Pháp mở con đường bằng pin mặt trời đầu tiên trên thế giới
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 09:29, 24/12/2016
Mặt đường phủ pin mặt trời tại Pháp. Ảnh: Guardian. |
Con đường làm bằng pin mặt trời đầu tiên trên thế giới được mở tại một ngôi làng vùng Normandy, tây bắc nước Pháp hôm 22/12. Đoạn đường dài 1 km được phủ bằng các tấm pin mặt trời với diện tích 2.800 m2, theo Guardian.
Nhà sản xuất Colas cho biết các tấm pin được phủ một lớp vật liệu chứa các sợi silicon rất mịn, giúp chúng chịu được sức nặng của phương tiện giao thông. Dự án có chi phí khoảng 5 triệu Euro và có thể phục vụ 2.000 người tham gia giao thông mỗi ngày. Quá trình vận hành thử nghiệm sẽ kéo dài trong hai năm, nhằm mục đích nghiên cứu khả năng cấp điện cho hệ thống đèn đường của ngôi làng 3.400 dân.
Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal cho biết bà muốn phủ kín 1.000 km đường cao tốc của nước này bằng các tấm pin mặt trời. Nhiều ý kiến cho rằng đây không phải giải pháp sử dụng ngân sách hiệu quả.
"Đây rõ ràng là một tiến bộ công nghệ, nhưng cần có nhiều ưu tiên hơn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, thay vì một sản phẩm đơn lẻ với giá thành quá cao mà không có gì chắc chắn về tương lai", Marc Jedliczka, phó chủ tịch Mạng lưới Chuyển đổi năng lượng (CLER) cho biết.
Việc đặt con đường thử nghiệm tại vùng Normandy càng gây khó khăn cho dự án, theo Popular Mechanic. Khu vực này không có nhiều ánh mặt trời. Thủ phủ Caen chỉ có 44 ngày nắng mạnh trong một năm, so với 170 ngày ở thành phố Marseilles.
Hồi năm 2014, một làn xe đạp phủ pin mặt trời đã được thử nghiệm tại vùng Krommenie, Hà Lan. Nó tạo ra khoảng 3.000 kWh điện, đủ cho một ngôi nhà sử dụng trong vòng một năm. Tuy nhiên, chi phí đầu tư dự án quá đắt, đủ để mua 520.000 kWh điện từ các nguồn khác.
Tử Quỳnh (VnExpress)