“Ngâm tôm” thẻ bảo hiểm y tế

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:33, 26/12/2016

Điều tra, rà soát tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo chậm; một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định khiến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế chưa bảo đảm.






Nhân viên Bảo hiểm xã hội huyện Cẩm Giàng trả thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình cho đại lý chi trả


Người dân đợi dài cổ

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và các văn bản hướng dẫn thực hiện, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã ký chương trình phối hợp liên ngành số 662/CTrLN-SLĐTBXH - BHXH ngày 1-8-2011 về việc tổ chức thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và BHYT. Trong đó, thống nhất về việc thực hiện BHYT cho người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, người nghèo, người cận nghèo, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi thuộc trách nhiệm quản lý của Sở LĐ-TB-XH. Các phòng LĐ-TB-XH cấp huyện có trách nhiệm lập danh sách đối tượng thuộc diện tham gia BHYT chuyển cho cơ quan BHXH để tính thu và cấp thẻ BHYT cho năm sau và tăng, giảm đối tượng tham gia BHYT hằng tháng trong năm; tiếp nhận thẻ BHYT cấp mới từ BHXH huyện chuyển về xã, phường, thị trấn để kịp thời cấp cho đối tượng. Tuy nhiên, khi thực hiện cuộc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ nghèo theo tiêu chí mới thì tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng phải mất vài tháng kể từ khi thực hiện điều tra, những hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới mới được nhận thẻ BHYT.

Theo cán bộ LĐ-TB-XH xã Quang Trung (Tứ Kỳ), kế hoạch thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều bắt đầu được triển khai ở xã từ tháng 10-2015. Đến tháng 1-2016, công tác thu thập thông tin bắt đầu được tiến hành, cuối tháng 3 lập danh sách cấp thẻ BHYT và đến tháng 6-2016 thẻ BHYT được phát đến tay người dân. Trong quá trình điều tra, rà soát để lập danh sách cấp thẻ, những thông tin về ngày, tháng, năm sinh, họ tên của một số người không chính xác khiến danh sách phải chỉnh sửa, bổ sung gây nên sự chậm trễ.

Đầu năm 2016, bà Phùng Thị Sinh (65 tuổi) ở thôn Mộ Công, xã Quang Trung (Tứ Kỳ) được công nhận là hộ nghèo. Bà Sinh bị tai biến mạch máu não, hằng tháng đều phải đến bệnh viện để khám bệnh. Chính vì thế, khi biết mình thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí, bà rất mừng vì sẽ giúp bà giảm bớt nỗi lo tiền chữa bệnh. Mong ngóng mãi song phải đến tháng 9 vừa qua bà Sinh mới nhận được thẻ BHYT. Oái oăm thay, dù đã nhận được thẻ nhưng bà cũng không thể sử dụng do thông tin về họ tên của bà in trên thẻ BHYT không chính xác so với chứng minh thư nhân dân. Trước đó, khi lập danh sách cấp thẻ, tên của bà Sinh đã bị viết thành “Xinh”, bà đã có ý kiến về việc này để kịp thời điều chỉnh nhưng không hiểu sao khi in thẻ vẫn xảy ra sai sót. Từ đầu năm đến nay, bà đã phải chi hơn 6 triệu đồng tiền khám bệnh. Và trong khi chờ đợi thẻ BHYT được sửa chữa, không biết bà sẽ còn phải tốn kém thêm bao nhiêu tiền nữa?

Bị doanh nghiệp "khống chế"



Công đoàn cơ sở cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người lao động hiểu rõ quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế


Theo chị Trần Thị Tuyết, Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Miện, từ tháng 8-2016, bệnh viện bắt đầu khám, chữa bệnh BHYT vào buổi sáng thứ bảy và chủ nhật thay vì chỉ khám vào các ngày làm việc trong tuần như trước đây. Việc thay đổi này chủ yếu hướng tới những người không có điều kiện khám bệnh vào các ngày làm việc, nhất là công nhân, lao động trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chị Tuyết cho biết có một số trường hợp công nhân, người lao động đến khám bệnh nghĩ rằng thẻ BHYT của họ được bệnh viện giữ và quản lý. Một số trường hợp khác cho biết muốn khám, chữa bệnh BHYT phải thông báo cho công ty để được lấy thẻ BHYT, sau khi khám xong thì phải trả lại để công ty giữ. Nguyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp muốn hạn chế tình trạng người lao động tự ý xin nghỉ làm để đi khám bệnh bằng thẻ BHYT trong các ngày làm việc.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những vụ đình công mà một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp không trả thẻ BHYT cho người lao động. Đơn cử như đầu tháng 2-2015, xảy ra vụ đình công của gần 200 công nhân Công ty TNHH M&S VINA ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng). Trong khi đó, theo quy định của Luật BHYT, quyền của người tham gia BHYT là được cấp thẻ BHYT khi đóng BHYT. Dù với lý do gì thì việc doanh nghiệp giữ thẻ BHYT của người lao động hoặc hạn chế việc họ sử dụng thẻ là sai luật. Hay như vụ việc hơn 500 công nhân Công ty TNHH Four Well Vina (Chí Linh) đình công vào tháng 4-2016. Một trong những nguyên nhân công nhân đình công là do công ty chưa tham gia BHYT cho người lao động khi hết thời gian thử việc.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng chỉ biết đến việc này khi có những phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc thông qua các vụ đình công của người lao động, qua các cuộc kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT của BHXH tỉnh tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo BHXH tỉnh, do trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị tham gia BHYT nên không thể kiểm tra hết. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm Luật BHYT, cơ quan BHXH sẽ xử lý kịp thời theo thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về BHYT xử lý theo quy định.

Thực tế, nhiều công nhân, lao động cũng chưa hiểu rõ về quyền lợi của mình khi tham gia BHYT. Vì thế công đoàn cơ sở cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người lao động hiểu đầy đủ các quy định. Đồng thời khi phát hiện việc doanh nghiệp chưa thực hiện đúng Luật BHYT, công đoàn cần phải báo cáo với công đoàn cấp trên để tìm hướng giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Việc thẻ BHYT đến tay những người dân muộn hay thẻ BHYT của người lao động bị doanh nghiệp giữ lại đã ảnh hưởng đến quyền lợi của họ khi tham gia BHYT. Khi tiến hành tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, các cơ quan chức năng cần thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chính xác. Cơ quan BHXH tỉnh cần đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT tại các doanh nghiệp. Những biện pháp trên sẽ giúp người tham gia BHYT được bảo đảm quyền lợi, thụ hưởng lợi ích mà BHYT mang lại.

HUYỀN TRANG