"Thiền mộng" mang hơi thở cuộc sống

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 14:20, 13/11/2016

Tác phẩm "Thiền mộng" của tác giả Ngọc Hùng (đang công tác tại Báo Hải Dương) vừa giành giải A Giải Văn học nghệ thuật Côn Sơn ở mảng văn xuôi. Tác phẩm tập hợp các truyện ngắn viết trong khoảng thời gian từ năm 2005-2010 khi tác giả đang là sinh viên Khoa Sáng tác - Lý luận và Phê bình văn học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du). Tập truyện ngắn này được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012. Tác phẩm dày 300 trang gồm 18 truyện ngắn. Các truyện ngắn đã được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí như Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội, Tuổi trẻ, Tiền phong, tạp chí Nhà văn, Người đại biểu nhân dân, Văn nghệ Công an, Nhân Dân cuối tuần… Ngoài ra, một số truyện trong đó đã được chọn in trong sách "Truyện ngắn hay năm 2007" của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Văn mới 2009…<br>


Tập truyện ngắn đề cập đến mọi ngóc ngách, vấn đề nóng hổi của cuộc sống từ thành thị đến nông thôn với cái nhìn đa chiều, thẳng thắn. Mọi vấn đề được mổ xẻ, phơi bày một cách tự nhiên thông qua số phận dữ dội, chìm nổi, phức tạp của các nhân vật.

Mảng đề tài tác phẩm đề cập nhiều là nông thôn đồng bằng Bắc Bộ trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường như trong các truyện ngắn "Lõi đất", "Những lớp phù sa", "Làng cửa sông"... Sự thay đổi của làng quê được khắc họa ấn tượng từ bề mặt cho tới cốt lõi cuộc sống: "Làng tôi có nhiều nhà cao tầng mọc lên giữa những lùm tre và nóc nhà ngói. Làng đang cựa mình. Cái mới đội, đẩy, cuốn theo cái cũ cùng vận động. Khác thật. Mới ngày nào làng chỉ là làng, bình lặng, khiêm nhường, nằm núp bên dòng Kinh Thầy êm đềm chảy. Giờ đây làng là một gã trai trẻ thích quậy phá, nhảy nhót, đôi khi thích cả sự mạo hiểm" (truyện ngắn "Lõi đất"). Tại đây, trước sức mạnh của đồng tiền, cái tốt, cái xấu, cái tích cực, tiêu cực đã làm thay đổi, ảnh hưởng đến cuộc sống nông thôn, thậm chí làm băng hoại những thuần phong mỹ tục, tập quán cổ truyền, sự cố kết làng xóm: "Một trăm gia đình trong làng có tới sáu bảy mươi nhà có người đi xuất khẩu lao động, đi làm ăn xa. Nhà cửa khang trang đấy nhưng mười cái có tới già nửa dị mọ, chỉ có vợ hoặc chồng. Ngày nay người ta coi chuyện hôn nhân đổ vỡ như trò đùa...". Tác phẩm là lời cảnh tỉnh, phê phán đối với những mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh mẽ đến đời sống mỗi cá nhân và sự cố kết cộng đồng, làng xóm.

Tác phẩm là lời cảnh tỉnh, phê phán đối với những mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh mẽ đến đời sống mỗi cá nhân và sự cố kết cộng đồng, làng xóm.


Được lấy làm tiêu đề cho tập sách "Thiền Mộng" là một truyện ngắn tiêu biểu cho mảng đề tài nông thôn. Trong truyện, nền kinh tế thị trường ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Có sự xuất hiện của công ty nước ngoài, có những gia đình tan vỡ, có những lao động nông dân bước chân vào nhà máy làm công nhân, có những cô gái mới lớn lấy chồng nước ngoài mong được đổi đời: "Cái làng nhỏ bé này nom vậy mà cũng nảy sinh lắm chuyện: vợ chồng ly dị, anh em bất hòa tranh giành đất hương hỏa, tệ nạn xã hội, nghiện hút, đĩ điếm. Rồi kiện cáo việc bớt xén tiền đền bù". Truyện đi sâu vào số phận của một gia đình có hai chị em gái. Người chị có lối sống và suy nghĩ khá phóng túng. Lấy chồng song chị ta vẫn lén lút quan hệ với người đàn ông khác. Mặc dù đã có con song chính chị ta lại là người đâm đơn ly dị chồng, một điều hiếm xảy ra ở vùng nông thôn. Sau này chị ta cặp bồ rồi cưới một anh chàng người Canada là phó giám đốc của công ty nước ngoài. Từ đó, chị ta lại trở thành ân nhân xin việc cho biết bao lao động trong làng. Trong khi đó, người em gái là một cô giáo có lối sống chuẩn mực. Song trước sự biến đổi chóng mặt của xã hội chị không sao thích nghi kịp, bị rơi vào hụt hẫng. Chị cũng khát khao một cuộc sống gia đình yên ấm hạnh phúc, cũng trải qua những mối tình nồng nàn nhưng đến lúc cao tuổi vẫn không sao tìm được cho mình bến đỗ. Điều đáng buồn, những biến đổi chóng mặt của xã hội còn len lỏi bước chân cả vào chốn cửa chùa, vốn là nơi để con người tìm lại sự thanh tịnh trong tâm hồn: "Đột nhiên ni cô Đàm Thảnh đi khỏi chùa. Có tin đồn ni cô bỏ theo một người con trai về xây dựng nhà máy chế biến hoa quả". 

Khi viết, tác giả đã chọn những vấn đề mình hiểu nhất, gần gũi nhất. Việc lựa chọn các vấn đề mình thấu hiểu giúp tác giả có được nhiều tình tiết đắt trong quá trình xây dựng cốt truyện. Nhờ vậy, mỗi truyện ngắn đều dồn nén, cô đọng, ngồn ngộn các chi tiết, sự kiện, các mối quan hệ chằng chéo, phức tạp giống một cuốn tiểu thuyết mi ni. Đó cũng là dụng ý sáng tác của tác giả.

Theo chia sẻ của tác giả Ngọc Hùng, trước khi viết, anh đều lên đề cương, chọn nhân vật, chọn số phận cho nhân vật. Đặc biệt, anh luôn chú tâm chọn các chi tiết đắt, lạ, độc đáo, kỳ ảo để đưa vào tác phẩm, gắn vào cuộc đời từng nhân vật. Bởi vậy các nhân vật trong mỗi truyện ngắn của anh đều có thân phận khá dữ dội, chìm nổi, phức tạp. Những chi tiết đan xen giữa hư và thực được bố trí trong hầu hết các truyện ngắn, gây sự tò mò cho người đọc.

Trong mỗi truyện ngắn, tác giả thường dành rất nhiều thời gian cho những câu chữ đầu tiên. Vì vậy, các truyện ngắn đều có sức lôi cuốn ngay từ đầu. Trong quá trình viết, tác giả thường chia tác phẩm thành các đoạn và làm mờ mốc thời gian để mạch nguồn câu chuyện bị ngắt quãng, khó nắm bắt. Đó chỉ là cái "vỏ", còn cốt lõi của tác phẩm vẫn là phản ánh hiện thực cuộc sống chân thật tới mức nhiều khi "khó thở". Ở cái "phần chìm" đó, độc giả có thể nhìn được, cảm được đến đâu tùy thuộc vào cảm nhận, quan niệm của từng người. Bởi vậy, có không ít độc giả sau khi đọc xong tác phẩm “Thiền mộng” chỉ cảm nhận thấy sự dung tục, khó chịu… Nhưng có nhiều người đọc lại nhận ra những cách thức, quan điểm thể hiện khác lạ, vượt ra khỏi khuôn mẫu của truyện ngắn truyền thống. Cho nên có ý kiến cho rằng tác phẩm viết theo lối cách tân cũng là điều dễ hiểu.

Sở trường của tác giả Ngọc Hùng là viết cho thiếu nhi. Hiện anh đã có 9 tập sách viết cho lứa tuổi này. "Thiền mộng" là tập truyện đầu tiên của anh viết cho người lớn.

LAM ANH