Mùa xuân nơi cổng trời
Du lịch - Ngày đăng : 05:30, 23/01/2017
Hà Giang là vùng đất địa đầu cực bắc của Tổ quốc. Những địa danh như Lũng Cú, Quản Bạ, Tả Phìn, Phố Cáo... không xa lạ gì với du khách cả nước.
Những nếp nhà trình tường lẫn giữa sắc đào
Nói là vùng đất nhưng có tới 2/3 là đá. Đi đến đâu người ta như cũng chạm vào đá. Một vùng cao nguyên đá, thời tiết khắc nghiệt. Mùa đông có lúc nhiệt độ xuống 1°C. Nhưng khi mùa xuân về, thiên nhiên nơi đây như bừng sức sống. Các loài hoa mận, hoa đào, hoa cải đua nhau khoe sắc khắp mọi nơi, trên sườn núi, nở trong vườn nhà, hay bên hàng rào đá, cả ngay cạnh lối đi. Hòa với thiên nhiên là sắc xanh, sắc đỏ từ những bộ trang phục mới của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông, Lô Lô, Dao, Tày, Nùng… rủ nhau xuống chợ chơi xuân. Hình ảnh từng nhóm con gái Mông xúng xính trong bộ váy áo sặc sỡ kéo nhau du xuân trên đường đèo như những dòng suối thổ cẩm muôn màu hoặc xúm xít ném pao - một trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc ngay trên khoảnh đất bằng phẳng bên đường tạo nên một bức tranh xuân vùng cao đẹp đến mê hoặc lòng người. Riêng đám con trai thì hào hứng với trò chơi tu lu hay còn gọi đánh quay. Ở những nơi thôn bản xa xôi, cách trở, dân cư thưa thớt, ngày Tết trai gái người Mông thường rủ nhau đi xem múa khèn, tham gia trò chơi dân gian, hát trao duyên qua ống tre nối dây cước... do địa phương tổ chức.
Những hình ảnh đậm đà không khí xuân nơi địa đầu Tổ quốc đã cuốn hút đôi chân chúng tôi đến tận hội chọi dê huyện Mèo Vạc. Thật hào hứng khi những chú dê núi hiền lành, hằng ngày nhởn nhơ tìm cỏ nay trở thành đấu sĩ với những miếng đòn hiểm hóc, nhấc hẳn thân mình lên cao rồi dũng mãnh dùng sừng bổ xuống đầu đối phương hay lao thẳng vào nhau. Những lúc thấm mệt chúng lại dùng sừng khóa đầu, khóa chân để đối phương không thể phản đòn. Dù đấu với nhau bằng đòn chí mạng nhưng không chú dê nào bị sát thương và không bị giết mổ như sới chọi trâu.
Trong khi đó, trên các con đường, trai gái dạo chơi, tìm bạn và biểu lộ tình ý qua tục “vỗ mông”, một phong tục rất riêng của dân tộc Mông sống tại Mèo Vạc. Thông thường, nếu cô gái ưng thuận sẽ đáp lại và họ rời đám đông để tâm tình. Thật ra, tục vỗ mông dịp đầu xuân chỉ là cơ hội tỏ tình bởi trước đó họ đã có dịp tìm hiểu người bạn đời.
Dịp đầu xuân là cơ hội tỏ tình của các cặp đôi người Mông
Đồng bào dân tộc Mông nơi đây có tục lệ ăn Tết kéo dài đến hết tháng giêng. Đến Hà Giang vào dịp Tết, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản như thắng cố, cháo ấu tẩu, nộm tái dê hay món mèn mén, thắng cố, đậu chúa đặc trưng của người dân vùng cao... Ngoài các món ăn đặc sản vùng cao, bạn cũng không thể từ chối, bỏ qua chén rượu ngô thơm mát được chế biến từ ngô, hạt đồ chín ủ với men lá (men lá được chế từ hơn 30 loại thảo dược trong rừng) và được chưng cất từ nguồn nước tinh khiết trên núi. Hiện có nhiều loại rượu ngô ngon nổi tiếng như rượu ngô Thanh Vân (Quản Bạ), rượu Nà Mạ (Yên Minh), rượu Thiên Hương (Đồng Văn)... được khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngoài ra, bạn còn có thể khám phá khu di tích lịch sử lâu đời nhà họ Vương, cột cờ Lũng Cú hay tìm về truyền thuyết huyền thoại chợ tình Khâu Vai, mỗi năm chỉ họp một lần.
Xuống chợ
Đặc biệt, khi bạn đặt chân lên miền núi cao nơi đây còn cảm nhận được cái “say” vì sương mờ quấn quýt trên đỉnh núi, vì những cung đường uốn lượn, vì những ngôi nhà có vách đất trình tường vàng màu đất... Và tất nhiên vì cả sắc hoa đào rừng đã làm nên nét quyết rũ của cao nguyên địa đầu Tổ quốc mỗi khi xuân về...
Mùa xuân lại về trên cao nguyên đá Hà Giang - ai cũng mong được một lần trải nghiệm những cảm xúc tuyệt vời trên vùng cao nguyên đá còn nguyên nét hoang sơ.
TIẾN THÀNH