Cần có chính sách khác biệt để kêu gọi đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 20:29, 07/12/2016

Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển cũng được nhiều đại biểu "mổ xẻ" trong phiên thảo luận tổ chiều 7-12.




Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh Nguyễn Đức Hóa


Lo tụt hậu trong phát triển kinh tế - xã hội

Lo ngại tỉnh ta sẽ có nguy cơ tụt hậu so với một số tỉnh lân cận, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Kim Thành) đề nghị cần bổ sung nguy cơ này vào báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, từ đó đề ra giải pháp giải quyết. "Nhìn các tỉnh xung quanh ta thì họ rất mạnh. Các tỉnh cạnh tranh nhau về kêu gọi đầu tư. Do vậy cần bổ sung thêm các giải pháp về cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư, cần có chính sách khác biệt với tỉnh khác", ông Thưởng nói.

Đại biểu Nguyễn Công Hải (Kim Thành) nhận định rằng vấn đề khởi nghiệp đang hết sức nóng bỏng, bức thiết. Ông Hải đề xuất: Để những tiểu nông, tiểu công, tiểu thương thành doanh nghiệp rất cần sự ủng hộ của các cấp chính quyền. Trong phương hướng năm 2017 cần có sự hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp; có những nguồn vốn ưu đãi, kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong việc thu hút đầu tư cần chỉ ra lợi thế so sánh cụ thể, mục tiêu rõ ràng, chứ không chỉ đưa ra định hướng. Dẫn chứng một ví dụ cụ thể về một doanh nghiệp đang tìm hiểu để muốn đầu tư xây dựng sân gôn ở bãi soi xã Đại Đồng (Tứ Kỳ), ông Hải đề nghị có cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư vào đây để tháo gỡ vướng mắc, chẳng hạn như cho miễn thuế thu nhập doanh nghiệp... "Hiện nay chúng ta không đầu tư được nhiều thì phải mở cửa mạnh cho đầu tư từ xã hội. Do vậy phải cải cách thủ tục hành chính để huy động nguồn lực từ người dân... Hiện nay, Chính phủ có Nghị quyết 15 đã cởi trói cho vấn đề đổi đất lấy hạ tầng. Nếu chúng ta cởi trói được cái này thì sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng", ông Hải cho biết.

Băn khoăn cải cách hành chính



Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ


Cùng chung nhận định cải cách hành chính của tỉnh thời gian qua có chuyển biến nhưng một số đại biểu cho rằng cần phải có bước đột phá trong lĩnh vực này. Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Tiến Tầng nêu thực tế có nhiều lần cùng một ngày cả lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo sở, ngành cùng mời làm việc, trong giấy mời ghi đích danh mời chủ tịch huyện. "Cùng một ngày, lãnh đạo tỉnh mời họp trong khi đó lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời làm việc về dự án nuôi trồng thủy sản. Dự án thủy sản sát sườn với huyện nên tôi đi và cử cấp phó đi họp ở tỉnh", ông Tầng nói. Ông Tầng đề nghị lãnh đạo tỉnh phải nắm được các cuộc làm việc của sở, ngành với các địa phương để tránh tình trạng chồng chéo như trên.

Đại biểu Đoàn Việt Hùng (TP Hải Dương) nêu hiện nay có tình trạng hô hào thực hiện cải cách hành chính nhưng lại không xem cơ quan, đơn vị mình đã thực hiện tốt hay chưa. Ai cũng nói cải cách hành chính nhưng hình như việc này ở đâu đó. "Đi đăng ký chiếc xe máy cũng gặp khó khăn, đi bệnh viện không quen biết cũng khó khăn. Phải lấy sự hài lòng của nhân dân là thước đo của cải cách hành chính", đại biểu Hùng thẳng thắn.

Ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết từng cơ quan, đơn  vị phải tập trung thực hiện cải cách hành chính, trong đó trọng tâm cải cách thủ tục hành chính. Từ bố trí con người, chọn người có chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện ở vị trí một cửa cho tốt. Song song với đó là quy trách nhiệm người đứng đầu. Nếu cơ quan, đơn vị nào để xảy ra chậm trễ trong cải cách thủ tục hành chính, thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

Thảo luận việc tinh giản biên chế, ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết tất cả các cấp, các ngành đều phải thực hiện tốt xây dựng đề án tinh giản biên chế, đến năm 2021 phải giảm 10%. Ngoài những người nghỉ hưu còn phải tinh giản những người không hoàn thành nhiệm vụ. UBND tỉnh đang xem xét phê duyệt Đề án "Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021"...

Chưa đồng tình mức phân bổ đầu tư công giữa các địa phương

Nhiều ý kiến cho rằng việc phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 giữa các địa phương còn bất hợp lý, cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách) cho biết trong giai đoạn 2016-2020, việc phân bổ vốn đầu tư công thành chia thành 2 nhóm, trong đó có nhóm gồm TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn và nhóm 9 huyện còn lại. Nhóm 9 huyện được phân bổ vốn đầu tư chỉ chiếm 25,1% trong khi nhóm 3 địa phương còn lại được phân bổ nguồn vốn chiếm 74,9%. "Dù 3 địa phương này có cơ chế đặc thù riêng để phát triển đô thị song phân bổ như vậy có vẻ chưa hợp lý. Tỉnh cần nghiên cứu phân bổ theo công trình cần thiết hoặc không cần thiết, hoặc nhóm các huyện cho phù hợp", ông Hùng đề xuất. Tương tự, đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) nhận định, trong giai đoạn 2016-2020, một số nơi được đầu tư lớn hơn, còn nhóm 9 huyện còn lại mỗi nơi có mức đầu quá thấp. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) đề nghị cần nghiên cứu lại việc phân bổ đầu tư công sao cho công bằng, tất nhiên những đơn vị khác cũng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hơn.

Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết TP Hải Dương, huyện Kinh Môn, thị xã Chí Linh chiếm phần lớn vốn đầu tư dựa trên căn cứ là địa phương đặc thù và được HĐND tỉnh thông qua. Việc tăng định mức cấp cho các địa phương thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2017-2020, tỉnh ta được Trung ương hỗ trợ 450 tỷ, tỉnh hỗ trợ 50 tỷ cho xây dựng nông thôn mới, sẽ tiếp tục phân bổ cho các địa phương.

Một số đại biểu kiến nghị cần tập trung phân bổ vốn cho những dự án thật sự mang lại lợi ích, những dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tránh đầu tư dàn trải; tỉnh cần sớm có kế hoạch phân bổ vốn sớm để các ngành, địa phương chủ động.

Ngày 8-12, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có thu; thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn.

NHÓM PV