Tứ Kỳ: Cụm công nghiệp “hồi sinh”

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 06:52, 09/12/2016

Với những giải pháp phù hợp, thời gian gần đây, huyện Tứ Kỳ đã thu hút được khá nhiều dự án công nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn.



Công ty CP Sản xuất thương mại Tân Thuận Cường ở cụm công nghiệp Kỳ Sơn
giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương


Hết cảnh “đóng băng”

Năm 2011, sản xuất công nghiệp của huyện Tứ Kỳ đứng trước cơ hội bứt phá vươn lên khi UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng cho dự án dệt Pacific Việt Nam và dự án may Tinh Lợi mở rộng vào CCN Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) với quy mô trên 80 ha, tổng vốn đầu tư 538 triệu USD. Hai dự án này khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ thu hút gần 1,5 vạn lao động của xã Nguyên Giáp và các vùng lân cận vào làm việc. Tuy nhiên, vì không thể tháo gỡ được những khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng nên hai dự án này đành "lỗi hẹn" với huyện Tứ Kỳ. Những năm tiếp theo, CCN Nguyên Giáp luôn trong tình trang bị “đóng băng” vì không có doanh nghiệp nào đầu tư.

Tuy nhiên, thực trạng ảm đạm tại CCN Nguyên Giáp đã được phá vỡ khi năm 2015, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Bai Hong (100% vốn Đài Loan) đầu tư xây dựng nhà máy chuyên sản xuất giầy, dép da xuất khẩu vào đây. Đầu năm nay, nhà máy này đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 900 lao động địa phương. Hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất nhôm kính và đế giầy xuất khẩu cũng đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại CCN Nguyên Giáp, dự kiến đầu năm 2017 sẽ đi vào hoạt động.

Cách CCN Nguyên Giáp không xa, CCN Văn Tố với diện tích hơn 35 ha cũng bắt đầu sôi động sau một thời gian khá dài chỉ để cho cỏ dại mọc. Đầu năm 2016, CCN này thu hút được 2 dự án là Nhà máy sản xuất trang phục thể thao, găng tay, mũ của Công ty TNHH Young Tech Việt Nam và cơ sở gia công hàng may mặc xuất khẩu của bà Nguyễn Thị Hiếu. Hiện nay, hai doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương.

Trên địa bàn huyện Tứ Kỳ có 4 CCN, gồm: Ngọc Sơn (59,5 ha), Kỳ Sơn (53,2 ha), Văn Tố (35,1 ha) và Nguyên Giáp (đang điều chỉnh quy hoạch). Đến nay đã có tổng cộng 25 dự án đầu tư vào các CCN này, chủ yếu là sản xuất hàng may mặc, giấy, bao bì, vật liệu xây dựng… tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Trong đó, CCN Kỳ Sơn có tỷ lệ lấp đầy cao nhất đạt trên 81%, tiếp đến là CCN Ngọc Sơn 59,5%. Hai CCN Văn Tố, Nguyên Giáp tuy tỷ lệ lấp đầy chưa cao nhưng cũng đã và đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Đổi mới xúc tiến đầu tư



Năm 2016, huyện Tứ Kỳ thu hút được 6 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động


So với các địa phương khác trong tỉnh, số lượng dự án công nghiệp đầu tư vào huyện Tứ Kỳ còn khá khiêm tốn. Mặc dù vậy, với xuất phát điểm là một huyện thuần nông thì việc mời gọi được 6 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn từ đầu năm đến nay đã là một thành tích đáng ghi nhận. Bởi trong giai đoạn 2010-2014, huyện Tứ Kỳ gần như không thu hút được một doanh nghiệp nào vào đầu tư ở các CCN.

Theo ông Vũ Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, có được kết quả trên là do thời gian gần đây huyện đã đổi mới xúc tiến đầu tư, chú trọng mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ tiên tiến, bảo đảm vệ sinh môi trường đầu tư vào địa bàn. Huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, khảo sát cũng như trong việc giải phóng mặt bằng thực hiện từng dự án. Các bước thẩm định, rà soát, xin chủ trương thực hiện dự án được UBND huyện thực hiện chặt chẽ, không để doanh nghiệp phải đợi chờ lâu. Mỗi khi có doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích mà các dự án công nghiệp mang lại để bà con ủng hộ… “Điểm mới trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn là UBND huyện đã coi trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xây dựng, môi trường, đất đai. Khi doanh nghiệp đi vào hoạt động huyện hỗ trợ họ tuyển dụng lao động”, ông Hợp cho biết thêm.

Mục tiêu của huyện Tứ Kỳ từ nay đến năm 2020 sẽ tiếp tục thu hút, mời gọi các doanh nghiệp có công nghệ cao, thân thiện với môi trường đầu tư vào địa bàn, đặc biệt là 2 CCN Văn Tố, Nguyên Giáp. Đổi mới công tác thu hút đầu tư theo hướng chủ động. Kêu gọi các nhà đầu tư đa dạng hóa các nguồn vốn để xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, công trình tiện ích phục vụ sản xuất. Huyện sẽ cung cấp đầy đủ, ổn định các dịch vụ hỗ trợ phát triển các dự án công nghiệp như điện, nước, dịch vụ viễn thông; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, tư vấn pháp luật, phổ biến chính sách, pháp luật cho người lao động; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về đầu tư, thu nộp ngân sách để xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh...

TIẾN MẠNH