Tấn công bằng vũ khí hóa học trong cuộc chiến Iran - Iraq
Tư liệu - Ngày đăng : 08:35, 24/12/2016
Dưới quyền thống lĩnh bằng bàn tay sắt của Saddam Hussein, Iraq sử dụng các vũ khí hóa học gây nhiễm độc và tê liệt thần kinh...
Xác người chết la liệt ven đường sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của quân đội Iraq vào Halabja ngày 16-3-1988
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan quyết định rằng, tốt hơn hết nên để mặc cho những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tiếp tục diễn ra nếu như chúng có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh Iran- Iraq nghiêng về phía có lợi cho Iraq...
Hàng nghìn người chết vì vũ khí hóa học
Trong cuộc chiến tranh Iran- Iraq (từ tháng 9-1980 đến tháng 8-1988), giới chức tình báo Mỹ biết rõ chính quyền Iraq dưới quyền thống lĩnh bằng bàn tay sắt của Saddam Hussein đã sử dụng các vũ khí hóa học gây nhiễm độc và tê liệt thần kinh, gồm khí độc sarin và mù tạt trong những cuộc tấn công Iran nhưng họ đã không có hành động gì, hơn nữa còn cố gắng bưng bít thông tin này. Nhờ đó, phần thắng cuộc chiến nghiêng về phía Iraq và buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán.
Những tuần cuối cùng của cuộc chiến tranh Iran - Iraq, trong khi người Halabja chào đón quân đội Iran trong niềm vui thì Tổng thống Iraq Saddam Hussein và người em họ Ali Hassan al-Majid còn được gọi là "Ali hóa học", quyết định thực hiện cuộc tấn công trả thù. 2 ngày trước khi thực hiện cuộc tấn công bằng khí độc, lực lượng không quân của Hussein bắt đầu ném bom xuống ngôi làng Halabja của người Kurd ở miền Bắc Iraq. Có vẻ như cố vấn "Ali hóa học" muốn phá vỡ mọi cửa sổ các ngôi nhà trong làng này để ông ta có thể nhìn thấy rõ ràng hiệu ứng tử thần của cuộc tấn công bằng khí độc.
Cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào ngôi làng Halabja của người Kurd ở phía Bắc Iraq vào ngày 16-3-1988 là một trong những cảnh tượng kinh hoàng nhất trong lịch sử. Những thi thể nằm la liệt khắp mọi nơi trên những con đường vắng tanh vào đến các căn nhà tuềnh toàng trống hoác, những khu lều trại trú ẩn... Tổng cộng có hơn 5.000 thi thể nằm rải rác xung quanh thị trấn, một số khác chết ở vùng lân cận khi họ cố gắng vượt qua những ngọn núi trong cố gắng chạy vào lãnh thổ Iran. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số này là quá ít so với con số thật sự.
Gần 30 năm đã trôi qua nhưng những dấu vết của cuộc tấn công vô nhân đạo ấy dường như vẫn còn hiện diện. Chuyên gia về chiến tranh hóa học người Anh, Hamish de Bretton - Gordon từ 4 năm trước đã đề xuất với chính quyền người Kurd phương án khử nhiễm khu vực Halabja. Ông Gordon cho biết cũng có thể xác định người cung cấp cho chính phủ Saddam các hóa chất được sử dụng tại Halabja. Đội ngũ chuyên gia đi cùng ông từng hy vọng sẽ tìm thấy các mẫu khí mù tạt trong các ngôi mộ tập thể, và nếu phá vỡ các thành phần phân tử cơ bản của nó, họ có thể tìm ra nguồn gốc của khí này.
Mỹ phủ nhận cho phép Iraq sử dụng vũ khí hóa học
Ali Hassan al-Majid - người được cho là đứng đằng sau vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học ở Halabja
Từ lâu, chính quyền Mỹ luôn phủ nhận việc giới chức lãnh đạo thời đó cho phép Iraq sử dụng vũ khí hóa học đồng thời nhấn mạnh rằng, chính quyền Saddam Hussein không hề thông báo về điều này. Nhưng Rick Francona - cựu đại tá không quân Mỹ (USAF) và từng là tùy viên quân sự ở Thủ đô Baghdad của Iraq năm 1988 đã cung cấp những dữ liệu hoàn toàn trái ngược với những lời bao biện của Washington. "Chính quyền Mỹ đã nắm trong tay bằng chứng cho thấy những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của quân đội Iraq được bắt đầu từ năm 1983", Francona khẳng định.
Trong cuộc chiến này, giới chức tình báo Mỹ từng bí mật cung cấp cho Saddam Hussein nhiều thông tin quan trọng về vị trí của quân đội Iran, bao gồm cả những hình ảnh vệ tinh và bản đồ chi tiết về các cơ sở hậu cần cũng như khả năng phòng không của đối phương. Các hồ sơ giải mật của CIA cũng nêu chi tiết chuyện các quan chức Washington biết rõ quân đội Iraq sẽ sử dụng các tác nhân hóa học hủy diệt hàng loạt vào khi nào và quy mô như thế nào. Mọi thông tin về mức độ leo thang chiến tranh hóa học của Saddam Hussein đều được CIA liên tục cập nhật cho chính quyền Mỹ.
Một tài liệu tuyệt mật của CIA vào tháng 11-1983 có ghi: "Nếu những cuộc tấn công của Iraq vẫn tiếp tục và quân đội Iran có cơ hội bắt giữ được quả đạn pháo chứa tác nhân hóa học có dấu nhãn của Iraq, thì lúc đó Tehran sẽ đưa bằng chứng lên Liên hợp quốc đồng thời tố cáo Mỹ tiếp tay cho Saddam Hussein vi phạm luật pháp quốc tế". Trong một tài liệu khác nêu rõ: "Nếu người Iraq sản xuất hay sở hữu được một lượng lớn tác nhân mù tạt thì chắc chắn họ sẽ sử dụng chúng để chống lại quân đội Iran và các thành phố nằm gần biên giới".
Theo một cựu quan chức CIA giấu tên, những hình ảnh vệ tinh tình báo của Mỹ cho thấy người Iraq vận chuyển các tác nhân hóa học đến các ụ pháo trên mặt trận trước mỗi cuộc tấn công quân đội Iran như thế nào. Rick Francona cho biết ông đã có báo cáo đầu tiên về quyết định sử dụng vũ khí hóa học của Saddam Hussein chống Iran vào năm 1984, khi đang làm nhiệm vụ tùy viên quân sự ở thủ đô Amman của Jordan.
Theo báo cáo của Francona, Iraq bắt đầu sử dụng tác nhân thần kinh Tabun chống lại quân đội Iran ở miền Bắc Iraq. Vào cuối năm 1987, các chuyên gia phân tích tình báo quốc phòng ở Washington lập báo cáo mật mã tuyệt mật trong đó có phần mang tựa đề "Tại các cổng vào Basrah", cảnh báo cuộc tấn công vào mùa xuân năm 1988 mà Iran đang chuẩn bị sẽ quy mô hơn mọi cuộc tấn công trước đó và có thể chọc thủng các phòng tuyến của Iraq.
Tổng thống Reagan sau khi đọc xong báo cáo tuyệt mật này đã ghi chú bên lề gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Frank C.Carlucci: "Chiến thắng của người Iran là điều không thể chấp nhận được". Ngay sau đó, Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ được phép cung cấp thông tin tình báo chi tiết bao gồm hình ảnh vệ tinh và một số thông tin nghe lén điện tử cho Iraq về mọi động thái di chuyển quân của Iran.
Tất cả thông tin đều tập trung vào khu vực phía đông TP Basrah. Tình báo quốc phòng Mỹ cũng cung cấp cho Iraq dữ liệu về các cơ sở hậu cần của Iran, cũng như khả năng không quân và hệ thống phòng không của nước này. Tháng 3-1988, Saddam Hussein cho sử dụng sarin tấn công lực lượng Iran tập trung trên bán đảo Fao ở phía đông nam TP Basrah dẫn đến chiến thắng cuối cùng. Theo Rick Francona, Washington rất phấn khởi trước kết quả quân đội Saddam Hussein chiếm được bán đảo Fao và ngăn chặn Iran tràn vào Basrah. Sau khi Iraq chiếm được bán đảo Fao, Rick Francona có mặt tại khu vực và tìm thấy hàng trăm dụng cụ tiêm atropine, chất thuốc chữa trị những tác hại chết người của sarin - bằng chứng cụ thể cho thấy quân đội Iraq sử dụng sarin trong cuộc chiến trên bán đảo này.
Tháng 4-1988, quân đội Iraq tiếp tục sử dụng sarin với số lượng lớn hơn gấp 3 lần trong cuộc tấn công quy mô có tên gọi "Chiến dịch Ramadan thần thánh". Các chuyên gia phân tích CIA không biết chính xác con số thương vong về phía Iran do không tiếp xúc với quan chức nước này song cho rằng, có thể là từ "hàng trăm" cho đến "hàng nghìn".
Theo tính toán của CIA, Iraq sử dụng khoảng hai phần ba trong tổng số vũ khí hóa học của nước này trong 18 tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh với Iran. Sau khi chính quyền của Tổng thống Saddam Husein sụp đổ, "Ali hóa học" nhận bản án treo cổ ở tuổi 68.
PHƯƠNG LINH (biên soạn)