Quá chén dịp cuối năm coi chừng gặp... "thần chết"
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:41, 05/01/2017
Ảnh minh họa
Tại Khoa Cấp cứu, Chống độc và Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) trong dịp nghỉ Tết dương lịch vừa qua tiếp nhận không dưới 5 trường hợp ngộ độc do rượu, có nhiều trường hợp ngộ độc rất nặng phải đưa đến viện cấp cứu vì bất tỉnh, đã có trường hợp tử vong. Thậm chí nhiều trường hợp bị sảng rượu, khi chuyển lên khoa điều trị phải dùng thêm “công cụ hỗ trợ” đó là dây để trói, nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Trong số những trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu trong dịp này, đã có trường hợp tử vong do quá nặng. Đó là trường hợp một nam bệnh nhân 47 tuổi, ở Hà Nội. Bệnh nhân này đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, tổn thương não và ngừng tim. Sau nỗ lực cấp cứu cho tim đập trở lại, bệnh nhân được chỉ định lọc máu, điều trị rối loạn suy thận. Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy bệnh nhân bị suy thận, tổn thương não nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi, không thể cứu chữa nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà. Được biết, trước khi nhập viện nam bệnh nhân này uống rượu liên tiếp trong vòng 4 ngày.
Cách đây ít năm, một bệnh nhân nam, 55 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội, cũng phải nhập viện do trong 2 ngày liên tiếp đã uống nhiều rượu với bạn bè. Sau cuộc vui, bệnh nhân bị nôn, đi ngoài phân lỏng rồi hôn mê. Do diễn biến nặng, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, huyết áp tụt. Các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương gan, thận, toan hóa máu (tình trạng nhiễm axít trong máu) nặng. Chụp CT sọ phát hiện có xuất huyết dưới nhện. Đây là các tai biến nặng nề do nhiễm độc rượu.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hồi tháng 8 vừa qua Trung tâm cũng tiếp nhận một trường hợp bị nghiện rượu nặng, sau khi uống rượu bệnh nhân kêu đau đầu, mờ mắt và được gia đình đưa vào bệnh viện ở địa phương cấp cứu, do tình trạng quá nặng nên bệnh nhân đã chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Khi chuyển đến bệnh viện bệnh nhân đã ở trong tình trạng rất nặng, huyết áp tụt, hôn mê sâu, não tổn thương nghiêm trọng. Hôm sau, gia đình xin đưa bệnh nhân về vì không thể chữa được. Ngoài ra còn 1 trường hợp ở Thanh Hóa và một trường hợp khác ở Hải Dương. Một điểm chung là các bệnh nhân này đều trong tình trạng nghiện rượu nặng.
Theo thống kê của Trung tâm, thông thường bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng mạnh vào thời điểm cuối năm hoặc mỗi đợt nghỉ lễ. Tuy nhiên, thời điểm này bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng cũng là vấn đề đáng cảnh báo.
Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo ngộ độc rượu đứng hàng thứ 3 gây tử vong sau tim mạch và ung thư. Trong đó, ngộ độc methanol đặc biệt nguy hiểm.
Dịp Giáng sinh vừa qua, 23 người Pakistan đã chết vì ngộ độc rượu tự chế.
Trước đó, hồi giữa tháng 12 năm ngoái, vùng Siberia (Liên bang Nga) cũng có 41 người tử vong do ngộ độc rượu.
Ảnh minh họa
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên từ bỏ ngay lập tức thói quen sử dụng rượu quá nhiều, đặc biệt là những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ như rượu cồn công nghiệp, rượu "quốc lủi"...
Khi uống phải rượu giả dễ có các biểu hiện như mất khả năng vận động tự chủ, không cầm được bát đũa, rót nước ra ngoài... không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người, không thể đi lại được, mất cân bằng cơ thể, không tự ngồi được.
Những người bị nặng có thể bị mất tri thức, gọi hỏi không biết, mất các phản xạ hoặc có thể rơi vào tình trạng hôn mê, gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo Tiền phong