Hành trình chinh phục Học viện công nghệ số 1 thế giới
Việc tử tế - Ngày đăng : 15:44, 16/01/2017
Thành danh trên đất Mỹ, nhưng tiến sĩ Vũ Thành Long chưa bao giờ quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hai vợ chồng anh đã có một con gái...
Tiến sĩ Vũ Thành Long đứng lớp giảng dạy các sinh viên tại Học viện công nghệ Massachusetts
Với "lưng vốn" 3 lần giành giải nhất môn toán kỳ thi Olympic sinh viên toàn quốc, top 5 luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của Đại học Quốc gia Singapore, 3 lần giành được tài trợ của Quỹ Khoa học quốc gia và Bộ Năng lượng Mỹ, Vũ Thành Long ung dung bước chân vào Học viện Công nghệ Massachussetts (Mỹ), học viện công nghệ số 1 thế giới.
Hậu phương nâng bước
Trở thành giảng viên trẻ và nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực năng lượng mới của học viện khoa học công nghệ số 1 thế giới là hành trình không ngừng nghỉ của chàng trai quê Nam Sách. Hành trình ấy có sự hậu thuẫn của rất nhiều người từ cha mẹ, thầy cô và gia đình nhỏ. Trong những ngày cuối năm, dù đang bận cho công việc giảng dạy và nghiên cứu nhưng tiến sĩ Long vẫn dành thời gian chia sẻ nhiều thông tin thú vị với phóng viên Báo Hải Dương qua facebook.
|
Sinh năm 1984, Vũ Thành Long từng học ở Trường Tiểu học An Châu rồi đến Trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách). Thầy Trần Khoa, người thầy dạy toán đầu tiên của Long ở Trường THCS Nguyễn Trãi đã nâng bước Long đến với môn toán. “Mặc dù nhà thầy nghèo lắm nhưng cứ mỗi năm lại có vài tháng tôi được thầy đưa về nhà nuôi và kèm tôi học. Buổi tối, thầy dạy toán cho tôi và mấy bạn nữa, rồi mấy thầy trò lại cùng ăn, cùng ngủ. Tình cảm sâu đậm đó suốt đời tôi khắc ghi…”, tiến sĩ Long nhớ lại.
Thầy Khoa, cùng các thầy Tuấn Anh, thầy Cần, cô Yến… ở Trường THCS Nguyễn Trãi chính là những người tạo nền móng vững chắc, đưa Thành Long từ một cậu bé trường làng hầu như không biết gì về toán đến bến bờ đầu tiên là đỗ thủ khoa khối phổ thông chuyên toán tin của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó, gia đình anh chuyển lên Hà Nội sinh sống. Bố mẹ Long đều công tác trong lĩnh vực thuỷ lợi và luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho quá trình học tập và nghiên cứu của con. Có hậu phương vững chắc, chàng sinh viên trẻ tiếp tục gặt hái những thành công.
“Hãy cứ ước mơ thật lớn”
Gia đình Vũ Thành Long sống ở vùng Boston - trung tâm văn hóa và khoa học giáo dục của Mỹ
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chàng trai Hải Dương giành được học bổng NGS của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), là học bổng nghiên cứu tiến sĩ tốt nhất của Singapore. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ loại xuất sắc, Thành Long đến Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), trung tâm khoa học công nghệ số 1 của nước Mỹ và thế giới để nghiên cứu sau tiến sĩ. Tại đây, tiến sĩ Long đã có rất nhiều công trình mang tính đột phá. Nhờ đó, chàng trai Hải Dương được MIT đề bạt làm nhà khoa học kiêm giảng viên chuyên ngành năng lượng mới sớm 1,5 năm so với những người làm sau tiến sĩ khác tại MIT.
“MIT có môi trường làm việc tuyệt vời. Tại đây, tôi có cơ hội làm việc trực tiếp và thường xuyên với những người giỏi nhất như giáo sư Jean-Jacques Slotine - người đã trở thành giáo sư ở MIT năm 24 tuổi. Được trao đổi với những nhà khoa học nổi tiếng thường xuyên đến MIT làm hội thảo… Tất nhiên, môi trường ở đây cũng cực kỳ cạnh tranh và đòi hỏi mỗi người phải luôn nỗ lực mỗi ngày”, tiến sĩ Long chia sẻ.
Các nghiên cứu tại MIT thường có tính mở đường và tạo tầm ảnh hưởng lớn. Tiến sĩ Long đang đề xuất một hướng nghiên cứu mới để duy trì tính ổn định của hệ thống điện bằng cách thay đổi cấu trúc hệ thống. Theo tiến sĩ Long, việc xin tài trợ để làm nghiên cứu từ Chính phủ Mỹ rất khó khăn (tỷ lệ thành công thường chỉ 10-20%). Tuy nhiên, bằng những minh chứng đột phá trong nghiên cứu, tiến sĩ Long đã 3 lần giành được tài trợ của Quỹ Nghiên cứu quốc gia và Bộ Năng lượng Mỹ. Tiến sĩ Long hiện còn là Chủ tịch Hội Điều khiển của Hiệp hội Kỹ thuật thế giới (IEEE Control Systems Society) tại khu vực Boston.
Song hành với việc nghiên cứu, nhà khoa học trẻ còn đứng lớp trực tiếp giảng dạy các sinh viên tại MIT, trong đó có không ít sinh viên Việt Nam. Họ đều là những bạn trẻ tài năng, có người từng đoạt huy chương vàng, huy chương bạc trong các cuộc thi Olympic quốc tế.
Thành danh trên đất Mỹ, nhưng tiến sĩ Long chưa bao giờ quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hai vợ chồng anh đã có một con gái. "Tôi cố gắng mỗi năm đưa gia đình về Việt Nam một lần, ít nhất ở lại vài tuần, vừa thăm người thân, vừa để con tôi lớn lên vẫn là một người Việt Nam, hiểu văn hóa Việt và yêu thương họ hàng…”, tiến sĩ Long chia sẻ.
Và anh ước mơ sử dụng chuyên môn của mình để đóng góp cho ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Bởi vị tiến sĩ trẻ nhận thấy Việt Nam có lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo. Đó cũng là lý do anh trực tiếp tham gia tổ chức Hội nghị quốc tế về năng lượng mới tại Việt Nam - IEEE ICSET 2016 với tư cách chủ tọa chương trình. Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, nhưng ICSET 2016 đã thành công tốt đẹp khi thu hút tới hơn 200 nhà khoa học đến từ 26 quốc gia. Các giáo sư hàng đầu thế giới đã có các bài phát biểu sâu, trình bày nghiên cứu và đưa ra các hướng đi mới cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tại hội nghị, tiến sĩ Long còn được trao giải Bài báo xuất sắc nhất.
Nói về bí quyết thành công, tiến sĩ Vũ Thành Long cho rằng: “Hãy cứ ước mơ thật lớn và làm việc hết mình thì không gì có thể ngăn cản chúng ta đạt được ước mơ của chính mình. Tôi luôn quan niệm mình đang ở trong một cuộc lội ngược dòng, mình phải liên tục tự đặt ra các mục tiêu, ước mơ ngày càng lớn, đồng thời khắc phục các hạn chế của bản thân để đạt được mục tiêu, ước mơ đó. Rồi lại ước mơ tiếp…”.
MAI LINH