Ngoại hạng Anh mùa này hết hiện tượng, vì đâu?
Quốc tế - Ngày đăng : 14:40, 05/01/2017
Vấn đề của ĐKVĐ Leicester City không chỉ là mất cầu thủ quan trọng nhất mùa trước - N’Golo Kante, mà không ít chuyên gia từng cho là tiền vệ hay nhất Premier League. Với Leicester, mất Kante giống như mất... hai cầu thủ. Các vị trí xung quanh cũng suy yếu theo, và HLV Claudio Ranieri không thể phát huy lối chơi từng đem lại thành công nữa.
Với West Ham, thất bại trên thị trường chuyển nhượng mùa hè 2016 là khá rõ ràng. Không có nhân tố mới, cách chơi quá phụ thuộc vào Dmitri Payet đã bị bắt bài ngay từ đầu mùa. Và West Ham gây thất vọng còn vì HLV Slaven Bilic quên rằng đội bóng của ông trước sau cứ phải thuộc về chiếu dưới, chưa đủ đẳng cấp để “chơi trèo”.
Đi vào chi tiết cụ thể thì đấy là các “hiện tượng” đáng kể nhất ở Premier League mùa trước, nhưng đã hoàn toàn tan biến trong mùa bóng này. Leicester hoặc West Ham yếu hơn chính mình mùa trước, vì những nguyên nhân khác nhau. Thế nhưng, đâu là nguyên nhân bao trùm, dẫn đến một hiện tượng tổng quát hơn: các đội bóng nhỏ gần như không còn khả năng gây bất ngờ ở Premier League mùa này nữa?
Hãy bắt đầu từ câu hỏi ngược lại: Vì sao Premier League mùa trước có quá nhiều bất ngờ? Nguyên nhân lớn nhất không nằm ở chính các tác giả gây nên bất ngờ, mà ở các đội được cho là mạnh. Chelsea, M.U và Manchester City đồng loạt sa sút đến mức khủng hoảng trong mùa vừa qua.
Đấy là một hiện tượng lạ, nếu không muốn nói đấy là “kỳ dị” nhất trong kỷ nguyên hiện đại ở Premier League. 3 đội vừa nêu thua tổng cộng 32 trận, hòa tổng cộng 32 trận nữa. Nghĩa là có đến 64 trận các “đại gia” này mất điểm. Bình quân, vòng nào cũng có đội mất điểm, hoặc cứ 2 vòng thì cả 3 “đại gia” đều mất điểm!
Ngay cả với các đội mạnh nhất, cũng đã có quy luật lớn: bảo vệ ngôi cao luôn khó hơn giành lấy ngôi cao. Còn với các đội trung bình - yếu, điều này gần như là một chân lý: chiến thắng đã khó, thắng nữa càng khó, và thắng mãi là chuyện không thể được. Một mặt, đây là lý do vì sao các “hiện tượng” mùa trước đã “xìu hơi” trong mùa này. Mặt khác, còn có nguyên nhân rõ ràng nữa. Đấy chính là cái nhìn theo chiều hướng ngược lại: các đội mạnh mùa này đều... quá mạnh.
Đấy là phản ứng dễ thấy khi các đại gia nổi cơn tự ái; khi niềm kiêu hãnh của họ bị xúc phạm; hoặc - quan trọng hơn - khi “thương hiệu toàn cầu” của họ bị đe dọa. Chưa bao giờ Premier League quy tụ hàng loạt HLV nổi tiếng nhất thế giới như trong mùa này. Đấy đâu phải chỉ là hiện tượng “chơi ngông” của các đội bóng thừa tiền lắm của.
Dấu ấn chuyên môn mà các “bậc thầy” như Antonio Conte hoặc Juergen Klopp để lại trong nửa mùa bóng vừa qua ở Premier League là quá sâu đậm. Họ làm cho Mauricio Pochettino, vốn cũng rất giỏi, rất ấn tượng, trở nên mờ đi đôi chút. Họ làm cho Pep Guardiola vốn được tung hô đến đẳng cấp “triết gia” phải điêu đứng vì quá xa rời thực tế. Họ làm cho Arsene Wenger, thậm chí Jose Mourinho trở nên lỗi thời. Các HLV “siêu sao” buộc phải nhìn nhau, phải tự cố gắng đến mức tối đa trong cuộc đua này.
Theo Bongdaplus