyền thông phải làm tốt vai trò phản ánh sự việc chân thực, khách quan. Truyền thông cần chỉ rõ những đơn vị nào, loại thực phẩm nào không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để người tiêu dùng tẩy chay, tạo ra một thị trường thực phẩm an toàn, để các đơn vị sản xuất, cung ứng cạnh tranh lành mạnh. Truyền thông cũng cần chỉ ra được những nơi nào làm tốt, loại thực phẩm nào sạch, hàng hóa ở đâu bảo đảm chất lượng để người tiêu dùng biết mà mua sử dụng. Tuy nhiên, sự định hướng này hoàn toàn phải dựa trên sự khách quan chứ không phải ăn theo quảng cáo.

Thời gian qua, nhờ truyền thông, hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến thực phẩm bẩn đã được giải quyết. Người tiêu dùng còn kỳ vọng các cơ quan báo chí cũng chỉ ra được những địa chỉ tốt để khuyến khích họ phát triển và người tiêu dùng được hưởng lợi từ những nơi sản xuất, kinh doanh hàng hóa bảo đảm. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được nhiều cơ quan truyền thông quan tâm. Sự cố truyền thông liên quan đến nước mắm như một cảnh báo đối với việc định hướng dư luận hiện nay. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và truyền thông trong việc công bố thông tin cần minh bạch, thống nhất. Các kết luận, thông báo không được đưa ra tùy tiện. Người làm báo phải có đạo đức nghề nghiệp, đừng “bán linh hồn cho ma quỷ”. Thông tin đưa ra phải bảo đảm chính xác, khách quan, đừng tiếp tay cho doanh nghiệp lợi dụng truyền thông để thu lợi bất chính.

ĐỨC ANH(TP Hải Dương)