Tạo động lực khơi dậy phong trào khởi nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 11:34, 08/12/2016

Sáng 8-12, HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường, làm rõ một số vấn đề trong buổi thảo luận tổ chiều 7-12.



Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Nam Sách). Ảnh: Thành Chung

Cần tạo phong trào khởi nghiệp

Thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Nam Sách) cho rằng tỷ trọng đầu tư cho phát triển trên tổng nguồn ngân sách rất thấp. Điều này thể hiện việc làm ra được bao nhiêu giành phần lớn cho chi thường xuyên. Tuy nhiên, đại biểu Hải cho rằng căn cứ vào nguồn thu thấp của tỉnh thì chi cho đầu tư phát triển của tỉnh cũng  đáng kể. Tuy nhiên, đại biểu Hải lưu ý việc đầu tư phát triển đã ít thì phải quan tâm đến đầu tư trúng, đúng, tập trung cho những công trình trọng điểm để đưa vào sử dụng, tránh đầu tư dàn trải. Ngoài ra, tỉnh cũng không chỉ quan tâm đến hạ tầng mà cần quan tâm đầu tư cho an ninh chính trị, văn hóa.

Trăn trở trước số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thành lập mới không nhiều nhưng số giải thể, ngừng hoạt động cũng không nhỏ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị tỉnh cần phải có cơ chế hỗ trợ những kỹ sư, cử nhân ra trường bắt tay khởi nghiệp. Đại biểu Hải đề nghị cần có chính sách hỗ trợ tốt làm động lực để tạo phong trào khởi nghiệp của thanh niên Hải Dương. "Chúng ta đang có lực lượng thanh niên có trình độ rất đông đảo nhưng đang bị lãng phí. Đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ để đội ngũ trí thức trẻ này khởi nghiệp chứ con số 1.200 doanh nghiệp được thành lập năm 2016 không nhiều so với tiềm năng của tỉnh", đại biểu Hải nói. Đại biểu Hải cũng đề nghị tỉnh cần rà soát lại số doanh nghiệp còn thực sự hoạt động để có đánh giá chính xác hơn về tình hình kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm đến doanh nghiệp để sản xuất.

Nhận định cải cách thủ tục hành chính trong những năm qua có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đại biểu Hải cũng đề nghị tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành thực hiện tốt hơn nữa từ tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ các cơ quan công quyền. Tỉnh cũng cần phải thực hiện tốt cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đơn vị này có kênh riêng theo dõi cải cách hành chính tại Hải Dương. Đại biểu Hải đề nghị các sở, ngành cần rà soát, loại bỏ các loại văn bản làm cản trở quá trình phát triển của tỉnh.

Quan tâm đầu tư hạ tầng những huyện nghèo

Ông Nguyễn Tiến Tầng, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh cần quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng ở các địa bàn khó khăn như Ninh Giang, Thanh Hà để thu hút đầu tư. "Phần lớn trong phân bổ đầu tư công tập trung ở TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn nên 9 huyện còn lại được đầu tư rất ít. Nếu tính không quan tâm đến những huyện còn khó khăn thì sẽ xảy ra phân hóa giàu nghèo giữa các địa phương trong tỉnh", ông Tầng bức xúc. Ông Tầng lấy ví dụ con đường vào trung tâm huyện trước kia là đường quốc lộ nhưng nay nhỏ hẹp, xuống cấp không bằng đường huyện. "Ninh Giang như con số 0 vì nhiều năm qua phát triển triển rất kém", ông Tầng dẫn lời một đồng chí lãnh đạo tỉnh khi về thăm Ninh Giang. Ông Tầng cũng đề nghị tỉnh khởi động lại dự án trục Bắc - Nam vì năm 2016 gần như không đầu tư trong khi đó huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, gây khó khăn trong thu hút đầu tư của huyện.



Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà)

Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà) đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng cầu nối xã Thanh Cường (Thanh Hà) với huyện An Lão (Hải Phòng) để thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện, kết nối giao thương giữa Thanh Hà với Hải Phòng, Thái Bình.

Làm rõ về vấn đề này, ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết tỉnh sẽ huy động nguồn lực theo hình thức đầu tư BOT đối với tuyến đường trục Bắc - Nam từ cầu Hiệp đến nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại huyện Gia Lộc. Đoạn từ phà Triều đến phà Mây cũng đang được tỉnh kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT. Theo tính toán, cầu Mây được ưu tiên làm trước. Riêng cầu Triều còn liên quan đến tỉnh Quảng Ninh nên hai tỉnh phải bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện. Ông Long cũng cho biết Ban Thường vụ 2 địa phương Hải Phòng và Hải Dương đã làm việc và thống nhất sẽ tính toán xây dựng cầu từ xã Thanh Cường (Thanh Hà) sang huyện An Lão (Hải Phòng). Dự án này hết khoảng 350-400 tỷ đồng. Thời gian tới, lãnh đạo 2 địa phương tiếp tục bàn bạc để đi đến thống nhất việc xây dựng cây cầu này.



Ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Trước khi kết thúc phần thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh đang là rào cản, làm xấu đi môi trường đầu tư tại Hải Dương, khiến các cơ quan từ tỉnh đến địa phương đau đầu. "Thông thường phải mất 2 năm mới hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng có công trình 10 năm trời vẫn chưa làm xong. Doanh nghiệp ra không ra được vào không vào được khi đã đổ quá nhiều tiền vào dự án", đại biểu Hải bức xúc. Đại biểu Hải cho rằng nếu tỉnh không giải quyết được việc này thì nguồn lực rất lớn của doanh nghiệp sẽ bị chôn vùi ở đó. Một trong những nguyên nhân của việc chậm giải phóng mặt bằng được đại biểu Hải chỉ rõ là cán bộ các ban giải phóng mặt bằng từ tỉnh đến huyện đều làm việc kiêm nhiệm. Những người làm việc chuyên trách thì trình độ kém. "Nhiều ban giải phóng mặt bằng là cái túi chứa những cán bộ yếu kém, không làm được việc. Chỗ này cần những người có trình độ cao mới làm được", đại biểu Hải nói.

Bức xúc trước tình trạng xe quá tải tránh trạm thu phí Quán Toan đi vào quốc lộ 17B từ ga Phú Thái đến xã An Hòa (An Dương, Hải Phòng), đại biểu Ngô Thị Tho cho biết tuyến đường này dài hơn 10km, có 3 chiếc cầu yếu nhưng hằng ngày có hàng trăm lượt xe container chạy qua tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông và sập cầu.

Về vấn đề này, ông Lê Đình Long cho biết qua kiểm tra cho thấy số xe đi vào quốc lộ 17B chủ yếu xe không chở hàng nên vẫn bảo đảm đi qua một số cây cầu có tải trọng 10 tấn trên tuyến đường nên rất khó phạt. Kết luận việc này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Giao thông vận tải căn cứ quy định hiện hành tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý cả xe quá khổ tránh trạm cân đi vào đường 17B.

SỸ THẮNG