Phố Vải

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:04, 03/12/2016



Ngõ nhỏ 103 của phố Hạnh Thông đi vào làng vải được nâng cấp thành phố Vải. Không những thế, về phía nam nó được kéo dài tới con suối Vân Sơn, nơi sẽ được xây dựng thành điểm vui chơi giải trí. Về phía Bắc nối với khu công nghiệp Kim Sơn và trung tâm thành phố. Nơi giao nhau của phố Hạnh Thông và phố Vải được gọi luôn là ngã tư Vải.

Ở giai đoạn xây dựng dự án, người ta cứ hỏi nhau không biết con phố này sẽ là phố như thế nào, khi trước mắt chỉ thấy những vườn vải, đường đi lối lại cổ xưa, trồi sụt. Người thì nói: "Phố gì, chắc lại phố lèo tèo, phố phơi rơm phơi rạ". Người tỏ ra sành sỏi hơn thì nói: "Chắc lại là nhà không số phố không tên. Giải quyết khâu oai". Đừng vội trách người ta buông ra những lời như thế, bởi vì quả là đã có tình trạng phố xá như vậy đã xảy ra trong quá khứ. Khi thời thế đã khác thì công việc sắp đặt lại quê hương cũng đổi khác. Và quả tình, việc mở ra một con phố nó diễn ra như có phép biến đổi mà những ai không liên quan không thể hình dung được về chi tiết các hạng mục, tổng thể công trình cũng như tiến độ của nó. Bắt đầu là đường, tiếp đến là điện, các điểm dịch vụ, nhà dân… Từ vùng xa xôi, thuần nông có tên gọi là làng vải chỉ vỏn vẹn vài ba năm đã thành phố Vải của thời kinh tế thị trường, phố Vải của thời coi trọng môi trường sinh thái. Đúng là: "Đồng tiền không phấn không hồ/Mà sao khéo điểm khéo tô mặt người". Không chỉ là mặt người mà là cảnh quan, môi trường nó cũng tô điểm rất màu nhiệm.

Khi Thu Quỳnh mang ba lô đi học Trường Đại học Thương mại thì việc xây dựng phố Vải mới bắt đầu. Hơn bốn năm, sau khi cô nhận bằng tốt nghiệp và trở về thì phố vải của cô đã được xây dựng gần hoàn thiện. Nhà cô đã có số trên phố Hạnh Thông. Đó là một ngôi nhà có hơn năm mươi mét mặt đường với vườn vải trên bốn ngàn mét vuông. Nhờ tiền bồi thường thu hồi đất, ngôi nhà tranh năm xưa của gia đình cô đã được thay bằng nhà ba tầng rộng rãi với đầy đủ tiện nghi. Có thể gọi đó là biệt thự cũng được. Nhiều khi Quỳnh đi lại trong nhà mình, ra phố nhìn ngắm người xe lại qua mà ngỡ như đang trong một giấc mơ. Từ làng cây đặc sản lên phố, có rất nhiều chuyện để kể, để chiêm nghiệm, không biết chép mấy quyển sách mới hết, có thể kể cho mấy đời sau vẫn lạ lẫm. Nhưng có lẽ chuyện đổi thay trong nếp sống của người dân từ làng lên phố là phong phú và sinh động nhất.

Làng đã lên phố bao nhiêu năm nhưng ra đường bà Bường vẫn quen nếp tay xách nách mang, thúng mủng kềnh càng trên đường nườm nượp xe cộ. Ông cả Hoạch dắt trâu ra ruộng, hồn nhiên qua đường như ngày xưa ông vẫn dong trâu trong vùng vải quê ông. Bà Lục ở nhà trông cháu cho cậu thanh niên mượn xe đạp vì cậu ta bỏ lại chiếc xe đạp xẹp lốp. Cậu ta nói như thật là cháu vào đồi vải gọi mẹ cháu gấp. Về sau mới biết bà bị cậu ta lừa. Chiếc xe đạp bỏ lại là xe đạp "ghẻ", cậu ta chủ động cho xì hơi. Còn bà thì cả tin vì vẫn giữ tâm tính người vùng vải. Những chuyện ngô nghê, mất của là chuyện nhỏ, còn có cả những chuyện lớn hơn, xót xa hơn, xuất phát từ đổi thay nếp sống. Cụ Thiềng chạy đi gọi con trai đang đánh cờ về ăn cơm, bất ngờ bị ô tô cán chết. Nguyên nhân là do cụ băng qua đường mà không trông trước, trông sau. Mấy đứa trẻ được bố mẹ mua cho xe máy mới, rủ nhau phóng lên khu công nghiệp, vào thành phố chơi, gặp ngay tai nạn ở ngã tư Vải do vượt đèn đỏ…Rất nhiều biển báo, thông báo, bản tin nói về an toàn giao thông ở vùng phố Vải được thực hiện nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Những mũi tên chỉ đường dường như vẫn chưa được người dân nhập tâm. Những vạch cách, vạch liền thì không có ai chịu trách nhiệm hướng dẫn cho người ta hiểu nó là gì, thực hiện ra làm sao. Người phố Vải cứ hồn nhiên đi sai, dừng sai, rẽ trái sai, rẽ phải sai. Bị công an thổi còi thì hồn nhiên hỏi: "Gì chú?". Nhưng nơi bức xúc nhất về vi phạm trật tự giao thông là ngã tư phố Vải. Vải càng được mùa thì phố càng tấp nập, trật tự giao thông càng phức tạp. Người vi phạm theo cách quê mùa có, theo cách ngổ ngáo có, theo cách sành sỏi có. Đứng vào vị trí của người cảnh sát giao thông mới thấy được họ bức xúc, khổ sở như thế nào. Ngã tư đường nơi có đèn xanh đèn đỏ có thể cũng là nơi giúp người ta xác định được nhân cách con người, ai xanh, ai đỏ, ai đen. Vì thế những chuyện trái tai gai mắt nơi ngã tư tự nhiên cứ được người dân phố Vải lan truyền cho nhau ngày ngày.

Thu Quỳnh làm kế toán cho công ty kinh doanh nông sản Hà Thành trong khu công nghiệp LASA. Khi công ty này đi vào hoạt động, nhiều cửa hàng, đại lý thu mua nông sản được hình thành trên phố Vải, góp phần đổi thay diện mạo quê hương cô. Điều này làm cho Thu Quỳnh không chỉ vui bởi không gian sinh thái nơi phố xá thêm sinh động mà còn thấy tương lai của bản thân và gia đình ngày càng vững chắc hơn. Hằng ngày đi về, Thu Quỳnh được chứng kiến nhiều niềm vui cũng như sự phiền lòng nơi ngã tư Vải. Quỳnh nhận ra rằng dân phố Vải hầu như không cố tình vi phạm luật giao thông, họ không láu cá, ngổ ngáo qua mặt công an, qua mặt mọi người để chen lấn. Những hành vi này thuộc khách thập phương, đi trên những chiếc xe máy từ tỉnh ngoài hoặc thành phố đến. Quỳnh ghét nhất là những anh chàng, cô gái tóc xanh mỏ đỏ, ra vẻ sành điệu phớt đời rồi phớt luôn quy tắc ứng xử của xã hội.

Hôm ấy là một ngày thứ 6 đẹp trời của mùa vải mới. Khi mọi người từ phòng kế toán chuẩn bị ra về thì Hoàng Lan, bạn làm việc cùng phòng của Quỳnh hỏi:

- Hình như bạn sốt ruột, muốn về ngay. Có chàng hẹn chăng?

Quỳnh cũng hỏi lại bạn như thể thăm dò:

- Sao bạn biết?

Hoàng Lan tủm tỉm:

- Biết ngay mà. Khai ra đi, đẹp trai không? Xù không (Có nghĩa là giàu có không)?

Quỳnh chín chắn trả lời:

- Bây giờ thì chưa nói cho bạn được, với lại chẳng có hẹn hò nào cả.

Dù chỉ là câu hỏi thăm dò, trêu nghịch của Hoàng Lan nhưng cũng làm cho Thu Quỳnh cảm thấy bồi hồi, xao xuyến. Trái tim con gái tuổi yêu là thế. Chiếc điện thoại trong túi xách vẫn lặng im, không đổ chuông cuộc gọi, không tín hiệu tin nhắn. Quỳnh lan man suy nghĩ trên đường về nhà. Đến ngã tư Vải, Quỳnh thấy một cảnh chộn rộn đang xảy ra.

 Mấy người hô to:

- Nó chạy về phía Vân Sơn rồi.

Trong khi đó thì ở nơi ngã tư, Quỳnh thấy Lê Bình, chiến sĩ cảnh sát giao thông trong phiên làm việc đang dìu một chị bán vải quả vào vệ đường. Chị đi dặt dẹo, đau đớn, nhiều chùm vải tung tóe trên đường, người thì nhặt vì mục đích hôi của, người thì đưa lại cho chủ gánh hàng. Thấy Lê Bình tận tình với người bị hoạn nạn, nhiều người đồng cảm, ủng hộ anh bằng cách hỏi han, chia sẻ. Người bị nạn thì cảm ơn anh trong sự đau đớn. Chứng kiến cảnh ấy, tự nhiên Thu Quỳnh cảm thấy mình không thể đứng ngoài cuộc. Cô đi đến bên cạnh Lê Bình và hỏi:

- Anh Bình, em có thể giúp gì được không?

Nhận ra Thu Quỳnh, Bình nở nụ cười thân thiện nhưng mệt nhọc. Điều này làm cho Thu Quỳnh cảm thấy xao lòng.

Nhìn chị hàng vải đang ngồi rũ trên chiếc đòn gánh, Bình nói:

- Em có thể đưa chị này về được không? Còn gánh vải thì anh sẽ nhờ bác xích lô đi cùng.

Chị bán vải nói:

- Cảm ơn chú công an. Cảm ơn cô. Tôi gánh hàng đi nhập cho cửa hàng thu mua cuối phố Vải. Nhưng bây giờ người bị què, hàng họ tàn tượi thế này không biết còn nhập được nữa không?

Quỳnh động viên:

- Dãy cửa hàng đó thuộc công ty em làm việc. Em có quen biết họ. Em sẽ nói giúp. Họ thông cảm với chị phần nào hay phần đó.

Lê Bình chào Thu Quỳnh bằng câu nói rất nghề:

- Em đưa chị đi an toàn nhé. Ai bảo quen công an làm gì cho thêm việc?

Khi Thu Quỳnh về tới nhà thì trời đã sẩm tối. Quỳnh thấy lạ vì vào tầm này mà nhà vẫn vắng tanh. Đứa em trai của Quỳnh học Trường Đại học Thể dục thể thao về nhà nghỉ mấy hôm cũng không có nhà.

Trong khi Quỳnh đang phân vân thì thấy lao xao một đoàn người từ cuối phố Vải đi ngược lên. Cái bóng cao lớn của đứa em trai đi hàng đầu trong đoàn người ấy. Quỳnh nghe rõ có ai đó nói:

- Ông bảo có quen cô Thu Quỳnh thì nhà cô ấy đây. Ông muốn gặp thì cô ấy kia rồi.

Mới nghe vậy, Quỳnh đã xây xẩm mặt mày, thật là trớ trêu và xấu hổ. Mặt đất có lỗ nẻ thì chắc cô sẽ chui ngay xuống. Đoàn người đến trước mặt cô sầm sập như tàu tốc hành. Người quen của cô đi như bị áp giải.

Là một cô gái xinh xắn, ăn nói có duyên, Quỳnh có nhiều chàng trai đeo đuổi trong đó có Hạnh, cũng là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Họ quen nhau khi cả hai thường tham gia các hoạt động có tính cộng đồng của các trường đại học. Quỳnh có cảm tình với Hạnh vì người bạn này có tính xốc vác, quyết đoán, mạnh mẽ. Hạnh hứa chắc sẽ có lần về thăm nhà Quỳnh sau khi đã yên ổn công việc. Lần đầu tiên về thăm Quỳnh của Hạnh là thế này ư? Là người nhạy cảm, em trai Quỳnh phát hiện ra ngay giữa chị gái và người thanh niên có mối quan hệ đặc biệt nên anh làm lắng dịu sự căng thẳng:

- Cũng không có gì nghiêm trọng lắm đâu chị. Anh này không trấn lột, không ăn cướp. Nhưng là người gây ra tai nạn cho người khác, lại là người nghèo rồi bỏ chạy nên bị mọi người bất bình và đuổi bắt. Đây là nếp sống mới của phố mình, chị biết rồi.

Nói đến nếp sống của phố mình, Quỳnh hiểu ngay, nếu không vì một lý do nào khác thì người ta sẽ dẫn những kẻ như Hạnh giao cho công an xử lý. Chỉ nghĩ đến việc cùng với Hạnh xuất hiện trước mặt Lê Bình cô đã thấy ngao ngán và xấu hổ rồi. Quỳnh yếu ớt nói: - Anh ấy là bạn học của tôi. Mong mọi người thông cảm. Hãy để anh ấy ở lại nhà tôi. Cảm ơn mọi người.

Đêm ấy là một đêm rất dài. Mười hai giờ Thu Quỳnh chưa ngủ. Phòng của khách vẫn sáng đèn, chắc Hạnh không thể ngủ được. Phòng em trai Quỳnh vẫn sáng đèn, cậu ta ghiền xem bóng đá. Mở máy điện thoại, rất nhiều tin nhắn về. Hoàng Lan "chát" với Quỳnh:

- Chàng về thật không bồ?

- Không phải chàng mà là quỷ.

- Quỷ là sao?

- Là không phải người.

- Thui rùi. Nghiêm trọng vậy sao?
- Không nghiêm trọng nhưng bùn và bùn cười.

Và đây là tin nhắn của Lê Bình.

- Cảm ơn em đã hợp tác và giúp đỡ. Hãy thông cảm cho công việc của bọn anh. Quỳnh thấy vui trong lòng và nhắn lại, kiểu tinh nghịch:

- Em muốn giúp nhiều hơn nữa kia. Nhận không?

Sáng hôm sau, Thu Quỳnh đến công ty sớm. Hoàng Lan cũng đến sớm hơn mọi ngày.  Mặc dù Quỳnh không muốn, câu chuyện đi thăm bạn không giống ai của Hạnh vẫn nhanh chóng được nhiều người trong công ty biết. Họ cũng biết mối thiện cảm của Thu Quỳnh đối với chiến sĩ cảnh sát giao thông. Có người nửa đùa nửa thật nói: "Làm rể phố Vải phải bắt đầu từ vải. Nhẩy!".

 Truyện ngắn của THÁI BÁ LÝ