Hồi sinh những lá phổi... bụi than

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:38, 13/11/2016

Bằng kỹ thuật súc rửa phổi, Bệnh viện Than - khoáng sản ở Việt Nam đã chữa trị cho hàng ngàn công nhân mắc bệnh bụi phổi.



Các bác sĩ thực hiện một ca phẫu thuật rửa phổi sáng 11-11. Ảnh: ĐỨC HIẾU


Bệnh bụi phổi rất thường thấy ở công nhân mỏ than, nếu không được lọc bụi thường xuyên, người bệnh sẽ nhanh chóng suy giảm sức khỏe, thậm chí dẫn tới xơ phổi.

Những lá phổi xám đen

Trên tầng ba của Bệnh viện Than - khoáng sản có một chiếc tủ nhỏ, đựng những chai dung dịch trắng đục, xám tro hoặc đen đặc. Cùng trong tủ, một ngăn khác chứa đầy hộp nhỏ đựng tinh thể màu đen như bột cà phê rang cháy.

Theo giới thiệu của bác sĩ Nguyễn Văn Toản, phó trưởng khoa điều trị bệnh nghề nghiệp, đó là những tạp chất lấy ra sau quá trình rửa phổi, trên mỗi chai hoặc hộp lại có tên một người bệnh và địa chỉ làm việc của họ. Người điều trị hầu hết đều là lao động của ngành than.

Ở phòng bệnh của những công nhân đang nằm chờ lọc phổi, có nhiều người nằm, chung bệnh nghề nghiệp “bụi phổi”. Trong nhóm có Nguyễn Văn Trung, công nhân Công ty than Hòn Gai, là người trẻ nhất nhưng cũng mắc bệnh nặng nhất trong những người đến điều trị đợt này.

Anh Trung năm nay 33 tuổi nhưng đã có đến 14 năm làm công nhân khai thác than trong hầm lò. Thỉnh thoảng trong buổi trò chuyện, anh Trung lại phải dừng lại thở khó nhọc, ho bật ra vài tiếng rồi mới tiếp tục nói được.

“Bình thường tôi vẫn hay chơi bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, nhưng vài tháng gần đây khi hoạt động thì rất nhanh mệt, kèm theo đó là tức ngực, khó thở. Đi kiểm tra nhiều bệnh viện từ tỉnh đến trung ương tôi mới được chẩn đoán bị bệnh bụi phổi, bị tổn thương 2/3 phổi rồi. Tôi nhập viện đợt này để chữa trị với hi vọng cải thiện sức khỏe, mau chóng quay lại công việc”- anh Trung nói, giọng khàn đục.

Căn bệnh bụi phổi cũng hành hạ anh Nguyễn Hữu Vinh (Công ty than Tây Nam Đá Mài) cả năm nay. “Tôi làm công nhân cũng được 14 năm nhưng mới đây mới được chẩn đoán mắc bệnh. Từ cổ họng trở xuống phổi lúc nào tôi cũng thấy đầy như có đờm. Cảm giác hay bị choáng đầu, đêm ngủ không sâu giấc”- anh Vinh kể.

Trên phim X-quang, bụi phổi là rải rác tổn thương xơ hóa ở hai thùy phổi. Khi dùng lăng kính hiển vi điện tử sẽ phát hiện hàng triệu triệu tinh thể than trong phổi người bệnh. Những bụi than này tuy bình thường là lành tính nhưng khi ở trong lá phổi thì chúng đã và đang làm tổn hại rất lớn sự sống của thợ mỏ.

Hồi sinh lá phổi

Theo bác sĩ Lê Quang Chung, từ khi đưa vào kỹ thuật rửa phổi năm 2004, đã có hơn 2.000 lượt công nhân đến bệnh viện để lọc bụi phổi. Mỗi lần lọc, các bác sĩ phải dùng tới 12 lít nước mới rửa được một lá phổi, nước chảy ra đen ngòm như nước than. Trung bình, một ca phẫu thuật sẽ kéo dài từ 4-6 tiếng với kíp phục vụ gồm 6 người. Điều trị cho một trường hợp súc rửa phổi thường phải mất từ 15-25 ngày.

Kỹ thuật rửa phổi toàn bộ là phương pháp đưa một lượng nước lớn vào toàn bộ một hoặc hai lá phổi để loại bỏ bụi, tạp chất và các đại thực bào ăn bụi ra khỏi đường hô hấp, nhằm làm giảm tiến triển xơ hóa phổi, giúp tăng tuổi thọ, tái tạo sức lao động cho người bệnh.

Bác sĩ Chung cũng cho biết ngoài súc rửa toàn bộ phổi, thế giới vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh bụi phổi. Nếu công nhân làm việc trong môi trường nhiều bụi không được rửa phổi thì sẽ phải sống với các triệu chứng đau ngực, khó thở, ho khạc đờm, sốt, mất ngủ... cả đời.

Trước đây, mỗi năm ngành than - khoáng sản phải đưa cả ngàn công nhân sang Trung Quốc để rửa phổi vì đây là quốc gia duy nhất có phương pháp này, nhiều nước như Nga, Mông Cổ cũng phải đưa công nhân đến đây điều trị. Thời điểm năm 2003, kinh phí súc rửa phổi cho một người đã tốn kém hơn 60 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại.

Lo cho sức khỏe của công nhân than, nhóm bác sĩ của Bệnh viện Than - khoáng sản đã mạnh dạn đề xuất với tập đoàn than được đi học tập ứng dụng công nghệ rửa phổi cho thợ mỏ Việt Nam. Sau đợt chuyển giao công nghệ tại Bệnh viện Bắc Đới Hà (Trung Quốc) kéo dài hơn hai tháng, nhóm y bác sĩ sáu người của bệnh viện đã nắm bắt thuần thục kỹ thuật và bắt tay vào chữa trị cho những công nhân trong nước với chi phí rẻ hơn gấp nhiều lần.

Bác sĩ Nguyễn Văn Toản là một trong sáu người đầu tiên ấy, anh hào hứng kể: “Đây là công nghệ của người nước khác nên sau khi học tập xong, chúng tôi phải mày mò điều chỉnh cho phù hợp với thể tạng người Việt Nam. Nếu trước đây một ca phẫu thuật thực hiện mất 7-8 giờ thì nay rút ngắn xuống còn 4-6 giờ. Lượng thuốc mê sử dụng ít hơn đồng nghĩa sức khỏe người bệnh hồi phục nhanh hơn, chỉ mất một ngày là đã sinh hoạt bình thường trở lại”.

Bác sĩ Trần Quang Lương, giám đốc Bệnh viện Than - khoáng sản, cho biết việc súc rửa phổi cho công nhân ngành than trước nay mới thực hiện cho những người được cấp sổ bệnh nghề nghiệp.

Việc cấp sổ cũng phải qua nhiều bước giám định y khoa, xác định mức độ giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. Thường những trường hợp này đã diễn biến khá nặng nề. Chính vì vậy, bệnh viện đã đề nghị Bộ Y tế cho phép mở rộng chỉ định súc rửa phổi thêm một số trường hợp để nâng cao hiệu quả điều trị dự phòng.

Đầu tháng 10-2016, Bộ Y tế đã ra văn bản hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa phổi toàn bộ, trong đó mở rộng đối tượng điều trị thêm cho những trường hợp làm việc lâu năm trong môi trường bụi các loại từ 5 năm trở lên cũng như nhiều bệnh lý khác.

ĐỨC HIẾU (Tuổi trẻ)