Luật mới tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh dược phẩm

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:49, 17/01/2017

Với nhiều điểm mới, Luật Dược (sửa đổi) tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh dược phẩm và người tiêu dùng.



Với nhiều điểm mới, Luật Dược (sửa đổi) tạo nhiều thuận lợi cho cơ sở kinh doanh thuốc và người tiêu dùng

Luật Dược (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 4-2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Với nhiều điểm mới, Luật Dược (sửa đổi) tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh dược phẩm và người tiêu dùng.

Cải cách thủ tục hành chính

Một trong những điểm mới của Luật Dược (sửa đổi) là bổ sung quy định về hình thức gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc thay cho hình thức cấp lại giấy đăng ký lưu hành; rút ngắn thời hạn cấp giấy theo hình thức này từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Ngoài ra, luật còn quy định cụ thể thời hạn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với từng trường hợp, như không quá 3 tháng đối với việc gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, không quá 12 tháng trong việc cấp mới giấy đăng ký lưu hành để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Cũng theo quy định của luật, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược không quy định thời hạn hiệu lực nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho cơ sở kinh doanh dược, nhưng phải có quy định đánh giá đủ điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự của cơ sở kinh doanh dược định kỳ 3 năm một lần hoặc đột xuất. Để tiêu chuẩn hóa người hành nghề dược, luật bổ sung các vị trí phải có chứng chỉ hành nghề dược, gồm: Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Luật còn quy định chứng chỉ hành nghề dược được cấp không có thời hạn hiệu lực và rút ngắn hơn thời gian giải quyết thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược. Những thay đổi mới này tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh dược rút ngắn được thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các cơ sở hành nghề dược tư nhân phát triển. 

Luật cũng quy định cụ thể biện pháp quản lý giá thuốc. Nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch. Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Đồng thời, phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc. Trước đây, luật quy định giá thuốc bảo đảm không cao hơn giá thuốc của các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam. Trong khi đó, luật sửa đổi không yêu cầu tham khảo giá thuốc của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi việc quản lý giá thuốc phải được thực hiện chặt chẽ, tránh tình trạng giá thuốc bị đẩy lên cao.

Mua thuốc ban đêm dễ dàng hơn

 Áp dụng Luật Dược (sửa đổi), người dân tăng khả năng tiếp cận thuốc. Các nhà thuốc được khuyến khích bán thuốc vào ban đêm thay vì quy định Giám đốc Sở Y tế phân công nhà thuốc bán ban đêm như trước đây. Một số loại thuốc thông thường theo danh mục của Bộ Y tế quy định, những loại thuốc không cần kê đơn sẽ không chỉ được bán tại hiệu thuốc mà còn được bày bán tại các siêu thị. Tuy nhiên, để đáp ứng được điều kiện này, các siêu thị phải có người phụ trách có chuyên môn về dược để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Điều này cũng hợp với xu thế phát triển chung. Bà Trần Thị Bảy ở xã Hồng Phong (Nam Sách) chia sẻ: "Với quy định siêu thị được phép bán một số loại thuốc thì tôi có thể mua thuốc ngay khi đi mua các mặt hàng thiết yếu khác, việc này sẽ giúp tôi tiết kiệm thời gian".

Luật Dược (sửa đổi) cũng bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, việc bán lẻ vaccine, bán thuốc cao hơn giá kê khai, giá niêm yết đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Y tế, tuy Luật Dược (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành nhưng sở vẫn đang chờ các thông tư, nghị định hướng dẫn triển khai cụ thể. Ngay sau khi có các thông tư, nghị định, Sở Y tế sẽ tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến, triển khai áp dụng Luật Dược (sửa đổi).

HUYỀN TRANG