10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 18-12

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 19:00, 18/12/2016

Kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai... là những sự kiện nổi bật ngày 18-12.



Ngày 18-12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2016) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và TP Hà Nội đến dự lễ kỷ niệm. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN



Ngày 18-12, tại TP Pleiku, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai 2016 và chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào tỉnh Gia Lai. Chiều cùng ngày, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xây dựng nền công nghiệp, nông nghiệp Việt Nam. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN



Ngày 18-12, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị biểu dương cán bộ dân số cơ sở tiêu biểu giai đoạn 2011 - 2015 và trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi năm 2016. Trong ảnh: Trao bằng khen cho các trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN



Ngày 18-12, tại Câu lạc bộ Thể dục thể thao Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), TP Hồ Chí Minh tổ chức Giải chạy vũ trang và Giải việt dã học sinh TP Hồ Chí Minh năm học 2016 - 2017. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2016) và kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2016). Trong ảnh: Các VĐV là học sinh nữ trên đường chạy. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN



Mưa lũ liên tiếp những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các xã trên địa bàn huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định). Đến ngày 18-12, toàn huyện đã có 1 người chết, 13 nhà bị sập hoàn toàn, hơn 9.650 ngôi nhà ở 15 xã, thị trấn của huyện bị ngập trong nước lũ và bị nước lũ bao vây, cô lập; hơn 10.130 giếng nước bị ngập lũ; hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập hoàn toàn, nhiều km đường giao thông, kênh mương cầu cống bị hư hại. Chính quyền địa phương đã di dời được 640 hộ đến vùng cao an toàn; hiện nước lũ đã rút dần ra khỏi các khu vực dân cư. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Dầy (83 tuổi) bên ngôi nhà mới xây được hơn 3 năm đã bị nước lũ làm sập hoàn toàn, cuốn trôi nhiều tài sản trong nhà tại thôn Đông An, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN



Sau nhiều ngày đàm phán khó khăn, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua một nghị quyết do Mỹ soạn thảo về việc kéo dài sứ mệnh của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ và Liên minh châu Phi tại Nam Sudan (UNMISS) đến tháng 12-2017. Nghị quyết của HĐBA cũng nêu rõ sẽ trừng phạt những cá nhân gây mất ổn định tại Nam Sudan và cảnh báo sẽ xem xét "các biện pháp thích hợp", bao gồm lệnh cấm vận vũ khí để đối phó với tình hình bạo lực gia tăng. Trong ảnh (tư liệu): Một phiên họp của HĐBA LHQ tại New York ngày 25-9. Ảnh: AFP/TTXVN



Theo nguồn tin quân đội, sáng 18-12, một máy bay vận tải Hercules C-130 của lực lượng Không quân Indonesia đã đâm vào núi Jayawijaya, tỉnh Papua, miền Đông nước này khiến toàn bộ 13 người trên máy bay thiệt mạng. Chiếc máy bay trên gặp nạn khi đang chở 12 tấn vật dụng thiết yếu và xi măng từ thành phố Timikia tới thị trấn Wamena. Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia Ivan Ahmad Riski Titus cho biết tại khu vực máy bay gặp nạn cách Wamena không xa, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể những nạn nhân xấu số. Theo kết quả điều tra sơ bộ, thời tiết xấu có thể là nguyên nhân của vụ tai nạn. Trong ảnh: Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: AFP/TTXVN



Ngày 17-12, phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Chính phủ đoàn kết Libya, Fayez al-Sarraj đã chính thức tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự kéo dài 8 tháng chống các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Sirte, giải phóng thành trì chiến lược cuối cùng bị IS chiếm giữ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Sarraj cũng cảnh báo điều này không có nghĩa cuộc chiến chống IS và khủng bố đã kết thúc, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hợp nhất các lực lượng quân sự khác nhau thành một "quân đội duy nhất". Việc để Sirte thất thủ là một bước lùi lớn của IS, vốn đang phải đối mặt với một loạt thất bại quân sự tại Syria và Iraq. Trong ảnh: Xe quân sự của lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya giành quyền kiểm soát quận Al-Giza Al-Bahriya ở Sirte ngày 21-11. Ảnh: AFP/ TTXVN



Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Azerbaijan Yaver Jamalov ngày 17-12 cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel. Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt có khả năng phát hiện, tiếp cận và ngăn chặn các loại tên lửa, pháo và đạn cối đang bắn tới. Hệ thống này có thể phát hiện và phá hủy các mục tiêu trong phạm vi từ 4-70km trong mọi điều kiện thời tiết. Trong ảnh (tư liệu): Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel tại thành phố Tel Aviv ngày 26-3-2014. Ảnh: AFP/TTXVN



Ngày 17-12, Ethiopia đã chính thức khai trương đập thủy điện Gibe 3 (trong ảnh) - một trong những công trình có quy mô lớn nhất ở Lục địa Đen. Đập thủy điện Gibe 3 nằm trên sông Ôm, có tổng chi phí xây dựng 1,7 tỷ USD, trong đó 40% vốn do Chính phủ Ethiopia cung cấp và số còn lại được huy động thông qua một khoản vay từ Chính phủ Trung Quốc. Đập thủy điện Gibe 3 được kỳ vọng sẽ giúp Ethiopia trở thành một trong những nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo lớn nhất ở châu Phi. Ảnh: AFP/TTXVN