Thực phẩm trên mạng: Dễ mua, khó tin
Thị trường - Ngày đăng : 06:38, 02/01/2017
Với nhiều tiện ích như mặt hàng đa dạng, giá rẻ, giao hàng tận nhà... nên nhiều người chọn mua đồ ăn qua mạng internet. Song có một thực tế là hàng bán trên mạng dễ mua, khó tin.
Thực phẩm đủ chủng loại được chào bán trên mạng
"Đại siêu thị"
Lướt một vòng facebook, tôi bắt gặp vô số những tài khoản bán đồ ăn như một siêu thị khổng lồ. Từ đồ ăn vặt như thịt lợn giả bò khô, chân gà ngâm sả ớt, sữa ngô, sữa bí, nem chua rán, thạch dừa, hoa quả các loại đến các loại thực phẩm như rau củ, hải sản tươi sống, trứng gà, cơm hộp… đều được chào bán. Những lời giới thiệu thường rất hấp dẫn như hàng tự làm, đồ quê chính gốc, rau nhà tự trồng, thịt lợn tự nuôi, gà ăn thóc, ăn ngô 100%, hoa quả bố mẹ (cô, dì, chú, bác) trồng tại vườn, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất tăng trọng… Kèm theo đó là những hình ảnh bắt mắt.
Hầu hết các tài khoản bán hàng trên mạng đều công khai giá nên có sự cạnh tranh mạnh về giá. Theo quảng cáo, người bán hàng đều sẵn sàng giao hàng nhanh chóng đến tận tay người mua. Không phải mua với số lượng lớn, đôi khi chỉ là chai trà xanh, cân hoa quả với giá 20.000 đồng cũng được người đưa hàng chuyển đến nhanh chóng, bất kể nắng mưa. Do các ưu điểm trên nên thị trường mua bán thực phẩm trên mạng ngày càng sôi động. Chị Nguyễn Thị Hương ở khu Bích Nhôi, thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) thường mua hàng qua mạng. Chị Hương cho biết: "Lo ngại về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện nay nên không chỉ tôi mà phần lớn các chị em trong cơ quan thường xuyên mua hàng qua mạng. Tôi thường chọn những tài khoản giới thiệu bán thực phẩm sạch, có nguồn gốc từ quê, các loại thức ăn được các bà nội trợ tự làm rồi bán như hoa quả, chè… và có địa chỉ rõ ràng". "Tôi cũng hay mua thực phẩm trên mạng nhưng đều chọn mua của người quen, vừa là để ủng hộ, vừa tin cậy hơn. Mua hàng trên mạng tiết kiệm thời gian, công sức, đỡ phải đi lại…”, chị Trần Thị Trang ở 23 phố Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương) chia sẻ.
Không kiểm soát được chất lượng
|
Khảo sát một vài tài khoản bán thực phẩm qua mạng, chúng tôi thấy rất ít người bán có cửa hàng, cửa hiệu cụ thể. Nhiều cá nhân coi đây như một nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Do đó việc mua bán thực phẩm online tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vấn đề ATVSTP. Bởi dù người mua biết rõ người bán là ai, ở đâu nhưng nguồn gốc nguyên liệu, quá trình chế biến, dụng cụ để chế biến có bảo đảm ATVSTP hay không thì họ hoàn toàn mù tịt. Nhiều thực phẩm rao bán trên mạng không ghi hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đăng ký chất lượng ATVSTP.
Chị Bùi Thị H. hiện đang làm kế toán tại một cơ sở đào tạo tiếng Anh. Thời gian rảnh rỗi, chị làm thêm thịt lợn giả bò khô, chân gà ngâm sả ớt, trà Thái, sữa bí, nem chua rán… để phục vụ người tiêu dùng. Chị H. cho biết: "Chân gà, thịt lợn đều do tôi tự đi chợ lựa chọn kỹ càng, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh". Nhưng khi được hỏi, chị có biết nguồn gốc chân gà, thịt lợn từ đâu và có được tham gia lớp tập huấn về ATVSTP nào không thì chị cười trừ, không trả lời. Trao đổi với một chủ tài khoản chuyên bán thịt lợn sạch, khi hỏi thịt lợn có nguồn gốc từ đâu, thế nào là thịt lợn sạch, lợn sạch sao lại nạc vậy, tôi chỉ nhận được câu trả lời: "Như cam kết của cơ sở là lợn sạch chị nhé" và "Chị luộc thịt lên là biết ngay mà".
Ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết theo quy định của pháp luật, việc buôn bán thực phẩm qua mạng được xếp vào loại hình kinh doanh nhỏ lẻ và do UBND cấp xã quản lý. Các hộ này chỉ cần ký cam kết bảo đảm ATVSTP với các cơ quan chức năng. Nhưng hiện nay chưa có một cơ sở kinh doanh online nào ký cam kết này. "Chi cục cũng theo dõi thông tin trên các trang mạng. Khi phát hiện các địa chỉ, trang mạng cụ thể, chi cục sẽ tiến hành kiểm tra xem có bảo đảm ATVSTP không. Trong năm qua, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh qua mạng có phạm vi hoạt động lớn, số người kết bạn, theo dõi đông nhưng phần lớn trong số đó là địa chỉ ảo". Theo ông Tuyến, chi cục cũng đã có thông báo với các cơ quan chức năng để giám sát các cơ sở này. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh nói trên mang tính chất tự phát, địa chỉ và sản phẩm kinh doanh thường xuyên thay đổi. Khi sản phẩm này không được chấp nhận họ sẽ thay thế bằng sản phẩm khác. Hiện pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể nào về việc quản lý chất lượng ATVSTP với các cơ sở này. Do đó, các cơ quan chức năng rất khó quản lý đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên mạng.
Như vậy, việc bảo đảm ATVSTP khi mua bán đồ ăn trên mạng phụ thuộc hoàn toàn vào lương tâm nghề nghiệp của chính những người bán hàng.
HOÀNG NGÂN