Con đường gắn kết hai tỉnh anh em
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 05:01, 03/01/2017
Quốc lộ 38B đã khẳng định được vị thế quan trọng của tuyến đường huyết mạch trong thông thương, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội Hải Dương- Hưng Yên.
Sau gần 7 năm được nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng, quốc lộ 38B đã khẳng định được vị thế quan trọng của tuyến đường huyết mạch trong thông thương, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội giữa Hải Dương với tỉnh bạn Hưng Yên.
Quốc lộ 38B đưa Hải Dương và Hưng Yên gần nhau hơn
Đổi thay
Vốn là tỉnh lộ, trước kia đường 38B nhỏ hẹp, cong cua và được nhiều người biết tới như một "con đường đau khổ" bởi loang lổ ổ gà, lởm chởm đá hộc. Dù mùa mưa hay mùa nắng, bụi bặm và lầy lội luôn song hành trên cả tuyến đường. Hơn nữa, trên tuyến đường có cầu Tràng Thưa và cầu Cống Neo được xây dựng từ lâu, bề mặt chỉ rộng từ 3,4 - 7 m, tải trọng xe tối đa từ 10 - 13 tấn. Ô tô trọng tải lớn không thể đi qua. Rồi tuyến đường được đầu tư nâng cấp thành quốc lộ rộng rãi, bớt cong cua. Đường 38B như khoác lên mình tấm áo mới, đẹp đẽ hơn, hiện đại hơn.
Năm nay ngoài 60 tuổi thì cũng bằng ấy năm ông Phạm Văn Lũy ở thị trấn Gia Lộc sống ven đường 38B. Ông được chứng kiến những đổi thay của tuyến đường huyết mạch này. Trước đây, nhà ông Lũy ở khu vực gọi là "ngã ba đường đất" thuộc xã Phương Hưng. Đến khi tỉnh giải phóng mặt bằng để xây dựng điểm đấu nối đường 62 m kéo dài với đường 38B thì gia đình ông cùng chục hộ dân khác được tái định cư ở đầu thị trấn, sát quốc lộ 38B. "Trước đi làm từ nhà đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tứ Kỳ rất vất vả. Đường đá lổn nhổn, tôi đã nhiều lần bị ngã xe. Đến khi tuyến đường này được nâng cấp và mở rộng thì ai cũng phấn khởi. Đường rộng, xe cộ đi lại thuận tiện nên các địa phương ven đường cũng phát triển", ông Phạm Văn Lũy cho biết.
Anh Phạm Công Tuấn hiện là chủ một cơ sở chuyên dán nilon, tem mác mô tô, xe gắn máy ở thị trấn Gia Lộc cũng khẳng định đời sống kinh tế gia đình đã phát triển hơn hẳn so với trước khi có tuyến đường mới. Trước đây, nhà anh Tuấn ở bên kia bờ kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng. Khi thấy tuyến đường chuẩn bị được mở rộng, thức thời, anh Tuấn đã mua mảnh đất gần một đại lý bán xe máy và mở dịch vụ dán nilon, tem mác xe máy. Hiện nay, ngoài vợ chồng, anh Tuấn còn phải thuê thêm 3 thợ khác mới làm hết việc...
Hàng nghìn hộ dân khác ở các địa phương có tuyến đường đi qua gồm một số phường ở TP Hải Dương; thị trấn Gia Lộc, các xã Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Đồng Quang, Quang Minh (Gia Lộc) và Hùng Sơn, thị trấn Thanh Miện, Tứ Cường, Cao Thắng (Thanh Miện) cũng phát triển dịch vụ, vận tải cùng nhiều ngành nghề khác...
Con đường của sự quyết tâm
Quốc lộ 38B là tuyến đường trọng điểm kết nối giao thương giữa các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, nối liền trung tâm hành chính kinh tế của 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.
Với ý nghĩa quan trọng đó, năm 2008 Bộ Giao thông vận tải đã khởi công cải tạo, nâng cấp quốc lộ 38B bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Đây là đường có quy mô cấp 3 đồng bằng, các đoạn qua thị tứ, thị trấn được mở rộng lên 14 m. Đến tháng 1-2015, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh đã phát lệnh khởi công nâng cấp cầu Tràng Thưa và cầu Cống Neo với tổng mức đầu tư hơn 370 tỷ đồng. Cầu Tràng Thưa mới được xây dựng cách cầu cũ 20 m về phía thượng lưu sông Đĩnh Đào. Đoạn qua huyện Thanh Miện, quốc lộ 38B được nắn ra ngoài, thành đường vành đai đô thị, vừa rút ngắn quãng đường, vừa giảm lượng phương tiện giao thông qua thị trấn Thanh Miện. Cầu Cống Neo mới cũng được xây dựng đáp ứng nhu cầu vận tải.
Để nâng cấp, mở rộng tuyến đường và hoàn thành 2 cây cầu, tháo "nút thắt" trên toàn tuyến là một sự cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và các địa phương liên quan. Vướng mắc nhất là khâu giải phóng mặt bằng, bởi việc mở rộng tuyến đường đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sản xuất, sinh hoạt của hơn 1.200 hộ dân. Là người tham gia lên kế hoạch, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công từ những ngày đầu tiên cho đến khi tuyến đường hoàn thiện, ông Vũ Quý Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc vẫn nhớ rõ những khó khăn khi đó. "Cùng làm công tác giải phóng mặt bằng xây dựng một tuyến đường nhưng phía huyện Thanh Miện giải quyết rất nhanh gọn, còn bên Gia Lộc lại nhiều vướng mắc nên anh em rất lo. Chúng tôi đã phải dự đến hàng trăm cuộc họp liên quan đến tuyến đường. Xác định rõ tuyến đường này khi hoàn thành sẽ là cú hích quan trọng đối với sự phát triển của Gia Lộc nên cả hệ thống chính trị của huyện quyết tâm vào cuộc", ông Thắng cho biết.
Không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong thông thương, phát triển kinh tế, tình trạng ùn tắc giao thông trước đây tại các nút giao như ngã tư Trạm Bóng (xã Quang Minh), đầu cầu Tràng Thưa trên địa bàn huyện Gia Lộc không còn xảy ra.
Cùng với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường 62 m kéo dài nối với cửa ngõ phía nam TP Hải Dương, quốc lộ 38 B đã kết nối đồng bộ giao thông trong khu vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, tuyến đường đã gắn kết, đưa Hải Dương - Hưng Yên gần nhau hơn.
TIẾN HUY