Không để quy hoạch quốc gia chạy theo quy hoạch ngành, địa phương

Tin tức - Ngày đăng : 07:55, 22/11/2016

Sáng 21-11, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Quy hoạch.



Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành,
quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước. Ảnh: TTXVN


Quy hoạch phải bảo đảm tính thống nhất

Các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch thời gian qua, bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng dự án luật được thiết kế theo hướng luật khung để điều chỉnh hoạt động toàn bộ các quy hoạch, vừa có các nội dung để quy định các quy hoạch, quyền nghĩa vụ của các đối tượng tham gia hoạt động quy hoạch... là quá rộng.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phân tích: Với kỳ vọng có một luật với tầm bao quát, điều chỉnh cho mọi đối tượng là không khả thi, khó chế định được các nội dung một cách đầy đủ. Cần xác định đây là hoạt động quy hoạch công do Nhà nước thống nhất thực hiện, quản lý. "Không nên ôm đồm mà cần có giới hạn phân định để lập danh mục các đối tượng quy hoạch", đại biểu Nhân nêu rõ.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nêu ý kiến: Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các nguyên tắc để bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, khả thi của hoạt động quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch thường xuyên thay đổi phá vỡ quy hoạch như thời gian qua. Đại biểu Tuân đề nghị cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành.

Tán thành với quan điểm của đại biểu Tuân, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng việc quy hoạch cần lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước; quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên.

Chung quan điểm, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chỉ rõ: Cần mạnh dạn quy định một cách dứt khoát. Khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì chưa được lập quy hoạch ngành, vùng, địa phương. Ngược lại, muốn điều chỉnh quy hoạch ngành, vùng, địa phương phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy định như vậy vừa bảo đảm tính nghiêm minh trong quản lý quy hoạch, vừa tránh tình trạng quy hoạch tổng thể quốc gia ''chạy theo" quy hoạch ngành, vùng, địa phương như đã diễn ra từ lâu khi các tỉnh đua nhau xây dựng khu công nghiệp trước khi có quy hoạch, làm quy hoạch khu sinh thái, nghĩ dưỡng trên biển trước khi có quy hoạch tổng thể các khu sinh thái, nghỉ dưỡng...

Chỉ được nổ súng khi thật sự cấp bách

Buổi chiều, QH thảo luận dự án Luật Cảnh vệ. Thảo luận về việc sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ, nhiều ý kiến cho rằng việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Chỉ được nổ súng trong trường hợp thật sự cấp bách.

Đại biểu Dương Văn Thông (Bắc Giang) cho rằng, nổ súng là hành vi cần thiết được quy định trong dự thảo Luật Cảnh vệ, tuy nhiên cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để bảo đảm quyền thực thi nhiệm vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ, vừa không vi phạm quyền con người, quyền công dân. Dự thảo luật chưa có những quy định cụ thể về vành đai an toàn trong khu vực mục tiêu cảnh vệ, cũng như phân biệt giữa đối tượng là con người và khu vực sự kiện, dẫn đến quy định chưa thật đầy đủ, chặt chẽ.

Góp ý về quy định huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ, nhất là về thẩm quyền trưng dụng, nhiều đại biểu cho rằng theo quy định của Hiến pháp thì trong một số trường hợp cần thiết chỉ Nhà nước mới có quyền trưng dụng tài sản. Tại các điều 24, 25, 26 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đã quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, nội dung và trình tự quyết định trưng dụng tài sản. Theo đó chỉ giao một số bộ trưởng và chủ tịch UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền quyết định trưng dụng tài sản nhưng không được phân cấp thẩm quyền này. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được “thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện... theo quy định của pháp luật” là chưa rõ, dễ bị lạm dụng. Các đại biểu đề nghị sửa lại trong trường hợp cấp bách, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được “trưng dụng tài sản, phương tiện theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản”...

Ngày 22-11, QH tiếp tục làm việc tại hội trường.

TTXVN