Giáo sư, tiến sĩ đông nhưng kết quả nghiên cứu còn khiêm tốn

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 14:00, 27/12/2016

Đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết năm 2016 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) sáng 27-12.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Loan Lê

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, các nhà kỹ thuật của chúng ta đông, nhưng các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn khiêm tốn, kể cả tư vấn chính sách.

Không để trí tuệ Việt thua kém trên sân nhà

Biểu dương kết quả mà VAST đã làm được trong năm 2016 cũng như 30 năm đổi mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sứ mệnh lớn nhất của VAST trước hết là làm sao không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà, để từ đó chúng ta có thể hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động với tinh thần khai phóng, phát huy cao độ lòng tự tôn dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

"Đã đến lúc Viện cũng như các cơ quan nghiên cứu khoa học trên cả nước cần nhìn lại, suy ngẫm và hành động theo tinh thần, quan điểm nổi tiếng của một nhà lý luận, nhà khoa học với bề dày hoạt động thực tiễn, đó là cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng khẳng định, nhiều ý kiến cho rằng, nền khoa học Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thành quả và các tác động thực tiễn của KHCN Việt nam trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước. 

"Thiếu ở đây chắc hẳn là thiếu thể chế, cơ chế quản lý phù hợp, thiếu vốn đầu tư chỉ là thứ yếu. Yếu ở đây chắc hẳn là có yếu tố con người, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, các nhà kỹ thuật của chúng ta đông, nhưng các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn khiêm tốn, kể cả tư vấn chính sách"

Việc nhiều nhà sản xuất đứng trước các vấn đề liên quan đến công nghệ, cải tiến thiết bị, chủ yếu là tìm đến các nhà sản xuất và đơn vị tư vấn nước ngoài là một thực tế cần suy nghĩ, là thách thức và yêu cầu mà các nhà khoa học cần khắc phục, rút kinh nghiệm.

Thủ tướng cho rằng, không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn. Nghiên cứu là cần thiết, nhưng không gắn với thực tế, không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì tự mình thua trên sân nhà

"Chúng ta cứ mải mê nghiên cứu những vấn đề cao siêu, mà không lưu ý những vấn đề đơn giản của thực tế để đứng nhìn các doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả những khoản tiền lớn cho nước ngoài, cho những vấn đề mà không phải trong nước không giải quyết được" - Thủ tướng nói.

Các nhà khoa học Việt Nam có thể là các nhà khoa học tốt, nhưng chưa chắc là các nhà tư vấn tốt”, Thủ tướng khẳng định. "Đây là vấn đề cần thay đổi tư duy, kỹ năng và cả văn hóa làm việc để bắt kịp thực tế, cũng như thích ứng với cơ chế thị trường".

Bốn yêu cầu và 5 đặt hàng

Từ thực tế nêu trên, Thủ tướng cũng nêu ra 4 yêu cầu và 5 đặt hàng đối với VAST trong thời gian tới.

Thứ nhất, cùng với với nghiên cứu khoa học cơ bản, cần dành thời gian, nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn; phải tạo lên mối liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu KHCN với sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp, đồng thời giảm dần tình trạng các doanh nghiệp trong nước đang bỏ ra các chi phí lớn thuê các đơn vị tư vấn KHCN ở nước ngoài mỗi khi cần cải tiến hoặc sản xuất thiết bị và phụ tùng.

Thứ hai, KHCN cũng đã được Đảng, Nhà nước xác định là nền tảng, động lực phát triển đất nước. Nhưng đến nay, vai trò đó chưa được phát huy đúng với tiềm năng của người Việt Nam. Làm sao để thực hiện tốt chủ trương này, hướng đi ra sao, đầu tư như thế nào? Những điều này đòi hỏi Viện phải tiến hành các nghiên cứu định tính và định lượng, xây dựng đề xuất thích hợp với Chính phủ. 

Thứ ba, về đào tạo, Viện không ngừng nỗ lực để khẳng định chất lượng đào tạo trong bối cảnh KHCN đang tác động nhanh chóng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. 

Thứ tư, Viện cũng cần tinh gọn bộ máy, áp dụng phương thức quản lý phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài, sáng tạo ra các sản phẩm và ý tưởng có tính ứng dụng cao, phục vụ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng: Giáo sư, tiến sĩ đông nhưng kết quả nghiên cứu còn khiêm tốn
Lãnh đạo VAST tặng Thủ tướng bộ Atlas quốc gia Việt Nam. Ảnh: Loan Lê.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng "đặt hàng" VAST nghiên cứu và đề xuất các giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý nhằm nâng cao giá trị và giảm thiểu lãng phí cho tài nguyên quốc gia.

Đề xuất các giải pháp KHCN trong việc theo dõi kiểm soát và xử lý môi trường cũng như khắc phục hậu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu áp dụng KHCN trong việc sản xuất hàng hóa chú trọng yếu tố thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa.

Áp dụng KHCN vào chế biến sau, bảo quản lương thực, thực phẩm với chuỗi giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam. Nâng cấp vị thế của nền nông nghiệp Việt Nam ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ mới, công nghệ nano…

Nhấn mạnh nhiệm vụ khởi nghiệp là quan trọng, Thủ tướng mong muốn từ những nghiên cứu, ý tưởng khoa học của VAST, sẽ có những nhà khởi nghiệp thành công ở trong nước và quốc tế. Ngay trong lòng của Viện cũng có các nhà khởi nghiệp xuất sắc.

Theo Vietnamnet