Giật mình ô nhiễm tại các chợ

Môi trường - Ngày đăng : 07:37, 13/11/2016

Nhiều năm nay, vấn đề bảo vệ môi trường tại các chợ dân sinh trong tỉnh chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của người dân và các cấp chính quyền.



Nước, rác thải chảy tràn ra đường ở chợ Lai Cách (Cẩm Giàng)

Ô nhiễm khắp nơi

Chợ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán nhộn nhịp của hàng trăm, hàng nghìn tiểu thương và người dân mỗi ngày. Đủ thứ rác thải xả ra tại đây không được thu gom thường xuyên, xử lý đúng quy trình đã ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn vệ sinh thực phẩm và cuộc sống của người dân khu vực chung quanh.

Nhiều năm nay, chợ Lai Cách trở thành điểm ô nhiễm môi trường (ONMT) nghiêm trọng ở huyện Cẩm Giàng. Ai từng một lần đi qua khu chợ này cũng phải rùng mình vì ô nhiễm đã ở mức báo động.
Trong khu chợ lụp xụp, nền đất nhớp nhúa chứa đầy nước thải, vỏ mía, rau củ quả, túi nilon... Tại khu vực bán cá, máu cá tanh trên nền đất chứa đầy vảy cá. Rãnh thoát nước nhỏ ứ đọng vì túi nilon, nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối tràn ra đường đi của khu dân cư. Chợ chưa có hệ thống thu gom nên toàn bộ nước thải tự ngấm xuống đất hoặc chảy vào hệ thống thoát nước của khu dân cư. Phía sau dãy hàng ngay sát đường dẫn lên cầu vượt Lai Cách, 1 đống rác khổng lồ đang cháy âm ỉ. Toàn bộ rác thải hằng ngày của khu chợ bị xả thẳng ra đây khiến môi trường khu vực này ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ chung quanh. Một tiểu thương buôn bán hoa quả ở chợ Lai Cách cho biết ai cũng nhận thấy tình trạng ONMT ở đây nhưng không có cách nào khắc phục. Rác được các tiểu thương tự thu gom rồi tiện đâu vứt đó. Đa phần người buôn bán vứt ngay ra sau chợ, chỗ sát đường dẫn lên cầu vượt. Rác đầy thì mọi người lại bảo nhau đốt nên nhiều khi phải chịu mùi hôi thối của rác, mùi khét của khói.

Trên địa bàn TP Hải Dương, chợ cá Thạch Khôi cũng là điểm ONMT nghiêm trọng. Mùi tanh của cá sống, mùi thối của cá chết hành hạ người dân sống gần đó. Là một trong những chợ cá đầu mối lớn nhất miền Bắc, mỗi ngày có hàng trăm tấn cá được luân chuyển qua đây. Cá được sơ chế ngay trên nền chợ. Vảy, vây, mang cá được xả thẳng xuống rãnh thoát nước. Hệ thống thoát nước nhỏ, thường xuyên bị ách tắc. Nhiều nơi nước đọng lâu ngày trở nên đen ngòm. Toàn bộ nguồn nước thải này không được xử lý xả thẳng xuống kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng. Nhiều khách hàng, hộ kinh doanh thiếu ý thức xả rác, vứt túi nilon bừa bãi khiến tình trạng ONMT ở đây càng nặng nề hơn.

Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP Hải Dương và các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Cẩm Giàng, Bình Giang lượng rác thải như rau, củ, quả hỏng, túi nilon, bao bì các loại phát sinh tương đối lớn nhưng việc thu gom, vận chuyển chưa được tiến hành thường xuyên. Trong khu bán hàng thực phẩm tại chợ Cuối ở thị trấn Gia Lộc vẫn là những dãy hàng quán lụp xụp. Nền chợ chưa được đổ bê tông, rãnh thoát nước nhỏ, thường xuyên bị ách tắc, nước đen kịt. Còn tại chợ Bóng ở xã Quang Minh (Gia Lộc), cửa cống thoát nước bị vẩy cá và các phế phẩm của cá bít đầy. Tại chợ mới ở khu dân cư tập trung thị trấn Thanh Miện từng đống vỏ mía lớn nằm lẫn túi nilon, bao bì, vỏ, lá các loại hoa quả nhưng vẫn không được dọn kịp thời.  

Cần sớm quan tâm

ONMT tại các chợ dân sinh đã ở mức đáng báo động. Tuy nhiên, nhận thức của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn về vấn đề này chưa thực sự đúng mực. Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh chưa có bất cứ đánh giá nào về thực trạng ONMT ở các chợ dân sinh. Chính quyền địa phương thì thờ ơ, lấy nhiều lý do để biện minh về việc chưa quan tâm đến vấn đề này.

Thừa nhận tình trạng ONMT nghiêm trọng ở chợ cá Thạch Khôi, nhưng ông Nguyễn Đăng Thắng, cán bộ địa chính phường Thạch Khôi cho rằng do hạ tầng khu chợ không đồng bộ, kinh phí sửa chữa không có, ý thức của các hộ kinh doanh kém là nguyên nhân khiến việc xử lý môi trường ở đây chưa thể thực hiện được. Tại thị trấn Lai Cách, khi liên hệ với cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường để tìm hiểu về hướng xử lý đối với tình trạng ONMT tại khu chợ dân sinh nhưng chúng tôi không nhận được sự hợp tác của vị cán bộ này. 

Giải pháp trước mắt là chính quyền địa phương cần thành lập và duy trì tổ thu gom, vận chuyển rác thải tại các chợ dân sinh. Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị ban đầu do chính quyền địa phương thực hiện. Kinh phí trả công cho đội thu gom rác lấy từ sự đóng góp của các hộ kinh doanh trong chợ. Việc thu gom, vận chuyển phải được thực hiện hằng ngày, ngay sau khi phiên chợ kết thúc, tránh tình trạng rác thải ứ đọng gây ONMT, ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với nước thải và các phế phẩm sau khi chế biến cá, gia cầm, mỗi chợ cần xây dựng hệ thống thu gom dẫn vào bể lắng trước khi xả ra môi trường. Về lâu dài, các địa phương cần căn cứ vào quy hoạch chung để xây dựng chợ hiện đại, đúng tiêu chuẩn, có đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường như nơi chứa rác thải, hệ thống thu gom, xử lý nước thải… Quan trọng hơn, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các tiểu thương và người dân để môi trường các chợ được bảo đảm.

  LÃ VỌNG