Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:37, 08/01/2017

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học tổ chức ở Đà Nẵng ngày 7-1.



Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh


Thực trạng nguồn lao động qua đào tạo tại Việt Nam

Nghị quyết Đại hội Đảng  khóa XI đến khóa XII đều coi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 đột phá chính. Chính phủ cũng có nhiều chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực thực hiện để có nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Còn hiện nay, chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng giáo dục đại học vẫn luôn là bài toán khó cần giải pháp hữu hiệu.

Năm 2016, Việt Nam có khoảng 1,1/54,4 triệu lao động trong độ tuổi trên 15 thất nghiệp; trong số lao động thất nghiệp, có khoảng 38,7% là lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên.

Trong số lao động thất nghiệp có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật thì nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm lớn nhất, khoảng 44,7%. Nhóm có trình độ từ cao đẳng trở lên là hơn 80%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tình trạng này nhưng theo PGS. Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Đại học Sự phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) thì nguyên nhân được nhấn mạnh nhiều là do cơ cấu cung – cầu không gặp nhau. Tại Việt Nam, dự báo nhu cầu lao động từng ngành nghề chưa thật sự chuẩn xác để người lao động chọn lựa. Tư vấn hướng nghiệp chưa được chú trọng đúng với giá trị của nó.

Từ kết quả đánh giá sơ bộ 20 trường đại học top trên của Việt Nam trong năm 2016, có khoảng 72.000 sinh viên/năm không tìm được việc làm trong 12 tháng sau tốt nghiệp. 70% sinh viên của các trường đại học này tìm được việc làm phù hợp, với thu nhập bình quân khoảng 6,6 triệu đồng/tháng. Các sinh viên dù tìm được việc làm nhưng vẫn thiếu thực tiễn, yếu về ngoại ngữ, tin học, một số kỹ năng mềm và đặc biệt là thái độ nghề nghiệp.

Tỷ lệ tự tạo việc làm, khởi nghiệp chỉ chiếm 1%.

“Bắt mạch - kê toa” tình trạng thất nghiệp

Theo GS. Nguyễn Quý Thanh (Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội), chất lượng giáo dục đào tạo phụ thuộc vào 3 vấn đề chính: đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất và thiết bị; cùng vấn đề tài chính.

Hiện nay, đội ngũ giảng dạy đại học chất lượng thấp, trình độ toàn ngành bình quân tiến sĩ chỉ đạt 17%, còn lại là thạc sĩ và giảng viên chưa đạt chuẩn (tối thiểu trên đại học) còn khá cao. Trong khi đó, giảng viên thiếu dẫn đến tình trạng 50% giảng viên dạy quá 200 giờ/năm, rất nhiều người dạy trên 540 giờ/năm (vượt gấp đôi quy chuẩn).

Hiện các trường đại học đang gánh chịu một nghịch lý: yêu cầu, nhu cầu về chất lượng giáo dục cao nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng và môi trường cơ chế, thể chế lại còn nhiều vấn đề bàn cãi. Cơ sở vật chất và thiết bị thiếu thốn. Phòng học nhỏ, thiếu phòng thực hành, trang thiết bị, cơ sở vật chất phải đi thuê/mượn khiến chất lượng giáo dục Việt Nam nặng về lý thuyết …

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nguồn thu ít, dẫn đến nhiều trường đại học phải lo “mưu sinh”, đi theo xu thế “kiếm sống”, mở nhiều ngành “thượng vàng hạ cám”. Nhiều trường phải lấy thu bù chi, ít trường có tích lũy.

Hiện nay, 95% khoản thu của các trường đại học là chi cho đào tạo. Khoản chi cho khoa học công nghệ, con người, chi thường xuyên rất ít. Nguồn chi cho đầu tư, sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực hầu như không có gì.



Hội nghị thu hút gần 400 giáo sư, tiến sĩ, lãnh đạo các trường đại học, các nhà nghiên cứu
 của gần 300 trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh


Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng để vượt qua những thách thức này, vai trò của lãnh đạo ngành giáo dục rất quan trọng.

Bộ trưởng nhấn mạnh hiệu trưởng các trường đại học phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Đồng thời, phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các bên liên quan. Lãnh đạo nhà trường phải quyết liệt đổi mới chất lượng giáo dục, đội ngũ giảng viên, cách quản trị giáo dục… Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần phải chú trọng trong dự báo nhu cầu thị trường lao động, năng lực đào tạo để có hướng đi phù hợp.

Phải đặt vấn đề nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa để có thể dự báo xu hướng sát với thực tiễn. Lực lượng lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh trong chuyển dịch lao động, đặc biệt trong khu vực ASEAN.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng ngành giáo dục Việt Nam không thật sự "lột xác" sẽ thua ngay trên sân nhà.

HỒNG HẠNH (VGP)