Đeo kính quá độ: "Tiền mất, tật mang"
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:36, 26/11/2016
Khi mắt có những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên
khoa mắt để được chẩn đoán, tư vấn chính xác
Theo Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế), phần lớn các cơ sở dịch vụ kính thuốc trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều ở TP Hải Dương. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 17 cơ sở dịch vụ kính thuốc nhưng mới chỉ có 6 cơ sở được cấp phép hoạt động. Vì lợi nhuận, một số cơ sở cố tình bỏ qua công đoạn, tư vấn không chính xác cho khách hàng.
Trước khi đi kiểm tra mắt, chúng tôi đã trao đổi với một số bác sĩ chuyên khoa mắt và được biết nếu cận dưới 0,75 diop thì không cần phải đeo kính. Trong vai một khách hàng, tôi tìm đến một cơ sở dịch vụ kính thuốc ở TP Hải Dương. Khi biết tôi muốn đo mắt, một nhân viên dẫn tới chiếc máy đo tật khúc xạ. Đo xong ra đọc chữ cái trên bảng đo thị lực. Sau khi thay đổi một số tròng kính và liên tục hỏi tôi đã nhìn rõ chưa thì người nhân viên cho tôi đeo một chiếc kính, rồi bảo đợi khoảng 15-20 phút. Sau đó nhân viên đưa ra kết luận, mắt trái của tôi bình thường nhưng mắt phải bị cận 0,7 diop. Theo lời tư vấn của nhân viên, tôi cần phải đeo kính cận vì thông thường cận 0,5 diop đã phải sử dụng đến kính (?).
Chính vì những lời tư vấn hoặc đo kiểm mắt không chính xác như vậy nên nhiều người phải đeo kính quá độ, ảnh hưởng xấu tới thị lực. Vừa qua, anh Trần Văn Đạt ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) đưa con đến Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh khám mới tá hỏa khi biết con mình đã đeo một chiếc kính cận quá độ. Trước đó, anh cho con đi đo mắt ở một cơ sở dịch vụ kính thuốc và được cơ sở này tư vấn, bán cho cặp kính cận cả hai mắt là 3,75 diop. Tuy nhiên, qua kiểm tra ở Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh, mắt phải của con anh Đạt cận 3,75 diop, còn mắt trái chỉ cận 2,75 diop.
Theo bác sĩ Trần Thị Tuyến, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh), số người phải đeo kính quá độ chiếm khoảng 40% tổng số người đến bệnh viện vì có những thắc mắc liên quan đến sử dụng kính. Khi khám mắt ở bệnh viện, các bác sĩ sẽ nhỏ thuốc điều tiết và có thể hẹn bệnh nhân quay lại sau một vài ngày để kiểm tra chính xác tình trạng mắt. Thực tế cho thấy ở các cơ sở dịch vụ kính thuốc, công đoạn nhỏ thuốc điều tiết mắt hầu như đều bị bỏ qua. Chưa kể ở một số cơ sở chưa được cấp phép có thể xảy ra việc đo mắt không chính xác. Mất thời gian chờ đợi, phải đi lại nhiều lần là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều người không đến khám tại các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa mà chọn các cơ sở dịch vụ kính thuốc. Việc đeo kính quá độ quá lâu khiến mắt phải điều tiết nhiều, dẫn đến nhức mỏi, thị lực giảm, ngày càng bị phụ thuộc vào kính.
Ông Nguyễn Văn Tường, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân khuyến cáo khi có các dấu hiệu nhìn mờ, nhức mỏi mắt, người dân nên đến khám mắt tại các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa mắt để được chẩn đoán chính xác. Sau đó, nên lựa chọn những cơ sở dịch vụ kính thuốc đã được Sở Y tế cấp phép hoạt động để mua kính bảo đảm chất lượng.
HOÀNG QUÂN
Theo Thông tư số 41/2011/TT - BYT của Bộ Y tế, cơ sở dịch vụ kính thuốc phải bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân sự mới được cấp giấy phép hoạt động. Trong đó, cơ sở phải đủ dụng cụ, thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn như đã đăng ký. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên, có chứng chỉ hành nghề về dịch vụ kính thuốc, có thời gian thực hiện đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt tại cơ sở dịch vụ kính thuốc hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa mắt ít nhất là 45 tháng. Người hành nghề dịch vụ kính thuốc phải có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ về thiết bị y tế (thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt) do cơ sở được Bộ Y tế chỉ định đào tạo và cấp. |