Điều kỳ diệu trong tổ ấm của người đàn ông có HIV
Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 21/11/2016
Từng là nô lệ của ma túy, những tưởng cuộc đời của cặp đôi ấy đáng bỏ đi nhưng khi được tình yêu chắp cánh, họ có thêm nghị lực để sống và làm lại cuộc đời.
Gia đình hạnh phúc của anh Vũ Đình Tuấn
Cả hai vợ chồng anh Vũ Đình Tuấn, chị Phạm Thị Liên ở khu dân cư Ninh Chấp 6, phường Thái Học (Chí Linh) đều nghiện ma túy. Anh Tuấn còn mắc căn bệnh thế kỷ HIV nhưng cuộc sống đã mỉm cười với anh chị khi "trái ngọt" tình yêu của họ là một bé trai kháu khỉnh, hoàn toàn khỏe mạnh.
Duyên kỳ ngộ
Anh Tuấn gặp chị Liên khi hai người cùng điều trị cai nghiện bằng methadone tại Trung tâm Y tế thị xã Chí Linh. “Mỗi sáng, trên đường đi uống thuốc, tôi thường thấy cô ấy đi bộ cả một quãng dài để tới Trung tâm Y tế thị xã. Cảm thương, tôi mời cô ấy lên xe đi cùng”, anh Tuấn mở đầu câu chuyện. Từ những câu chuyện dọc đường, họ hiểu nhau, thầm trao cho nhau sự mến cảm tự bao giờ chẳng biết.
Anh đã "lỡ một lần đò", sống cùng mẹ già. Mỗi khi anh bận phải đi làm đêm, chị lại tự nguyện mang chăn gối đến ngủ cùng mẹ anh cho căn nhà bớt hiu quạnh. Chị còn giúp anh thu xếp việc nhà, nấu nướng chăm sóc mẹ anh lúc trái gió trở trời.
Khi anh ngỏ ý muốn cưới chị làm vợ, chưa biết anh nhiễm HIV nhưng mẹ chị vẫn phản đối kịch liệt vì không muốn con mình lại thêm một lần khổ. “Nhà có một người nghiện đã đủ khổ rồi. Hai người nghiện sống với nhau thì chỉ có đường chết đói”, anh Tuấn nhớ lại lời mẹ vợ lúc đó. Hơn nữa, chị còn một con riêng, còn phải nuôi ăn học. Vậy nhưng khi mẹ anh sắm cơi trầu xuống thưa chuyện với mẹ chị thì mọi chuyện nghe cũng xuôi chèo mát mái. Anh chỉ làm một mâm cơm xin phép tổ tiên. Từ ngày đó, anh chị nên nghĩa vợ chồng. “Một năm sau, tôi có bầu cháu Mạnh bây giờ. Chúng tôi đắn đo lắm vì không biết cháu có nhiễm HIV không”, chị Liên nhớ lại.
Anh chị chia sẻ rất thật về chuyện của mình: “Xác định yêu là trao cho nhau cả sự sống nên dù đã được các bác sĩ khuyên và cảnh báo nhưng trong sinh hoạt vợ chồng, chúng tôi không dùng biện pháp phòng tránh lây nhiễm”. Chính vì vậy, khi sinh bé Mạnh, anh chị rất lo lắng, thường xuyên phải siêu âm, xét nghiệm để theo dõi. May mắn đến không ngờ là cháu Mạnh sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. “Chúng tôi cũng không ngờ anh Tuấn, chị Liên lại có thể sinh được cháu Mạnh khỏe mạnh, bình thường như vậy. Nay cháu đã lên 3, rất kháu khỉnh, bụ bẫm. Ai cũng mừng cho gia đình họ”, chị Nguyễn Thị Dung ở cùng khu dân cư cho biết.
Từ ngày có cháu Mạnh, anh chị thấy mình cần phải sống có trách nhiệm hơn. "Chúng tôi đã áp dụng biện pháp phòng tránh lây nhiễm, không chỉ cho mình mà hơn hết còn vì con", chị Liên cho biết. Trong ngôi nhà nhỏ, vật chất nghèo nàn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.
|
Theo dược sĩ Nguyễn Thị Yên, phụ trách Phòng ARV (Bệnh viện Đa khoa thị xã Chí Linh), các bệnh nhân HIV điều trị bằng thuốc kháng virus ARV vẫn có khả năng sinh con khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, họ cần phải áp dụng nghiêm các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, nhất là trong quan hệ tình dục.
Chưa nguôi ám ảnh
Hiện nay, ngoài đi xây anh còn làm cơ khí. Chị cấy 5 sào ruộng, buôn sắt vụn, ai thuê gì làm nấy. Cuộc sống cũng tạm ổn nhưng nhớ lại thời gian còn nghiện ngập, trong mắt anh hiện về bao ám ảnh.
Khoảng năm 1995, anh làm nghề khai thác than nên kinh tế cũng khá giả. Có tiền trong tay, bị bạn bè rủ rê, anh sa vào con đường nghiện ngập lúc nào không biết. Mỗi tép thuốc chỉ có giá 10.000 đồng, anh nghĩ chẳng bao giờ mình hết được tiền. Cũng chính vì ăn chơi, thiếu hiểu biết, anh Tuấn đã nhiễm HIV. Nhận thông báo từ bác sĩ, tai anh như ù đi, đất dưới chân như sụt xuống. Mỗi khi ra đường, người ta nhìn anh bằng con mắt ghê sợ. Họ gọi anh là kẻ “si đa”. Sau khi chia tay với vợ cũ, anh lang bạt khắp nơi, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Anh vào Nam ra Bắc, hết làm dân đào vàng đến thợ cơ khí, chẳng màng ngày công được bao nhiêu, chỉ cốt sao có tiền để thả mình theo làn khói trắng. Đến khi thân tàn ma dại, không kiếm được tiền nữa, anh trở về quê với cha mẹ.
Thỉnh thoảng, trong cả những cơn mơ, anh vẫn thấy hình ảnh tàn tạ của mình khi lên cơn thèm thuốc, thể xác dày vò, bao đồ đạc trong nhà "đội nón" ra đi. Người mẹ già còm cõi chạy vạy khắp nơi được mấy chục nghìn đồng, cả nhà lại rau cháo qua ngày… Khi tỉnh dậy, anh ôm mặt khóc. Anh thấy mình chỉ hơn con vật ở chỗ biết nói.
Quyết tâm lắm, năm 2000, anh đi cai nghiện 6 tháng. Năm 2004, anh tiếp tục xin đi cai nghiện tiếp vì chỉ có ở trong trại anh mới có thể giữ được mình. Từ năm 2007-2011, anh tiếp tục đi cai nghiện nhưng chỉ đến khi có liệu pháp cai nghiện bằng methadone, anh mới thực sự dứt được cơn thèm thuốc. Đặc biệt, từ khi có chị ở bên, lại sinh được cháu Mạnh, anh như có thêm động lực để sống. “Với tôi, được sống ngày nào, lo cho con ngày ấy là hạnh phúc. Nếu lỡ phải rời xa cuộc sống này khi cháu còn nhỏ quá thì tôi không nhắm mắt được”, anh trăn trở. Bây giờ anh mới thấy tiếc những tháng ngày phí hoài sức khỏe, tuổi thanh xuân vì ma túy. Còn chị Liên cho biết chị không mong chồng mình kiếm được nhiều tiền. “Tôi chỉ mong anh ấy khỏe mạnh, sống với mẹ con tôi mãi”.
Anh còn có một khát khao đến cháy bỏng, mong muốn xã hội có cái nhìn cảm thông hơn, không còn sự kỳ thị để những người có HIV như anh có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Ám ảnh về những ngày đầu cháu Vũ Đình Tuấn Mạnh đi mẫu giáo, anh không bao giờ quên. Mặc dù cháu hoàn toàn khỏe mạnh nhưng các phụ huynh khác có con học cùng trường với cháu đều phản đối. Họ yêu cầu gia đình phải để cháu ở nhà hoặc đưa đi xét nghiệm, có được kết quả gần nhất để chứng minh cháu không nhiễm HIV từ bố. “Tôi dằn vặt, tự trách mình, thương con và cũng thương chính mình. Tôi buộc phải đưa cháu đi xét nghiệm lại. Kết quả âm tính của cháu làm tôi nhẹ bẫng”, anh Tuấn cho biết. Anh đề nghị chúng tôi không giấu tên, địa chỉ của mình và chia sẻ câu chuyện rất chân thành cũng là vì mong muốn mọi người có cái nhìn thấu đáo hơn về những người nhiễm HIV.
LÊ HƯƠNG