Kinh doanh điện thoại di động: Cửa hàng nhỏ hụt hơi
Thị trường - Ngày đăng : 05:23, 17/11/2016
Sự xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại di động khiến cuộc cạnh tranh giành thị phần ngày càng khốc liệt.
Nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ phải mở thêm dịch vụ khác để tồn tại
Nhiều cách giành thị phần
Theo khảo sát sơ bộ của Sở Công thương, chỉ trong vòng 2 năm qua, số lượng cửa hàng kinh doanh điện thoại trên địa bàn tỉnh đã tăng gấp đôi. Chỉ tính riêng TP Hải Dương ước tính có hơn 200 cửa hàng kinh doanh điện thoại.
Vì quá nhiều nên các cửa hàng phải thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng. Từ khi khai trương đến nay, ít nhất mỗi tháng siêu thị Điện máy Xanh thực hiện một chương trình khuyến mãi. Chương trình trả góp lãi suất thấp cũng được coi là chiến lược của siêu thị nhằm thu hút khách là sinh viên, người thu nhập thấp.
Anh Nguyễn Hoàng Nam, nhân viên FPT Shop trên đường Nguyễn Lương Bằng lại cho rằng trong bối cảnh có quá nhiều cửa hàng bán điện thoại di động thì giảm giá, khuyến mãi vẫn chưa đủ sức hấp dẫn khách hàng. Do đó cửa hàng đặc biệt chú trọng đến các chương trình hậu mãi. Tại FPT Shop, khách hàng còn được mang sản phẩm về trải nghiệm miễn phí một thời gian nhất định, sau đó có thể đổi trả. Thái độ tư vấn, hướng dẫn của nhân viên bán hàng đối với khách cũng được quan tâm hơn. "Để thu hút khách thì ngay cả các bảo vệ của cửa hàng cũng phải tạo cho khách sự thoải mái, tin tưởng khi đến mua hàng", anh Nam nói.
Một số cửa hàng điện thoại lại tìm về các vùng nông thôn. Hiện nay, các cửa hàng phân phối của siêu thị di động Tân Cường đã có mặt ở nhiều địa phương trong tỉnh. Sự có mặt của các chuỗi cửa hàng Tân Cường tại các vùng nông thôn khiến không ít cửa hàng kinh doanh điện thoại khu vực này giảm lượng khách.
Điện thoại di động là một trong những mặt hàng được nhiều người kinh doanh. Ngoài các siêu thị lớn nhỏ còn có hàng trăm cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cùng tồn tại. Để giành thị phần, các cửa hàng, siêu thị ra sức khuyến mãi, chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, sự nhanh nhạy trước những cơn sốt điện thoại mới cũng giúp nhiều cửa hàng tạo sức hút với người dùng như cách làm của cửa hàng Cường mobile ở TP Hải Dương.
Áp lực của các "ông lớn"
Dự kiến đầu năm 2017, siêu thị Thế giới di động sẽ mở thêm từ 4-5 cửa hàng
Anh Nguyễn Huy Khoa ở khu 2, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) nhẩm tính, chỉ trong 2 năm nay trên đường Nguyễn Lương Bằng đã có tới gần chục cửa hàng bán điện thoại từ lớn tới nhỏ xuất hiện. "Tôi thấy một số cửa hàng nhỏ chỉ mở được vài tháng rồi lại đóng cửa hoặc phải nhượng lại cửa hàng do không thể cạnh tranh với các ông lớn như Điện máy Xanh, Trần Anh hay HC", anh Khoa nói.
"Miếng bánh" thị phần đang dần bị chia nhỏ cộng với tiềm lực tài chính yếu đã khiến nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ phải rời bỏ cuộc chơi. Anh Nguyễn Tiến Phúc từng hùn vốn cùng bạn mở cửa hàng bán điện thoại di động Minh Phúc trên đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương). Hiện nay, anh đã phải chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác. Anh Phúc cho biết: “Trước đây khi chưa có các siêu thị điện máy hay các cửa hàng kinh doanh điện thoại lớn có tên tuổi, tôi kinh doanh khá tốt. Song khi xuất hiện các “ông lớn” kinh doanh điện thoại chuyên nghiệp hơn như FPT Shop hay Thế giới di động thì hàng không bán được. Do đó, tôi chuyển sang kinh doanh sàn gỗ”.
Trong kế hoạch năm 2016, hầu hết các hệ thống bán lẻ lớn đều đặt mục tiêu mở thêm các điểm bán hàng mới. Thời gian tới hệ thống bán lẻ điện thoại của siêu thị Thế giới di động sẽ tiếp tục mở thêm các điểm kinh doanh mới ngay tại TP Hải Dương và các huyện. FPT Shop, Viễn Thông A cũng dự định mở từ 2-3 cửa hàng kinh doanh mới trong năm tới. Nhìn vào tốc độ phát triển ở các cửa hàng kinh doanh điện thoại của các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trên có thể thấy “đất sống” của các cửa hàng bán lẻ ngày càng thu hẹp. Chị Đỗ Thị Nguyệt, quản lý siêu thị Thế giới di động khu vực TP Hải Dương nhận định trong tương lai các cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ sẽ phải nhường chỗ cho các mô hình bán lẻ hiện đại hơn. Nguyên nhân do khách hàng ngày càng có xu hướng muốn mua sắm ở những nơi có dịch vụ chuyên nghiệp, hiện đại, xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Anh Hoàng Văn Nguyên, chủ cửa hàng điện thoại di động trên phố Minh Khai thừa nhận: “Muốn cạnh tranh được với các cửa hàng lớn phải có nhiều vốn để lấy hàng. Sau đó bán với giá rẻ hơn các cửa hàng kinh doanh điện thoại lớn may ra mới cạnh tranh được. Tuy nhiên, nguồn vốn vẫn đang là vấn đề khó khăn nhất đối với các cửa hàng nhỏ như chúng tôi”.
Hầu hết các cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ được chúng tôi khảo sát đều cho biết chỉ trong 2 năm trở lại đây lượng điện thoại bán ra đã giảm một nửa so với trước đó. Kinh doanh èo uột là thực trạng của không ít cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ. Để tồn tại, các cửa hàng này phải mở thêm các dịch vụ mới như sửa chữa điện thoại, bán thêm phụ kiện, điện thoại cũ hoặc thẻ cào. Một số cửa hàng nhỏ khác năng động hơn có thể bán hàng xách tay… Theo không ít chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ thì khi không thể cạnh tranh được với các cửa hàng lớn, họ phải tìm cách sống chung. “Chúng tôi chuyển hướng sang kinh doanh những loại điện thoại mà các “ông lớn” thường ít bán như Mobiista, Mobell hay Wiko… Đây là dòng điện thoại thông minh nhưng giá cả phải chăng nên có thể thu hút được những khách hàng bình dân”, chị Nguyễn Thị Hải, chủ cửa hàng điện thoại di động ở phố Đức Minh nói.
HẢI MINH