Ngọn tre già trổ hoa một thời đắng đót

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 05:58, 18/12/2016

Ông tôi cầm con dao rựa ra. Mặt ông tái xanh khi nhìn lên đỉnh lũy tre: "Có một cây giữa bụi trổ hoa!". Ông bảo đó lá điềm gở, điềm xấu... Ông chặt hạ mấy chục cây bao phía ngoài, chỉ để loại bỏ một cây tre ở giữa bụi trổ hoa mang đến điềm gở cho gia đình tôi...<br>


Đó là một đoạn trong tập tiểu thuyết dày trên 390 trang của nhà văn Vũ Oanh, có nhan đề Ngọn tre già trổ hoa, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, phát hành năm 2015. Đây là tập tiểu thuyết lấy bối cảnh ở các xã khu C huyện Kim Thành, quê hương tác giả. Cũng có thể coi là một tập tự truyện, người viết lấy nhân vật Vĩnh ra tự kể: Tôi chạy để tránh đòn, để nguôi ngoai nỗi sợ hãi, đau đớn, tủi hờn...

Vĩnh, cùng với chị gái là Viễn và hai em Ân, Yến, là con một liệt sĩ chống Pháp. Ông là Bí thư Chi bộ thôn, có công đào tạo nhiều người nông dân nghèo khó quê ông trở thành cán bộ, đảng viên. Nhưng khi cải cách ruộng đất thì ông không còn nữa. Nhiều người thân thuộc, họ hàng, trước đây sống nhờ cái lộc của cụ thân sinh là một lương y giỏi và sự hào hiệp của ông, đã trở thành bần cố nông, và đã phản phúc lại chính gia đình ông. Ông bà lang bị quy là địa chủ. Mẹ ông buộc lòng phải đưa bốn anh chị em Vĩnh sang sống với ông bà ngoại, để được giữ lấy cái danh "trung nông", không "liên quan" gì với địa chủ. Ở đây, Vĩnh bị hành hạ suốt ngày này sang ngày khác, từ bàn tay độc ác của các dì, các cậu trở đi. Kể cả anh con nuôi được mẹ Vĩnh đem về nuôi nấng thoát chết, nay được đội bắt rễ xâu chuỗi, mang tên mới là Vân, cũng chỉ mặt vạch tên địa chủ. Rồi đội Xuyến, bí thư Sáu chuyên gạ gẫm phụ nữ, rồi một loạt cán bộ được dựng lên từ cải cách như Chấp, Điển, vợ chồng Hải Rông... đã làm xã hội làng Gạo thêm điên đảo.

Sáu năm mẹ con Vĩnh sống nhờ ở gia đình ông bà ngoại đằng đẵng tủi nhục, vất vả. Tác giả đã dành hàng trăm trang sách mô tả một cách sống động cuộc đời lam lũ của bốn bị em Vĩnh và người mẹ tần tảo. Cậu bé Vĩnh cũng rất ham học, ham đọc sách, nhưng cuộc sống bắt cậu phải mò cua, bắt cáy, luôn luôn bị đánh đập và xỉa xói. Rồi ông ngoại phải giúp năm mẹ con dựng túp nhà tranh ở Vườn Đình, cho xa các dì, các cậu, mà vẫn không mở mày mở mặt lên được.

Chỉ đến một ngày nọ, mẹ Vĩnh quyết định đưa các con về với ông bà nội thì cái gia đình bé nhỏ này mới chấm dứt cái họa của "cây tre già trổ hoa". Đêm hôm ấy, mấy mẹ con tìm lối về, qua 5 khúc ngoặt của các ngõ mới đến nhà. Ông nội sung sướng ôm các cháu vào lòng. Bà nội đánh rơi cái siêu, ngã qụy xuống. Ông bà, con cháu ôm lấy nhau, sung sướng nghẹn ngào...

Cuốn tiểu thuyết ngổn ngang các tình tiết, các nhân vật, trải dài theo năm tháng, để khẳng định tình người là cao quý, mọi sự lật lọng, xảo trá đều phải trả giá. Vĩnh, nhân vật xưng "tôi" kể lại chuyện này, sau là bác sĩ ngoại khoa, một lần về thăm quê, đã gặp lại một trong những nhân chứng ngày xưa, đó là ông Khâm, coi như sự kết thúc có hậu của một thời đắng đót "ngọn tre già trổ hoa".

VƯƠNG BẠCH