Đổi thay ở Côn Sơn - Kiếp Bạc

Di tích - Ngày đăng : 11:17, 25/12/2016

Trải qua hơn 700 năm tồn tại và phát triển, khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh) trở thành trung tâm Phật giáo lớn ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.



Đền Nguyễn Trãi là một trong số các ngôi đền được xây mới hoàn toàn tại khu di tích Côn Sơn. Ảnh: Trung Thành


Nhiều đổi thay

Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong số những di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi cùng nhiều danh nhân văn hóa như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc, nơi gắn với trung tâm của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần.

Tuy mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nhưng 20 năm trước, khi tỉnh Hải Dương mới tái lập, trong trí nhớ của những người dân bản địa, Côn Sơn - Kiếp Bạc còn khá hoang sơ. "Thời kỳ đó, Côn Sơn-Kiếp Bạc còn là một phế tích đầy dấu vết của thời gian", ông Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại.

20 năm sau, Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thay đổi hẳn, trở thành một trung tâm văn hóa tín ngưỡng lớn ở khu vực phía Bắc, một địa điểm thu hút không chỉ khách trong nước mà cả du khách nước ngoài. Khu đền Kiếp Bạc và chùa Côn Sơn càng trở nên khang trang hơn sau đợt đại trùng tu năm 2013. Hàng loạt đền thờ danh nhân, các vị anh hùng dân tộc được xây mới như đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán, hay đền Trần Nguyên Hãn. Con đường dẫn vào đền Kiếp Bạc và cổng chùa Côn Sơn được trải nhựa rộng thênh thang. Tại chùa Côn Sơn, tòa Cửu phẩm liên hoa uy nghiêm, lộng lẫy với 216 pho tượng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Ngoài ra còn rất nhiều hạng mục khác vẫn đang đầu tư xây dựng, hứa hẹn sau khi hoàn thành sẽ tạo nên một quần thể di tích hài hòa.

Ông Lê Văn Ngừng (65 tuổi) ở phường Cộng Hòa - người có hàng chục năm làm nghề viết sớ, bán hàng tại chùa Côn Sơn nói: “Từ khi được công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt, Côn Sơn - Kiếp Bạc có sự thay đổi rất lớn. Chúng tôi rất tự hào và nhận thức rõ việc tiếp khách thập phương phải lịch sự, văn minh để góp phần giữ gìn sự tôn nghiêm của khu di tích”.
"Tôi luôn nung nấu phải xây dựng sao cho khu di tích xứng tầm, gắn với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới."

Không chỉ có diện mạo, cảnh quan thay đổi mà ngay cả phần lễ cũng có nhiều đổi khác. Ngoài các nghi lễ truyền thống vẫn được bảo tồn như tế, rước, nhiều nghi lễ đậm chất dân gian, cổ truyền khác được bổ sung như liên hoan pháo đất, thi làm bánh chưng, bánh dày, múa rối nước... làm giàu thêm giá trị của lễ hội. Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, từ khi được công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt tháng 5-2012, số lượng du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, chiêm bái tăng mạnh. Trung bình một năm có khoảng 1,2 triệu lượt khách tới tham quan, tăng gần 300.000 lượt khách so với thời điểm trước. “Khách tham quan tăng không chỉ tăng doanh thu cho khu di tích mà còn mang lại thu nhập cho người dân địa phương, nhất là những người cung cấp dịch vụ”, ông Mạnh nói.

Quan tâm đầu tư

Để Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt như ngày hôm nay, tỉnh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tôn tạo cơ sở vật chất, phục dựng nhiều hoạt động văn hóa để nơi đây thực sự trở thành điểm du lịch tâm linh lớn không chỉ của tỉnh mà của cả nước.

Nhớ lại thời điểm những năm 2000, ông Nguyễn Hữu Oanh cho biết: "Khi đó, tôi đang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách mảng văn hóa - xã hội. Trong đầu tôi luôn nung nấu phải xây dựng sao cho khu di tích xứng tầm, gắn với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới". Ông Oanh là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho việc trùng tu đền Kiếp Bạc và chùa Côn Sơn, xây mới đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán và đền Trần Nguyên Hãn. Ông rất hài lòng vì lớp cán bộ kế cận đã làm tốt việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển khu di tích.

Lớp người kế cận như anh Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích cũng chưa bao giờ quên hành trình gian nan nhưng đầy tự hào để đưa Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt. "Chưa đầy 2 tháng, chúng tôi đã phải hoàn thành hồ sơ để gửi lên các cấp. Khu di tích có nhiều giá trị và nhiều quy định trong các tiêu chí để xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt nên khối lượng công việc lớn", ông Mạnh cho biết.

Theo ông Mạnh, phải mất rất nhiều thời gian để có được bộ hồ sơ di sản Hán Nôm, nhất là khâu dập bia. Cả khu di tích có 20 bia, trong đó nhiều bia 6 mặt, 4 mặt và 2 mặt, hơn 100 hoành phi câu đối. Hơn nữa, trước khi dịch tiếng Hán còn phải thêm một công đoạn phiên âm rồi mới dịch nghĩa. Tương tự, bộ hồ sơ về 5.000 cổ vật, 20 pho tượng gỗ, đồng cũng phải cụ thể, chi tiết từ đường kính, chiều cao, cân nặng, kích thước, miêu tả và có ảnh đi kèm của từng cổ vật. Khó khăn nhất là việc triển khai hồ sơ quy hoạch, khoanh vùng. Ban Quản lý khu di tích phải thống nhất với các đơn vị liên quan như quân đội, quản lý rừng, nhà chùa, kiểm lâm, đại diện chính quyền địa phương. Sau khi trình Hội đồng Di sản quốc gia, khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là di sản quốc gia đặc biệt.

Giai đoạn 2015-2020, Hải Dương tiếp tục triển khai thực hiện dự án phát triển khu dịch vụ, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng quy mô 300 ha tại khu vực di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng với chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và Yên Tử (Quảng Ninh) là Di sản văn hóa thế giới. Những chương trình, dự án này hoàn thành sẽ tiếp tục tạo nên những đổi thay lớn cho khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

LÊ HƯƠNG