Khám phá Thanh Mai Viên thông Tháp bi

Di tích - Ngày đăng : 09:29, 02/01/2017

Cổ tự Thanh Mai là một trong ba chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm.



Thanh Mai Viên thông Tháp bi tại nhà bia chùa Thanh Mai


Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, các công trình kiến trúc độc đáo, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, trong đó nổi bật là tấm bia quý Thanh Mai Viên thông Tháp bi.

Báu vật giữa rừng phong

Về xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) những ngày cuối năm, đứng dưới chân núi Tam Bảo nhìn lên, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của núi non với sắc đỏ của rừng phong mùa thay lá. Chùa Thanh Mai nằm ở lưng chừng núi, ẩn mình giữa rừng phong cổ thụ. Con đường từ chân núi lên chùa ngoằn ngoèo uốn lượn.

Ngôi cổ tự này được Thiền sư Pháp Loa tôn giả xây dựng vào khoảng năm 1329 thời Trần trên sườn núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Bảo. Sau khi được xây dựng, chùa là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì của đệ nhị Trúc Lâm Thiền phái Pháp Loa tôn giả.

Trải qua gần 7 thế kỷ tồn tại, các kiến trúc của ngôi chùa bị thiên nhiên tàn phá, các cổ vật bị mất và hư hại gần hết, di tích trở thành hoang phế. Năm 1980, các hạng mục của chùa được xây dựng lại song quy mô khá nhỏ. Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tuy là một di tích Phật giáo quan trọng song mấy chục năm qua chùa Thanh Mai vẫn ít người biết đến. Theo sư thầy Thích Chí Trung trụ trì chùa Thanh Mai, năm 1994 khi ông về đây, ngôi chùa rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát. Trăn trở trước nguy cơ biến mất của di tích, ông đã vận động phật tử bốn phương đóng góp công đức trùng tu, khôi phục lại chùa, xây đắp tượng Phật.

Năm 2005, ngôi chùa được Nhà nước đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng 10 gian chính điện, diện tích 180 m2 với kiến trúc kiểu chữ đinh, tiền đường chồng diêm 8 mái. Năm 2007, chùa tiếp tục được đầu tư 10 tỷ đồng hoàn thiện các hạng mục như tam quan, 2 gian nhà bia, 7 gian nhà khách, 7 gian nhà tăng. Đến nay, chùa Thanh Mai trở thành một di tích với nhiều công trình kiến trúc quy mô, hệ thống tượng Phật phong phú.

Về thăm chùa Thanh Mai, chúng tôi gặp nhiều hiện vật có giá trị đang được lưu giữ bảo vệ như Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334, tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702), tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703), cùng 7 tấm bia thời Trần và Lê.

Với giá trị đặc biệt đó, Thanh Mai Viên thông Tháp bi vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.


Trong số 7 văn bia thì Thanh Mai Viên thông Tháp bi là tấm bia quý giá nhất. Tấm bia được dựng tại nhà bia nằm bên phải chùa. Ngay từ cổng vào du khách dễ dàng nhận ra tấm bia quý nổi bật với kích thước lớn đặt trên lưng rùa đá nguyên khối. Trải qua thời gian, mặt bia đã bị bào mòn song vẫn rõ chữ và những hoa văn điêu khắc hình khối. Chỉ tiếc hiện tại bên cạnh bia chưa có biển giới thiệu nội dung bia để du khách tìm hiểu. 

Tư liệu quý

Theo các tài liệu nghiên cứu, bia trán dẹt, mỏng, có kích thước 131x82x14 cm, trang trí hình rồng có mào. Ngoài ra còn có các hoa văn thắt túi, hoa dây, sóng nước hình núi đặc trưng của lối trang trí, kiến trúc thời Trần. Hai mặt bia khắc khoảng 5000 chữ Nho. Văn bia do Trung Minh biên tập dựa theo cuộc đời của Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang hiệu đính, Thiệu Tuệ viết chữ.

Thanh Mai Viên thông Tháp bi được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362). Ngoài nội dung về thân thế và sự nghiệp của đệ nhị Pháp Loa, nội dung tấm bia còn cung cấp thông tin về tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Văn bia còn cho biết năm, tháng xây dựng những công trình tôn giáo lớn đương thời.

Căn cứ theo tấm bia Thanh Mai Viên thông Tháp bi chúng ta được biết: Pháp Loa tên là Đồng Kiên Cương sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hoà, hương Cửu La, Nam Sách giang, nay thuộc phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Năm Hưng Long 13 (1304) nhân chuyến thăm hương Cửu La của Trần Nhân Tông, Đồng Kiên Cương đã ra bái yết. Nhân Tông nhận ra Kiên Cương là con người có đạo nhãn, nghĩa là có khả năng tu hành đắc đạo. Ông cho Pháp Loa đi theo học đạo và đặt cho một cái tên mới: Hỷ Lai, nghĩa là người mang lại niềm vui. Hỷ Lai thông minh hiếu học, có nhiệt tâm với đạo Phật nên chỉ một năm sau, tại tăng viện Kỳ Lân (Chí Linh), ông được Điều Ngự đầu đà Trần Nhân Tông trao cho các bảo bối. Ngày 1 tháng giêng năm Hưng Long 16 (1307), ông được trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó, ông trở thành vị tổ thứ 2 của thiền phái này. Ngày mùng 5-2 năm Khai Hựu thứ 2 (1330), Pháp Loa đang giảng kinh tại thiền viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13, sư về thiền viện Quỳnh Lâm (Đông Triều) tĩnh dưỡng. Ngày 19, bệnh của ngài trở nên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi, Pháp Loa cho gọi Huyền Quang đến, trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Trần Nhân Tông trao cho ông như áo cà sa, kệ tả tâm… và dặn lại: Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế. Đêm mùng 3-3, Pháp Loa viên tịch tại thiền viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc của nhà sư, xá lỵ của ông được đặt trong Viên Thông Bảo Tháp sau chùa Thanh Mai. Cuộc đời Pháp Loa không dài, nhưng đã làm nên sự nghiệp lớn. Ngài đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15.000 tăng ni, đúc trên 1.300 pho tượng lớn nhỏ; xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Viện Nghiên cứu Phật giáo Quỳnh Lâm. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Đại Tạng và dành nhiều thì giờ thuyết pháp, giảng kinh. Ông là người thừa kế, phát triển Thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao.

Từ đó, ngày mất của đệ nhị tổ Pháp Loa trở thành hội chùa Thanh Mai. Hội bắt đầu từ mùng 1 đến mùng 3-3 (âm lịch). Lễ hội hằng năm được nhân dân địa phương và các tăng ni phật tử tổ chức trọng thể với nhiều nghi lễ như giảng kinh, chay đàn, mộc dục...

Với giá trị đặc biệt đó, Thanh Mai Viên thông Tháp bi vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện tại, chùa Thanh Mai cùng với Côn Sơn, Yên Tử và chùa Vĩnh Nghiêm - những trung tâm của thiền phái Trúc Lâm phát triển rực rỡ thời Trần đang được xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

NGỌC HÙNG