10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 22-11
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 22:04, 22/11/2016
Bộ trưởng Nội vụ Mozambique thăm Việt Nam; Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP... là những sự kiện nổi bật ngày 22-11.
Chiều 22-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Jaime Basilio Monteiro, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Mozambique đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam Haike Manning chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand, ông Haike Manning. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Sáng 22-11, thực hiện chương trình kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận và nghe giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội Hải Phòng Đỗ Văn Bình phát biểu ý kiến. Ảnh : Nguyễn Dân TTXVN
Ngày 22-11, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác phối hợp phòng chống ma túy qua biên giới lần thứ XVI - năm 2016, giữa 8 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An (Việt Nam) và các tỉnh Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng (Lào). Tại hội nghị các đại biểu tập chung thảo luận các giải pháp phối hợp phòng, chống ma túy qua biên giới đồng thời ký biên bản ghi nhớ về việc tăng cường phối hợp trao đổi thông tin phục vụ phòng chống ma túy qua biên giới giữa 8 tỉnh. Trong ảnh: Hội nghị giao ban 8 tỉnh về phối hợp phòng, chống ma túy qua biên giới lần thứ XVI được tổ chức tại tỉnh Sơn La. Ảnh Công Luật-TTXVN
Ngày 22-11, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức bàn giao tàu vỏ thép đầu tiên theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ cho ngư dân Trần Văn Chiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tàu do Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á đóng mới và bàn giao theo hình thức "chìa khóa trao tay". Thời gian từ khi thi công đến hoàn thành và bàn giao tàu trong vòng 4 tháng. Tàu có tổng mức đầu tư 18,4 tỷ đồng, trong đó, nhà đầu tư tự bỏ vốn 5%; còn lại, Ngân hàng BIDV Thừa Thiên - Huế cho vay 95% vốn để thực hiện đóng mới tàu (khoảng 17,52 tỷ đồng). Tàu có chiều dài 28,09 m; rộng 6,79 m; thiết kế 1 máy chính hiệu MITSUBISHI với công suất 822HP, 2 máy phát điện MITSUBISHI có công suất 79KVA và 17KVA, hệ thống lái điện thủy lực, tời kéo lưới thủy lực 4 tấn, tời neo thủy lực 1,5 tấn. Trong ảnh: Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Chiến được bàn giao ngày 22-11. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Ngày 22-11, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác Ảnh và vẽ Poster”. Cuộc thi do Tổng cục Môi trường phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc và Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức, với thông điệp “Góp một bức ảnh, góp một bức tranh, một bằng chứng, một hành động vì môi trường Việt Nam”. Cuộc thi đã thu hút hơn 2.500 tác phẩm của các học sinh, sinh viên trên cả nước. Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 32 tác phẩm suất sắc nhất, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 14 giải khuyến khích và 2 giải tác phẩm được yêu thích nhất hạng mục sáng tác Ảnh. Trong ảnh: Trao giải Nhất cho hai tác giả đoạt giải. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN
Ngày 21-11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công bố một đoạn băng ghi hình phác thảo những công việc mà ông sẽ thực thi trong trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng. Theo đó, Tổng thống đắc cử quyết định sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đoạn băng trên, ông Trump cũng cho biết sẽ yêu cầu cắt giảm các quy định của Chính phủ, chỉ đạo Bộ Lao động điều tra các vụ lạm dụng chương trình thị thực, đồng thời hủy bỏ một số hạn chế đối với việc sản xuất năng lượng, trong đó có sản xuất dầu đá phiến, khí đốt và than đá. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã gọi TPP là một "thỏa thuận tồi" khi đưa việc làm của người Mỹ sang những quốc gia có giá nhân công rẻ hơn. Trong ảnh: Ông Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Las Vegas, Nevada. Ảnh: THX/TTXVN
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 22-11 thông báo các cuộc đàm phán mới diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Mont Pelerin ở Thụy Sĩ do LHQ bảo trợ, nhằm tái thống nhất đảo Cyprus đã không thể đạt được thỏa thuận. Trong vòng đàm phán này, Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades - đại diện cho cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp, và đại diện người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akinci đã không thể đạt đồng thuận để thống nhất tiêu chí cho những điều chỉnh về lãnh thổ - yếu tố quan trọng mở đường cho giai đoạn đàm phán cuối cùng. Tuy nhiên, hai bên đã quyết định quay trở lại Cyprus và xem xét các bước đi tiếp theo. Trong ảnh: Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades (thứ 3, phải) - đại diện cho cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp, và đại diện người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akinci (thứ 3, trái) tại vòng đàm phán ở Mont Pelerin, Thụy Sĩ ngày 20-11. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần tại khu vực bờ biển Đông Bắc nước này sau trận động đất mạnh 7,4 độ Richter sáng 22-11. Trận động đất xảy ra vào lúc 5h59 giờ địa phương, đã làm rung chuyển vùng Đông Bắc Nhật Bản. Tâm chấn của động đất ở 37,3 độ Vĩ Bắc và 141,6 độ Kinh Đông, ở độ sâu khoảng 10km khu vực ngoài khơi tỉnh Fukushima. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã lập tức cảnh báo về các đợt sóng thần có thể cao tới 3m và hối thúc người dân nhanh chóng sơ tán đến các khu vực cao hơn. Đợt sóng cao nhất được ghi nhận sau động đất cao 1,4m ở Vịnh Sendai thuộc tỉnh Miyagi. Theo Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương ở Hawaii, hiện mối đe dọa sóng thần ở miền bắc Nhật Bản cơ bản đã qua đi, song mực nước biển có thể thay đổi thất thường dọc một số bờ biển của nước này trong những giờ tới. Trong ảnh: Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima tại thị trấn Naraha, tỉnh Fukushima, Nhật Bản ngày 22-11. Ảnh: EPA/TTXVN
Ngày 22-11, Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải thêm gần 15.000 công chức, quân nhân, cảnh sát và các thành phần khác đồng thời đóng cửa hơn 550 tổ chức và 9 cơ quan báo chí được cho là liên quan đến vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7. Theo một sắc lệnh chính thức, trong cuộc trấn áp trên, khoảng 1.988 quân nhân bị sa thải khỏi Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với 7.586 từ lực lượng cảnh sát, 403 thành viên thuộc lực lượng hiến binh và hơn 5.000 người từ các cơ quan công quyền. Như vậy đến nay đã có hơn 110.000 người bị sa thải ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau chính biến vừa qua. Trong ảnh (tư liệu): Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) thăm cơ quan cảnh sát đặc nhiệm ở Ankara ngày 29-7. Ảnh: EPA/ TTXVN
Ngày 22-11, Tòa án trọng tài Moskva đã ra phán quyết yêu cầu Antonov - Tập đoàn nhà nước chuyên chế tạo máy bay của Ukraine, nộp phạt 180,3 triệu rúp (khoảng 2,7 triệu USD). Theo luật tố tụng, bị đơn có thể kháng cáo quyết định của tòa án trong vòng một tháng. Trước đó, năm 1989, Bộ Quốc phòng Nga và Tập đoàn Antonov đã ký hợp đồng thực hiện và chuyển giao việc thiết kế-phát triển, chế tạo máy bay AN-70, song hợp đồng này chưa được thực hiện. Hồi tháng 5/2015, cựu Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga. Sau đó 2 tháng, Bộ Quốc phòng Nga đã đệ đơn kiện Antonov và yêu cầu đối tác bồi thường 357,5 triệu rúp (5,35 triệu USD) do phá vỡ hợp đồng. Hồi đầu năm nay, Ukraine đã tuyên bố giải thể tập đoàn này. Trong ảnh: Máy bay Antonov An-225 cất cánh từ sân bay Gostomel gần thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: EPA/TTXVN