Hết lòng vì sự nghiệp trồng người

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:05, 19/11/2016

Không chỉ vun trồng mầm cây tri thức trong mỗi học sinh, họ còn tích cực bồi đắp, xây dựng nhân cách cho các em.



Cô Nguyễn Thị Hường thường xuyên quan tâm trò chuyện với học sinh

Hàng chục năm đứng trên bục giảng với lòng nhiệt huyết chưa bao giờ nguôi, họ là những giáo viên nguyện suốt đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Khơi dậy tình yêu tri thức

Nhắc đến cô giáo Bùi Thị Nguyệt dạy môn văn ở Trường THCS Cẩm Giàng, thầy Hiệu trưởng Phạm Huy Ứng vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên khi cô Nguyệt về trường nhận nhiệm vụ từ 10 năm trước. “Trong buổi họp chuẩn bị năm học mới cũng là ngày đầu tiên đi làm, cô Nguyệt đã chủ động phát biểu rằng tôi là sinh viên mới ra trường, vẫn còn những ấn tượng sâu sắc về ngày khai giảng nên tôi có một số đề nghị về cách tổ chức ngày khai giảng hướng đến học sinh. Ngay từ những đóng góp đầu tiên đó của cô Nguyệt đã khiến chúng tôi cảm thấy đây là giáo viên rất tâm huyết với nghề”.

Và thực tế 10 năm qua đã chứng minh những cảm nhận đầu tiên đó của thầy giáo Phạm Huy Ứng là hoàn toàn chính xác. Trong các hoạt động giáo dục, cô Nguyệt luôn khơi dậy tính tự giác, tình yêu tri thức của học sinh chứ không ép buộc máy móc. “Ngoài nội dung các bài học, tôi còn dạy học sinh cách tự học, cách đọc sách và viết ra những gì mình cảm nhận, suy nghĩ. Điều đó giúp các em được trải nghiệm bằng cảm xúc, làm giàu thêm vốn ngôn ngữ và sự cảm nhận. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu tâm lý các em và truyền cho các em sự say mê với môn học”, cô Nguyệt cho biết.

Trước kia, Trường THCS Cẩm Giàng hầu như không có học sinh giỏi môn văn. Từ khi cô Nguyệt về công tác và chủ nhiệm lớp chất lượng cao của trường, năm nào cũng có học sinh đoạt giải môn văn trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Bản thân cô Nguyệt cũng nhiều lần đoạt giải trong các cuộc thi giáo viên giỏi các cấp. Song niềm vui lớn nhất sau 10 năm vào nghề của cô là thấy nhiều học sinh say mê bên trang sách, hăng say làm báo tường hay bẽn lẽn đọc cho cô bài thơ mình mới viết. Bởi cô biết tình yêu văn học sẽ là hành trang đầy tính nhân văn sẽ theo các em trong quãng đường dài trước mắt.

Những giáo viên giỏi, được nhiều học sinh yêu mến luôn có phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, phát huy được tính tích cực, sáng tạo của các em như cô giáo Nguyệt. Không chỉ đóng vai trò là người truyền thụ kiến thức, các thầy cô còn khơi lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu, học hỏi cho học sinh. Đó chính là “vốn liếng” quan trọng nhất để các em khai thác nguồn tri thức vô tận của nhân loại.

Quan tâm đời sống học sinh

Các giáo viên Trường Tiểu học Tân Kỳ (Tứ Kỳ) thường gọi vui cô giáo Nguyễn Thị Hường là “giáo sư đa năng” vì cô có nhiều chức vụ nhất trường: Phó Bí thư Chi bộ, Tổ phó Tổ lớp 4-5, Chủ tịch Công đoàn trường, Phó Ban thi đua… Tuy công việc bận rộn song cô Hường vẫn dành thời gian tìm hiểu và nắm rất rõ hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay có gì đặc biệt thường được cô quan tâm trò chuyện và chỉ bảo nhiều hơn. “Những năm gần đây, công nghiệp phát triển, nhiều phụ huynh làm việc trong các công ty từ sáng sớm tới 7-8 giờ tối, không có thời gian đôn đốc việc học của con. Với những học sinh này tôi cũng phải sát sao hơn. Nhiều khi vừa là cô vừa như mẹ dạy bảo các em không chỉ kiến thức mà còn nhiều kỹ năng sống khác”, cô giáo Hường cho biết.



Cô giáo Bùi Thị Nguyệt thường hướng dẫn học sinh cách chọn và đọc các tác phẩm văn học


Gắn bó với nghề giáo đã 25 năm, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy song cô Hường vẫn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc soạn giảng nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Ngoài ra, cô còn thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ các giáo viên khác thiết kế giáo án điện tử. Những giờ học của cô luôn tạo sự hứng thú cho học sinh, từ em có lực học tốt đến những học sinh kém hơn. Em Mai Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 5A do cô Hường chủ nhiệm nhận xét: “Cô Hường giảng bài rất kỹ lưỡng và dễ hiểu. Chúng em thích học cô còn vì cô rất bao dung. Có những lúc chúng em quên làm bài tập hoặc không chú ý trong giờ học, cô khuyên bảo nhẹ nhàng. Với những bạn học kém, cô giảng cho các bạn lâu hơn để các bạn nắm được bài cùng cả lớp".

Những giáo viên đầy tinh thần trách nhiệm và quan tâm đến học sinh như cô Hường có sức ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách tốt đẹp của các em. Các cô đã đặt những hạt giống tốt lành vào mỗi học sinh bằng những lời động viên, khuyên nhủ và những hành động giúp đỡ học sinh thiết thực. Là cán bộ quản lý Trường THCS Thị trấn Thanh Miện, cô giáo Nguyễn Thị Ngần không trực tiếp làm giáo viên chủ nhiệm nhưng cô vẫn quan tâm, nắm bắt được hoàn cảnh của những học sinh khó khăn trong trường. Năm học nào cô cũng đi vận động, tìm nguồn tài trợ để hỗ trợ những học sinh này vươn lên trong học tập. Vào mùa hè, cô Ngần còn mở lớp ôn thi miễn phí cho học sinh lớp 9 do cô trực tiếp đứng lớp, bồi dưỡng kiến thức cho các em, nhất là học sinh còn yếu thi đỗ vào các trường THPT. Ông Bùi Công Tráng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thanh Miện cho biết: "Cô Ngần rất tích cực phối hợp với Hội Khuyến học huyện thực hiện các hoạt động khuyến học. Nhiều học sinh được cô quan tâm, giúp đỡ đã vượt qua khó khăn, học lên những cấp cao hơn".

Toàn tỉnh hiện có hơn 3 vạn giáo viên đang hằng ngày nỗ lực truyền thụ tri thức, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhiều người trong số họ đã được ghi nhận bằng những danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua, bằng khen của các cấp, các ngành... Song vượt lên tất cả là niềm vui được đứng lớp mỗi ngày, khơi gợi trong học sinh những điều tốt đẹp. Những thành tích đạt được của ngành giáo dục và đào tạo Hải Dương là kết quả của những cống hiến âm thầm, miệt mài đó của các thầy cô.

VIỆT HÒA