Chủ bếp
Đời sống - Ngày đăng : 16:27, 23/01/2017
Mấy hôm nay, cứ đi làm về là Thảo lại tranh thủ vào mạng tìm hiểu các công thức chế biến những món ăn lạ để dịp Tết này thử nghiệm.
Năm ấy Thành và Thảo cưới nhau cũng vào dịp gần Tết. Hồi ấy vợ chồng Thành chưa xây được nhà riêng, vẫn ở chung với bố mẹ Thành. Có dâu mới ngay trước Tết nên mẹ Thành phấn khởi lắm, bà giao cho Thảo phụ trách sắm sửa mọi thứ cho dịp Tết, đảm đương mọi việc bếp núc để bà dành thời gian đi chùa và về quê thăm họ hàng. Khổ nỗi từ nhỏ Thảo vốn được mẹ nuông chiều, cô chỉ biết ăn rồi đi học. Thương con gái bận học, lại nghĩ thời buổi hiện đại, chỉ cần có tiền ra chợ, ra siêu thị cũng đầy đủ cả nên mẹ Thảo không muốn con mất thời gian vào việc tề gia nội trợ.
Khi yêu Thành, lần đầu về nhà anh chơi, cô mới lo sốt vó khi nghĩ đến những thử thách đang đợi mình trong bếp. Trước hôm về nhà Thành mấy ngày, Thảo vào hiệu sách bê về mấy cuốn dạy nấu ăn. Cầm quyển sách có tiêu đề "Đánh thức tài năng nội trợ" mà em gái mang về, anh trai Thảo bĩu môi bảo: "Cô thì làm gì có tài năng này mà đòi đánh thức". Mẹ Thảo cũng lo lắm nhưng lúc này mới bổ trợ cho cô thì không kịp nữa. Thế là Thảo đành "tay không" về ra mắt nhà chồng tương lai.
Mấy lần tụ họp ở nhà Thành, các chị gái, chị họ đều về đông đủ, mỗi người một tay một chân, Thảo chỉ phải tham gia nhặt rau, rửa bát nên mọi người cũng không ai để ý đến điểm yếu của cô. Nhưng Tết ấy, khi mẹ Thành giao việc thì Thảo chẳng tránh đi đâu được nữa. Việc mua sắm thì cô có thể tham khảo ý kiến của mẹ đẻ được, nhưng mua về rồi làm gì, làm như thế nào thì là cả vấn đề. Nghĩ đến cảnh trong phim Hàn Quốc mà cô từng xem, mấy cô dâu mới thường gọi điện thoại để mẹ đẻ hướng dẫn cách làm món này, món nọ, Thảo cũng định học theo. Nhưng rồi cô thấy ngay là không ổn chút nào, bởi ngày thường đã đành, ngày Tết làm sao có thể vừa điện thoại, vừa làm được. Mà đầu xuân năm mới, nhỡ làm hỏng món nào thì dông cả năm.
Cũng may mẹ Thành là người khá tâm lý. Thấy từ lúc được giao việc, con dâu cứ bần thần như người mất hồn, bà đoán ra phần nào. Mấy lần Thảo về chơi trước khi cưới bà cũng đã để ý thấy cô có vẻ lóng ngóng với việc bếp núc. Tối ấy, lựa lúc chồng và con trai đang mải xem ti vi, bà gọi Thảo xuống bếp. Bà nhẹ nhàng bảo con dâu: "Mẹ nghĩ lại rồi, lúc đầu mẹ định giao khoán cho con mọi việc. Nhưng con vừa chân ướt chân ráo về đây, còn chưa quen mọi việc. Thôi, năm nay hai mẹ con mình cùng lo Tết. Mẹ sẽ lên kế hoạch xem cần mua những thứ gì rồi hai mẹ con cùng đi mua, con thấy được không?".
Đương nhiên là Thảo mừng như bắt được vàng. Lúc hai mẹ con cùng đi chợ, Thảo đã thật lòng tâm sự với mẹ chồng về nỗi lo lắng của cô. Thấy Thảo thật thà, mẹ Thành không hề trách cứ mà còn nhiệt tình giảng giải cho cô. Tết ấy, bà trở thành giáo viên, còn Thảo là học sinh. Được cái cô vốn nhanh ý nên nắm bắt khá nhanh. Chỉ một tuần nghỉ Tết, được mẹ chồng cầm tay chỉ việc, Thảo đã tiến bộ rõ rệt. Sau Tết, cô vẫn chịu khó phụ việc bếp núc cho mẹ chồng. Cô còn lên mạng học hỏi bí quyết nên nửa năm sau, Thảo đã thành một bà nội trợ có tay nghề khá. Đến khi vợ chồng Thảo xây được nhà ra ở riêng thì cô đã hoàn toàn làm chủ căn bếp của mình.
Rút kinh nghiệm từ bản thân nên giờ bé Na mới 3 tuổi, Thảo đã cho con cùng vào bếp. Cô hướng dẫn, khích lệ con giúp mình từ những việc lặt vặt. Con bé cũng có vẻ rất thích thú với việc bếp núc. Thảo tự tin khi nghĩ rằng rồi đây lớn lên, bé Na sẽ không chỉ giỏi việc xã hội, việc chuyên môn mà nhất định sẽ làm chủ được cả căn bếp. Bởi dù người phụ nữ có thành đạt đến đâu, có làm gì trong xã hội thì vẫn là người giữ lửa trong gia đình.
HƯƠNG GIANG