Chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh: Nghề làm chơi, ăn thật

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 05:57, 19/12/2016

Cây cảnh, bon sai là thú chơi tao nhã, đòi hỏi người chơi phải dành nhiều thời gian chăm sóc, tỉa tót, uốn nắn.



Nghề chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh mang lại thu nhập khá cho anh Nguyễn Văn Quyền ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc)


Một số người thích chơi cây cảnh nhưng lại bận rộn, không có thời gian nên phải thuê người chăm sóc. Bởi vậy, nghề chăm sóc cây cảnh có đất phát triển.

Sau nhiều lần hẹn chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Văn Quyền ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc). Xuất phát từ tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ, anh Quyền đã đến với nghề chăm sóc cây cảnh. Lúc đầu, do thích nên anh mua nhiều cây sanh, si... về trồng trong vườn nhà. Một thời gian sau, các cây phát triển nhanh, cành lá sum suê nhìn rối mắt, trông như cây dại trong vườn nên anh Quyền phải tìm tòi học cách cắt tỉa, tạo kiểu dáng gọn gàng để tăng thêm giá trị. Anh Quyền đã tự mua tài liệu tìm hiểu về thế, dáng của cây để tạo kiểu cho phù hợp. Lúc đầu do còn bỡ ngỡ, việc cắt tỉa chưa thành thạo nên thế và dáng cây chưa được đẹp. Không nản chí, anh tìm đến nhiều nhà vườn trong và ngoài tỉnh để học hỏi. Đến nay, anh Quyền đã có một nhà vườn với hàng trăm cây cảnh, trong đó có những cây giá trị cả trăm triệu đồng. Biết anh Quyền có tay nghề nên một số nhà vườn đã mời anh đến chăm sóc cho cây. Hiện nay, anh là thợ chính cho một nhà vườn trong tỉnh.

Theo ông Ngô Văn Hanh, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh thì hầu như những người chơi cây cảnh đều có đầu óc thẩm mỹ, có thể tự cắt tỉa, chăm sóc cho cây cảnh. Tuy nhiên, một số người thích chơi cây cảnh nhưng do bận rộn, không có thời gian hoặc số lượng cây quá nhiều nên phải nhờ đến người khác. Ngoài ra cũng có nhiều người được phong là nghệ nhân, có tay nghề cao, uy tín nên được các nhà vườn trong và ngoài tỉnh mời đến để tạo thế, tạo kiểu và chăm sóc nhằm tăng thêm giá trị cho cây.

"Từ tháng 10 đến tháng 12, chúng tôi làm không hết việc vì cuối năm ai cũng muốn cắt tỉa vườn của mình để đón năm mới."


Là người đam mê cây cảnh và được phong nghệ nhân từ năm 2009, anh Đàm Văn Thềm ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) được giới trồng cây cảnh rất tin tưởng. Anh Thềm cho biết: "Từ tháng 10 đến tháng 12, chúng tôi làm không hết việc vì cuối năm ai cũng muốn cắt tỉa vườn của mình để đón năm mới. Đây cũng là thời điểm phù hợp để cắt cành, tỉa lá cho cây cảnh". Nhóm thợ của anh Thềm có 4 người, đều là những nghệ nhân và người có tay nghề cao. Nhiều nhà vườn mời các anh đến cắt tỉa với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày công/người (tùy vào tay nghề). Nhưng nhiều khi đội thợ của anh Thềm vẫn phải từ chối vì quá nhiều khách hàng.

Theo anh Thềm, để có thể làm tốt công việc này, người trong nghề phải hiểu đặc điểm, tên gọi, thế dáng của từng loại cây. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh được chia làm 3 loại. Đối với những cây đã có thế, có dáng, người thợ phải biết được nên cắt tỉa phần nào để sau mỗi lần sửa sang cây tăng thêm giá trị. Có những cây, khi được gia chủ yêu cầu các anh phải thay đổi hình dáng để tạo một diện mạo mới cho cây. Việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết của người làm nghề. Bởi lẽ để tạo ra một cây cảnh hoàn chỉnh thì người làm nghề phải tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ cây đó phù hợp với thế, dáng nào. Loại thứ ba dễ làm nhưng cũng tốn không ít thời gian và công sức chính là làm cây từ phôi nguyên thủy. Để có cây đẹp, từ chỗ cây đó chưa có hình hài, dáng dấp, người làm nghề phải mất cả tháng trời nghiên cứu để tạo dáng sao cho vừa hợp ý chủ nhà, vừa phù hợp với đặc điểm của cây. Đối với những loại này, phải mất cả năm trời cây mới có thế và dáng.

Để có thể làm tốt nghề chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh, người làm phải hiểu rõ đặc tính của từng loại cây. Anh Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm: Đối với các cây lá kim như thông nên cắt tỉa vào mùa đông. Lúc này nhựa thông đang "ngủ đông" nên không chảy ra nhiều, sau khi cắt tỉa nên "phanh" nhựa bằng nước, phun từ 3-4 lần sau khi cắt. Việc bón phân, tưới nước cho từng loại cây vào từng mùa cũng khác nhau. Mùa xuân là mùa thuận lợi cho cây sinh trưởng, tán phát triển mạnh nên cần phải chăm cắt tỉa hơn. Mỗi loại cây có một loại sâu bệnh khác nhau nên người làm nghề phải nắm được để có biện pháp xử lý kịp thời. "So với các nghề khác, nghề này không quá vất vả, chủ yếu là đứng và cắt, tỉa, công việc cũng làm theo cảm hứng, có thể làm vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày mà thu nhập lại khá", anh Quyền cho biết.

Với thu nhập ổn định, nghề cắt tỉa cây cảnh đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người có óc thẩm mỹ và đam mê cây cảnh. Vì cũng dễ làm và có thể tạo thu nhập cao nên nhiều người trong nghề gọi vui đây là nghề làm chơi, ăn thật.

THANH HÀ


Hội Sinh vật cảnh tỉnh hiện có 9.300 hội viên. 12 huyện, thành phố, thị xã đều thành lập được Hội Sinh vật cảnh, trong đó huyện Nam Sách có số hội viên đông nhất (800 hội viên), tiếp đến huyện Thanh Hà (700 hội viên). Ngoài ra, còn có 10 câu lạc bộ và 2 trung tâm hoạt động trong lĩnh vực cây cảnh. Tỉnh ta có 298 nghệ nhân sinh vật cảnh, trong đó 46 người là Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam. Ngày nay, xu hướng chơi cây cảnh có những khác biệt, chú trọng vào các cây mang tính nghệ thuật cao. Các dòng cây được hội viên chơi nhiều như sanh, si, tùng, phi lao, thông... Nhiều vườn cây trong tỉnh có giá trị lên đến cả trăm tỷ đồng như vườn của các ông Vũ Xuân Thịnh (Thanh Hà), Vũ Tuấn Điệp, Nguyễn Chí Phương (TP Hải Dương), Nguyễn Văn Giếng (Gia Lộc). Mỗi năm, việc trao đổi, mua bán cây cảnh trên địa bàn tỉnh đạt doanh thu khoảng 500 tỷ đồng.