Bỏ thẻ bảo hiểm y tế để khám ngoài

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:31, 25/12/2016

Có thẻ bảo hiểm y tế nhưng vẫn sẵn sàng móc hầu bao chi trả để được khám tự nguyện, điều đó chứng tỏ nhiều người dân không còn niềm tin vào chính sách an sinh xã hội này.






Nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không muốn sử dụng trong khám chữa bệnh vì lo ngại bị phân biệt đối xử


Có thẻ nhưng không dùng

Từ nhiều năm nay, tình trạng người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng vẫn đi khám chữa bệnh dịch vụ tại các phòng khám, bệnh viện tư nhân hoặc khám dịch vụ ở ngay chính nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu xảy ra khá phổ biến. Trường hợp bà Nguyễn Thị C. ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) đang điều trị bệnh thận tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là một ví dụ. Mỗi tháng bà C. phải đi khám và lấy thuốc 2 lần. Tuy có thẻ BHYT dành cho đối tượng hưu trí nhưng bà không sử dụng mà tự chi trả hoàn toàn các chi phí. Bà C. cho biết, từ trước tới nay chỉ có một lần đi phẫu thuật là bà sử dụng thẻ BHYT, còn lại đều tự chi trả. Bà C. thường lên khám thẳng ở các bệnh viện trên Hà Nội cho nhanh chứ không qua nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Không chỉ những người có điều kiện kinh tế tốt mới bỏ thẻ BHYT, tự trả tiền khám chữa bệnh mà cả những bệnh nhân khó khăn cũng không sử dụng sự ưu đãi này. Bà Trần Thị Sao ở xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) được cấp thẻ BHYT miễn phí dành cho hộ cận nghèo đã 4 năm nay. Gần đây, khi bị gãy tay, bà không đến bệnh viện mà đi khám chữa ở cơ sở tư nhân. "Tôi đi bó bột bên ngoài chứ không tới bệnh viện vì thấy làm ngoài tiện lợi hơn, không phải mất nhiều thời gian chờ đợi", bà Sao cho biết.

BHYT là một chính sách an sinh xã hội rất quan trọng, giúp người tham gia BHYT giảm được chi phí trong khám chữa bệnh. Nhà nước rất quan tâm đến việc bao phủ BHYT toàn dân. Các hộ nghèo, đối tượng chính sách từ lâu đã được cấp miễn phí thẻ BHYT. Những năm gần đây, tỉnh đã huy động nhiều nguồn để hỗ trợ số tiền 30% còn lại để mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo (70% đã được Nhà nước hỗ trợ) để đối tượng này không cần đóng tiền vẫn có thẻ BHYT. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp được cấp miễn phí vẫn không dùng tới thẻ BHYT. Ngân sách nhà nước, địa phương vẫn mất tiền đóng BHYT cho người dân trong khi người dân vẫn mất 100% chi phí khi đi khám chữa bệnh. Đây là một nghịch lý.

Thiếu tin tưởng



Nhiều người dân cho rằng các thủ tục thanh toán, cấp phát thuốc cho người có thẻ bảo hiểm
 y tế thường rườm rà, mất thời gian. Ảnh: Nhân Chính


Đã từ lâu, tâm lý không muốn khám chữa bệnh BHYT tồn tại trong người dân. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng nếu khám chữa bệnh BHYT sẽ bị phân biệt, đối xử không tốt như khi tự chi trả 100%. Ít người biết rằng theo quy trình đã được cải tiến tại các cơ sở khám chữa bệnh, các bác sĩ khám cho tất cả các bệnh nhân như nhau và chính bác sĩ cũng không biết để phân biệt giữa bệnh nhân BHYT và bệnh nhân không BHYT. Điều này cho thấy sự tuyên truyền, phổ biến của ngành y tế, bảo hiểm xã hội về những tiện ích của dịch vụ y tế còn hạn chế.

Chất lượng khám chữa bệnh BHYT hiện cũng còn nhiều hạn chế khiến người dân không tin tưởng vào các bệnh viện ở địa phương. Khi có bệnh, họ tự đi khám ở các bệnh viện Trung ương, đồng nghĩa với việc bỏ không thẻ BHYT. Chị Lê Thị Cảnh ở xã Tân Việt (Bình Giang) đã tự động đi khám bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai, sau đó là Bệnh viện Nội tiết Trung ương khi gặp vấn đề về sức khỏe chứ không khám tại bệnh viện cấp huyện, tỉnh. Khi đi khám chữa bệnh như vậy, chị Cảnh phải chi trả toàn bộ chi phí hơn 20 triệu đồng trong khi nếu sử dụng thẻ BHYT, chị chỉ mất hơn 1 triệu đồng. "Đằng nào cũng mất công đi khám, đi thẳng lên tuyến trên cho đỡ mất thời gian và yên tâm hơn", chị Cảnh nói. Đây cũng là lựa chọn của rất nhiều người dân khi cần sử dụng các dịch vụ y tế.

Một bộ phận lớn những người có BHYT lựa chọn khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế tư nhân bởi thời gian được tiếp cận dịch vụ nhanh chóng, thái độ chăm sóc bệnh nhân tận tình hơn trong các bệnh viện công. Chị Nguyễn Thị Thu Hà ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) thường cho 2 con nhỏ đi khám ở các phòng khám tư nhân hoặc nhà các bác sĩ nhi khi các cháu bị ốm dù tất cả đều có BHYT học sinh. Đưa con đi khám ở ngoài như vậy, chị Hà có thể đi vào ngày nghỉ, buổi tối, không phải nghỉ làm. Chị cũng không mất nhiều thời gian làm thủ tục, được khám nhanh hơn, bác sĩ ân cần hơn.

Để thay đổi thực trạng người dân không tin tưởng vào khám chữa bệnh BHYT, ngành y tế cần nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ tại các bệnh viện, cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách về BHYT để người dân hiểu về các quyền lợi khi tham gia; mở rộng đối tượng tham gia BHYT gia đình, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

VIỆT HÒA

Việc mở rộng các đối tượng mới tham gia BHYT theo gia đình rất khó khăn. Tính đến hết tháng 11-2016, toàn tỉnh có hơn 195.000 người tham gia BHYT gia đình (trước đây gọi là BHYT tự nguyện, tức là người tham gia phải đóng 100% tiền mua thẻ), chỉ chiếm 30% số người thuộc diện tham gia. Như vậy, tiền đóng BHYT chủ yếu là do quỹ BHXH, ngân sách chi trả và hỗ trợ, còn sự đóng góp của người dân cho quỹ này không đáng kể.