Chất thải từ nuôi lợn "đầu độc" khu dân cư

Môi trường - Ngày đăng : 08:05, 11/12/2016

Nuôi lợn nhỏ lẻ trong khu dân cư phát triển mạnh thì tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều làng quê trở nên đáng báo động.



Rãnh thoát nước trước cửa UBND xã Lai Vu (Kim Thành) đen ngòm, đặc quánh vì chất thải trong chăn nuôi


Từ lâu, chăn nuôi lợn đem lại thu nhập khá cho nhiều người dân nông thôn. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng có điều kiện xây chuồng trại quy mô khép kín trong khu chăn nuôi tập trung. Vì thế, nuôi lợn nhỏ lẻ trong khu dân cư (KDC) phát triển mạnh thì tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) tại nhiều làng quê cũng trở nên đáng báo động.

"Sống chung" với… lợn


Do không có quỹ đất, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi nằm xen kẽ trong các KDC không xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, không bảo đảm khoảng cách theo quy định khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. "Sống chung với lợn" là cách nói vui của người dân đội 5, xóm Đông, thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) khi được hỏi về tình trạng ONMT do chăn nuôi ở đây gây nên. Theo bà Nguyễn Thị An, cả đội có vài hộ nuôi lợn ngay tại vườn nhà, mỗi hộ nuôi từ 10-15 con/lứa. "Họ nuôi lợn nhưng không có biện pháp bảo vệ môi trường. Phân, nước thải của lợn được xả thẳng ra rãnh thoát nước rồi đổ trực tiếp xuống các ao trong làng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và đời sống của người dân trong xóm", bà An than thở.

Chúng tôi thấy các ao trong thôn Phú Lộc chứa đầy bèo, cỏ dại và một thứ nước đen ngòm, đặc quánh bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Chất thải chưa qua xử lý từ hoạt động chăn nuôi của vài chục hộ trong thôn xả thẳng xuống kênh mương, ao hồ. Rất ít hộ xây được hầm biogas hoặc nếu có xây thì dung tích hầm cũng không đủ để xử lý hết lượng chất thải phát sinh hằng ngày. Vì thế, ô nhiễm ngày càng trầm trọng và người dân trong thôn đang "lĩnh đủ".

Ở thôn Minh Thành, xã Lai Vu (Kim Thành), mùi hôi thối từ hoạt động chăn nuôi giờ đây là nỗi ám ảnh người dân hằng ngày, hằng giờ. Cả thôn có hàng trăm trang trại, gia trại nuôi lợn. Gia trại nhỏ nuôi khoảng chục con, trang trại lớn nuôi tới vài trăm con. Mỗi ngày, lượng chất thải khổng lồ của vài nghìn con lợn đã và đang "đầu độc" sức khỏe người dân trong thôn. Các rãnh thoát nước đen ngòm, đặc quánh. Con kênh tiêu ngay sát quốc lộ 5 thường xuyên ứ đọng rác thải, phân lợn. Theo một người dân trong thôn Minh Thành, nhiều hộ xây chuồng trại ngay trong vườn, án ngữ trước mặt nhà hàng xóm. Mặc dù một số hộ đã xây hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas nhưng do lượng chất thải quá lớn, chưa xử lý hết đã xả ra rãnh, kênh thoát nước, ao hồ. Anh H., một hộ nuôi lợn ở thôn Minh Thành bộc bạch: "Vẫn biết nuôi lợn ngay trong vườn nhà sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và các hộ xung quanh, nhưng tôi không có điều kiện chuyển ra ngoài khu chăn nuôi tập trung. Mặc dù đã xây hầm biogas nhưng do lượng quá nhiều nên vẫn phải xả chất thải ra rãnh thoát nước của thôn".

ONMT từ hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ là tình trạng chung ở hầu hết các thôn, KDC trong tỉnh. Những năm gần đây, hiệu quả từ nuôi lợn đã kéo nhiều hộ dân trở lại với nghề này. Hộ có điều kiện thì xây chuồng trại khép kín, nuôi quy mô lớn. Hộ không có điều kiện thì tận dụng diện tích đất vườn xây chuồng nuôi số lượng nhỏ. Hầu hết các hộ chăn nuôi chưa quan tâm  bảo vệ môi trường và sức khỏe của những hộ xung quanh.

Cần giải pháp quyết liệt

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chất thải trong nuôi lợn là một trong những nguồn gây ONMT lớn nhất. Mặc dù nhiều gia trại, trang trại đã đầu tư xây hầm biogas nhưng hiệu quả xử lý môi trường rất hạn chế, chất thải không được xử lý triệt để. Ngoài ra, chi phí xây dựng hầm biogas khá lớn, nên không phải hộ nào cũng có thể thực hiện được. Để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ xây hầm biogas nhỏ, không đủ khả năng xử lý hết số chất thải phát sinh trong ngày. Chi phí đầu tư lớn, quy mô nuôi nhỏ, lợi nhuận thấp nên hầu hết hộ chăn nuôi không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Chất thải vẫn được xử lý theo cách truyền thống là ủ để sử dụng trong nông nghiệp hoặc xả thẳng xuống kênh mương, ao hồ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí.

Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có đánh giá về thực trạng ONMT do chăn nuôi trong KDC. Thời gian tới, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn nhằm khắc phục tình trạng ONMT đã ở mức báo động. Ngoài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường cho các hộ chăn nuôi, các cơ quan chuyên môn cần tích cực hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học trong chăn nuôi để người dân tiếp cận và áp dụng vào thực tiễn, khắc phục tình trạng ONMT. Đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi thu gom chất thải phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương kiên quyết yêu cầu các hộ chuyển hoạt động chăn nuôi ra khu tập trung. Tiến hành xây dựng, vận hành công trình thu gom, xử lý chất thải đúng quy trình, quy định của pháp luật. Dùng biện pháp hành chính yêu cầu các hộ khắc phục tình trạng ONMT phát sinh trong quá trình chăn nuôi.

VỊ THỦY