Công nhân có thâm niên "sống khỏe"
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:25, 16/11/2016
Khi người lao động gắn bó với công việc trong khoảng thời gian dài sẽ giúp họ nâng cao tay nghề và có mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung.
Do làm lâu năm nên chị Nguyễn Thị Bé, tổ trưởng ở Công ty TNHH May Trấn An (TP Hải Dương)
có mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng
Thu nhập khá
Theo một khảo sát gần đây của Liên đoàn Lao động tỉnh, thu nhập bình quân của công nhân lao động (CNLĐ) hiện đã tăng gấp đôi so với năm 2009. Hơn 46% số CNLĐ thuộc diện khảo sát cho biết thu nhập đã bảo đảm cuộc sống và có một phần tích lũy trong khi năm 2009 con số này chỉ có 29,6%.
Thu nhập của CNLĐ tăng lên do xu hướng phát triển chung và ngày càng nhiều CNLĐ có thâm niên làm việc. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, gần 70% số CNLĐ làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh hiện có thâm niên từ 5 năm trở lên. Điều này cho thấy CNLĐ muốn làm việc lâu dài vì nhiều doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt. Sự đãi ngộ này thường thông qua các hình thức như trợ cấp tiền chuyên cần, sản lượng vượt quy định, kỹ năng nghề nghiệp... Thậm chí những công nhân thâm niên có năng lực tốt còn được đề bạt làm các chức vụ như tổ trưởng tổ sản xuất, quản lý...
Công ty TNHH May Formostar Việt Nam (TP Hải Dương) hiện có khoảng 700 CNLĐ có thâm niên làm việc từ 5 năm trở lên, chiếm 1/3 tổng số lao động. Hằng năm, công ty tăng 5% so với mức lương cơ bản cho CNLĐ có thời gian gắn bó lâu dài. Do thành thạo trong công việc, những công nhân này còn được tính thêm tiền kỹ năng vượt sản lượng. Có thời điểm mã hàng dễ làm, những công nhân thâm niên có thể nhận được khoản tiền tương đương với một tháng lương cơ bản. Vì vậy, thu nhập bình quân của nhóm công nhân này đạt từ 8-10 triệu đồng/tháng, cao hơn khoảng 1/3 so với những công nhân có thời gian làm việc ngắn hơn.
Cùng với thu nhập tốt, những công nhân có thâm niên cũng thường có vị trí việc làm ổn định hơn. Bà Trần Thị Cảnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Trấn An (TP Hải Dương) cho biết hầu hết những vị trí tổ trưởng, quản lý ở công ty đều do những công nhân làm việc lâu năm đảm nhiệm. Những kinh nghiệm có được trong quá trình làm việc sẽ giúp họ quản lý tốt hơn, thúc đẩy sản xuất của công ty phát triển. Điển hình như chị Nguyễn Thị Bé vào làm từ năm 2005. 11 năm gắn bó với công việc, từ chỗ là một công nhân đóng gói bình thường, chị đã làm tổ phó rồi tổ trưởng tổ đóng gói. Theo chị Bé, hiện công việc của chị khá tốt, thu nhập 8 triệu đồng/tháng, cao hơn những công nhân khác, nhất là những người mới vào làm.
Gắn bó với công việc cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội cho CNLĐ. Chị Lưu Thị Loan ở xã Tam Kỳ (Kim Thành) đã có 9 năm làm ở Công ty TNHH Toyoda Gosei Hải Phòng (khu công nghiệp Nomura, huyện An Dương, TP Hải Phòng). Chị đã được đề bạt lên chức quản lý với nhiều chính sách đãi ngộ. Hiện nay, chị có mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị Loan còn được công ty cử sang Nhật Bản học tập kinh nghiệm và tham quan du lịch.
Doanh nghiệp giữ chân
Làm lâu năm giúp người lao động nâng cao tay nghề. Những kinh nghiệm tích lũy sẽ giúp họ hoàn thành tốt công việc. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp coi họ như "của quý".
Hơn 5 năm qua, chị Bùi Thị Hòa quê ở xã Nam Hưng (Nam Sách) làm việc tại Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên. Theo chị Hòa, làm việc trong từng ấy thời gian nên chị đã quen với các công đoạn, mã hàng sản xuất. Dù hàng khó đến mấy, chị cũng làm tốt, ít khi phải sửa chữa. Đầu năm nay, chị Hòa sinh con. Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, không có người trông con nên chị đành phải xin nghỉ việc. Chị Hòa cho biết: "Bất đắc dĩ tôi mới xin nghỉ nhưng nhiều cán bộ ở công ty vận động tôi cố gắng đi làm. Họ cũng bảo sau này khi con lớn tôi có thể trở lại công ty làm việc bất cứ lúc nào. Thu nhập của tôi vẫn bảo đảm như trước".
Anh Đào Văn Bình làm cho một công ty chuyên về nhôm kính ở TP Hải Dương đã được 7 năm. Khi mới vào làm, anh Bình tham gia sản xuất trực tiếp. Theo thời gian, tay nghề của anh được nâng lên rõ rệt. Do đó, anh đã được lãnh đạo công ty đưa lên làm tổ trưởng. Nhận thấy năng lực của anh, cách đây 2 tháng, đã có một công ty khác cùng lĩnh vực sản xuất mời anh Bình sang làm việc. Họ đưa ra rất nhiều chính sách đãi ngộ cao hơn hẳn so với công ty anh đang làm. Lo sợ mất thợ lành nghề, chủ sử dụng đã phải tìm đến tận nhà trọ của anh Bình ở khu 4, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) để vận động anh ở lại làm việc với những chính sách đãi ngộ tương đương với công ty mới đang mời chào anh sang làm việc.
Ông Nguyễn Trung Kiên, cán bộ Công ty TNHH May Fosmostar Việt Nam nhận định những công nhân thâm niên thường có tay nghề tốt, làm năng suất cao. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn giữ chân họ. Việc làm này lợi cả đôi đường, vừa giúp sản xuất phát triển vừa giúp CNLĐ có thu nhập cao hơn để "an cư lạc nghiệp".
NGỌC THANH